Bạn đọc

Chi sai quy định nhiều tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh kiểm điểm lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT; xử lý trách nhiệm Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly (huyện Chư Pah) tự ý nghiệm thu 243,6 ha rừng trồng thành rừng đưa vào nuôi dưỡng khi chưa có thành phần tham gia nghiệm thu của Sở Nông nghiệp và PTNT theo quy định.

Gần 5 tỷ đồng chi sai quy định
 

Theo kết luận Thanh tra, việc sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho công tác nuôi dưỡng rừng trồng tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly (BQLRPH) có nhiều khoản chi chưa đúng quy định. Cụ thể, năm 2013 và 2014, BQLRPH Ia Ly được Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt hồ sơ thiết kế nuôi dưỡng rừng trồng thông 3 lá đối với diện tích rừng trồng từ năm 2009 (93,6 ha) và năm 2010 (150 ha). Tuy nhiên, BQLRPH Ia Ly đã tự ý nghiệm thu toàn bộ diện tích 243,6 ha này thành rừng và đưa vào nuôi dưỡng khi chưa có thành phần của Sở Nông nghiệp và PTNT tham gia nghiệm thu là chưa đúng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc xác định rừng trồng, rừng khoanh nuôi thành rừng.  

Nghiêm trọng hơn, trong 3 năm (2013 đến 2015), đơn vị này ký hợp đồng xây dựng các công trình lâm sinh (trồng rừng, nuôi dưỡng rừng, làm đường ranh cản lửa) với các ông: Trương Duy Ca, Trương Duy Cảnh, Trương Duy Nam thường trú tại TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum)-là họ hàng với nhau trong gia đình. Việc hợp đồng với cá nhân không có chuyên môn về lâm sinh để thi công là trái với Quyết định 73/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh. Hợp đồng với cá nhân đại diện cho tổ nhóm thi công nhưng hồ sơ thanh toán chỉ đứng tên cá nhân những của ông này mà không hề có danh sách các hộ dân hoặc cá nhân nào tham gia kèm theo; không xuất hóa đơn và kê khai nộp thuế theo quy định nhưng đơn vị vẫn chi thanh toán tiền mặt cho các cá nhân nói trên. Tổng số tiền thanh toán cho các ông Ca, Cảnh và ông Nam lên đến hơn 4,9 tỷ đồng và tạm ứng tiền trồng rừng thay thế phần diện tích 100 ha cho 3 ông này (năm 2015) trên 2,1 tỷ đồng.


Ngoài ra, Thanh tra tỉnh còn kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành Thuế vào cuộc kiểm tra hồ sơ thanh toán các công trình lâm sinh của đơn vị này để truy thu, xử phạt đối với các đơn vị, cá nhân không thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của Luật Quản lý Thuế.

Kết luận của Thanh tra tỉnh còn nêu rõ, chủ trương của Nhà nước là tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người dân sống gần rừng, đặc biệt là người dân tộc thiểu số được hưởng lợi, nâng cao thu nhập xóa đói giảm nghèo nhưng đơn vị chủ rừng (BQLRPH Ia Ly) lại hợp đồng với những lao động không phải người dân tộc thiểu số địa phương, thậm chí người ngoài tỉnh để thực hiện các dự án trồng rừng, dọn thực bì, làm đường ranh cản lửa; sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng để mua ô tô…

Thiếu sót do quá trình chuyển giao?

 

 Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly có nhiều sai phạm trong việc sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: Minh Nguyễn
Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly có nhiều sai phạm trong việc sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: Minh Nguyễn

Trước các nội dung kết luận của Thanh tra tỉnh, ông Phạm Thành Phước-Trưởng BQLRPH Ia Ly cho biết: Việc hợp đồng với các cá nhân không có chuyên môn về lâm sinh thực hiện các hạng mục công trình lâm sinh (trồng rừng, nuôi dưỡng rừng, làm đường ranh cản lửa) được thực hiện từ năm 2005 đến nay. Tuy nhiên ở thời điểm đó, chủ trương đấu thầu không thực hiện được vì không có đơn vị, doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện nên các BQL mới tự hợp đồng lao động trực tiếp. Trên cơ sở này, BQLRPH Ia Ly đã hợp đồng với các cá nhân (ông Ca, Cảnh và ông Nam) đứng ra đại diện cho tổ nhóm lao động thực hiện, cán bộ BQLRPH Ia Ly chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật, giám giát thi công.


“Chúng tôi chỉ chú trọng chất lượng công việc chứ không giám sát việc họ thuê các lao động này ở đâu, số lượng như thế nào. Chủ yếu các ông này thuê công lao động khắp nơi, “gặp đâu phang đó”, thậm chí có cả bộ đội, lao động từ tỉnh Bình Định lên. Khi thì vài người, lúc vài chục người miễn sao xong các hạng mục, công việc của mình. Ví dụ như, việc làm đường ranh cản lửa phải được làm xong trong tháng 12, nếu chờ người dân địa phương làm xong mùa vụ mới thuê làm thì không kịp. Lúc đó xảy ra cháy rừng thì ai chịu trách nhiệm”-ông Phước lý giải.

Ông Phước thừa nhận sai phạm của việc đưa diện tích 243,6 ha rừng trồng vào nuôi dưỡng khi chưa có thành phần của Sở Nông nghiệp và PTNT nghiệm thu thành rừng… là đúng như kết luận Thanh tra. Thiếu sót này do trong quá trình giao thời, nhập nhòe giữa trưởng ban cũ và trưởng ban mới nên dẫn đến việc “quên” đưa Sở vào thành phần nghiệm thu. Theo ông Phước lý giải, việc thanh toán hợp đồng nhưng không có danh sách các hộ dân hoặc cá nhân là do: “Nay thuê người này, mai thuê người kia, người làm 3 ngày người khác làm 5 ngày… khi làm xong lúc thanh toán tiền xong họ không lưu danh sách”.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ có văn bản kiến nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh chỉ định người thực hiện hợp đồng các dự án lâm sinh hoặc có cơ chế chính sách về việc này. Nếu không, chúng tôi sẽ giao về Sở làm sao thì làm chứ nếu tiếp tục hợp đồng làm nữa thì lại sai phạm”-ông Phước cho biết.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm