Trao sinh kế cho thanh niên
Thoát khỏi diện cận nghèo là niềm mơ ước đối với anh Kpuih Vol (làng Nẽh Xo, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông). Anh Vol vốn xuất thân trong gia đình thuần nông, bằng cấp không có nên chỉ biết làm lụng quanh 4 sào cà phê đã già cỗi và đi làm thuê cho các hộ dân trong làng, thu nhập không đủ chi tiêu sinh hoạt gia đình.
Năm 2021, anh Vol được Huyện Đoàn Chư Prông hỗ trợ 2 con dê giống, Đoàn xã Ia Tôr cho mượn 2 con dê giống nữa để phát triển chăn nuôi. Đây là động lực để anh Vol nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế. Nhờ sự cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những hộ dân trong làng, đàn dê của anh Vol sinh trưởng tốt. Bên cạnh đó, từ tiền bán dê, anh còn đầu tư nuôi 100 con gà. Hiện tại, đàn dê của gia đình anh đã tăng lên 16 con và đang tiếp tục nhân đàn. Từ các cây trồng, vật nuôi, trung bình mỗi tháng anh Vol thu nhập gần 8 triệu đồng. Số tiền này tuy chưa lớn nhưng cũng đủ để anh Vol trang trải cuộc sống gia đình và lo cho 2 con ăn học.
Với khoản thu nhập tương đối ổn định mỗi tháng, gia đình anh Vol được xét ra khỏi diện cận nghèo vào cuối năm 2022. Anh Vol tâm sự: “Nhờ sự “tiếp sức” của Đoàn Thanh niên, kinh tế gia đình tôi đã ổn định hơn. Tôi sẽ cố gắng phát triển kinh tế, mở rộng quy mô chăn nuôi và tích cực tham gia các hoạt động Đoàn”.
Đoàn khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tặng mô hình sinh kế cho thanh niên khó khăn của xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê. Ảnh: P.L |
Anh Hồ Tiến Đạt-Bí thư Đoàn xã Ia Tôr chia sẻ: Cái khó của thanh niên dân tộc thiểu số là không có vốn và kỹ thuật để phát triển kinh tế. Qua hỗ trợ sinh kế và hướng dẫn kỹ thuật, chúng tôi thấy rằng, thanh niên dân tộc thiểu số hoàn toàn có thể vươn lên ổn định cuộc sống nếu được trao cơ hội.
Mới đây, từ nguồn kinh phí của Tiểu dự án 2-Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023, Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam phối hợp với Tỉnh Đoàn Gia Lai, Huyện Đoàn Kông Chro trao 60 con bò, 9.000 con gà giống cho thanh niên dân tộc thiểu số của xã Sró và Đak Sông.
Thành Đoàn Pleiku tặng mô hình sinh kế cho thanh niên làng Têng 2 (xã Tân Sơn, TP. Pleiku). Ảnh: M.N |
Theo đó, 60 hộ thanh niên của 2 xã được nhận 60 con bò giống; 60 hộ được nhận gà giống, mỗi hộ 150 con gà 21 ngày tuổi và 3 tạ cám làm thức ăn. Bên cạnh việc trao sinh kế, hộ gia đình tham gia dự án được cán bộ có chuyên môn tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản và gà lai; cách xây dựng và vệ sinh chuồng trại để con giống sinh trưởng tốt. Các hộ thanh niên được nhận hỗ trợ đều là hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Anh Đinh Văn Hanh (thôn 2, xã Sró) cho biết: “Vợ chồng mình ra ở riêng, đất canh tác không có, chỉ đi làm thuê. Mình rất vui khi được Đoàn Thanh niên hỗ trợ sinh kế và sẽ cố gắng chăm sóc bò thật tốt”.
Anh Phan Đoàn Trần Hòa-Bí thư Huyện Đoàn Kông Chro-cho hay: Năm 2022, Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam đã hỗ trợ 18 con bò lai sinh sản cho 18 hộ thanh niên xã Ya Ma để phát triển kinh tế. Sau hơn 1 năm hỗ trợ, bò giống đều khỏe mạnh, sinh sản tốt.
Năm nay, thanh niên trên địa bàn huyện tiếp tục được hỗ trợ sinh kế, Huyện Đoàn đã chỉ đạo các Đoàn xã có thanh niên tiếp nhận nguồn lực thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ về kỹ thuật để vật nuôi sinh trưởng tốt. Sự trợ lực kịp thời của tổ chức Đoàn đã giúp thanh niên có động lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới ổn định.
Thay đổi cách tiếp cận
Hướng đến mục tiêu giúp thanh niên thoát nghèo, các tổ chức Đoàn đã thường xuyên rà soát, nắm bắt hoàn cảnh của thanh niên để có hướng đồng hành, hỗ trợ phù hợp.
Các hoạt động đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp tiếp tục được triển khai thông qua các hình thức: hỗ trợ vốn vay cho thanh niên làm kinh tế; đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, website, mạng xã hội về khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, trồng trọt cho thanh niên nông thôn...
Trong năm 2023, tổ chức Đoàn các cấp đã phối hợp tổ chức tư vấn, tuyển sinh hướng nghiệp cho hơn 62.900 lượt thanh niên (trong đó có hơn 15.000 lượt thanh niên dân tộc thiểu số); tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 13.700 lượt thanh niên; vận động, trao tặng 22 mô hình sinh kế cho đoàn viên, thanh niên; tổ chức Hội nghị tập huấn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội cho 63 Bí thư, Phó Bí thư Đoàn xã, các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn do Đoàn thanh niên quản lý. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nâng tổng dư nợ do Đoàn thanh niên quản lý lên gần 1.088 tỷ đồng, cho hơn 25.110 hộ vay, với 556 tổ tiết kiệm và vay vốn (tăng trên 113 tỷ đồng so với thời điểm 31-10-2022).
Ngoài ra, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh duy trì hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên trên website Tỉnh Đoàn, ứng dụng hiệu quả công cụ giới thiệu việc làm trên các nền tảng số; phối hợp tổ chức 2 ngày hội “Thanh niên với nghề nghiệp và việc làm cấp tỉnh năm 2023” tại huyện Chư Pưh và huyện Krông Pa.
Đặc biệt, tại Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” lần thứ VII-năm 2023 do Tỉnh Đoàn-Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh tổ chức, trong 5 dự án lọt vào vòng chung kết có dự án “Trồng lúa đá áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm” của tác giả Kpă Séo (đoàn viên buôn Ia Prông, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa).
Anh Kpă Séo cho biết: “Lúa đá là một giống lúa quý của người Jrai. Vì nhiều lý do mà diện tích trồng giống lúa này ngày càng giảm. Tôi đang trồng thử nghiệm giống lúa này với diện tích 2 sào với kỹ thuật mới. Mạnh dạn tham gia cuộc thi giúp tôi có cơ hội lắng nghe, tiếp nhận được những góp ý quý báu của Ban giám khảo để phát triển dự án trong thời gian tới”.
Anh Kpă Séo (bìa phải) giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp từ đặc sản của địa phương. Ảnh: M.N |
Anh Đỗ Đức Thanh-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh-thông tin: “Thời gian qua, tổ chức Đoàn trong toàn tỉnh đã triển khai thực hiện khá tốt chương trình “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế và nhiều tấm gương thanh niên vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh việc hỗ trợ sinh kế, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay, tổ chức Đoàn-Hội cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, xác định nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế trong quá trình phát triển kinh tế của thanh niên để có hướng giúp đỡ phù hợp. Đặc biệt, khơi dậy ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo của thanh niên, tránh tình trạng một bộ phận thanh niên trông chờ, ỷ lại, tự ti, thiếu ý chí vươn lên. Có như vậy thì các chương trình, hoạt động hỗ trợ thanh niên vươn lên xóa đói, giảm nghèo tại quê hương mới đạt hiệu quả”.