Giáo dục

Tin tức

"Chìa khóa" nâng cao chất lượng giáo dục

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp để đạt tỷ lệ 58,8% trở lên trường học đạt chuẩn quốc gia trong năm 2022. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy trên hành trình vươn tới “đích chuẩn”, các cơ sở giáo dục còn phải đối mặt với không ít khó khăn.

Đạt và vượt chỉ tiêu được giao

Đứng chân trên địa bàn đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo khá cao, nhiều năm qua, Trường Mẫu giáo Đak Rong (xã Đak Rong, huyện Kbang) luôn gặp khó trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đầu năm 2021, nhà trường được đầu tư xây dựng khang trang tại vị trí của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Đak Rong (cũ) với kinh phí 2 tỷ đồng, do Tập đoàn Bảo Việt tài trợ. Ngoài ra, UBND huyện cũng xuất ngân sách trên 100 triệu đồng mua sắm một số trang-thiết bị học tập, đồ chơi ngoài trời cho nhà trường. Hiện nay, tổng diện tích toàn trường là 14.344 m2 gồm 1 điểm chính ở trung tâm xã và 8 điểm lẻ tại các làng với 12/12 phòng học được xây dựng kiên cố, bán kiên cố, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Nhà trường cũng có đầy đủ phòng sinh hoạt chung của trẻ, phòng ăn, phòng ngủ riêng biệt, các phòng chức năng, phòng hiệu bộ; trang-thiết bị dạy học, đồ dùng tối thiểu, đồ chơi ngoài trời tương đối đảm bảo. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên cơ bản đáp ứng việc quản lý, dạy và học.

 Trường Mẫu giáo Đak Rong (xã Đak Rong, huyện Kbang) phấn đấu đạt chuẩn quốc gia trong năm 2022. Ảnh: Mộc Trà
Trường Mẫu giáo Đak Rong (xã Đak Rong, huyện Kbang) phấn đấu đạt chuẩn quốc gia trong năm 2022. Ảnh: Mộc Trà



Theo Hiệu trưởng Trần Thị Hiên, chính sự đầu tư này đã mở ra cơ hội để nhà trường vươn đến gần hơn mục tiêu đạt chuẩn quốc gia, góp phần giúp xã Đak Rong hoàn thành tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới. “Ngày 31-10, Sở GD-ĐT đã có quyết định công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2, tiến đến đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trong năm 2022. Từ đây, nhà trường sẽ có điều kiện tốt hơn để dạy và học, trẻ cũng được thụ hưởng nhiều lợi ích hơn trong một môi trường giáo dục thân thiện, xanh-sạch-đẹp-an toàn”-cô Hiên phấn khởi nói.

Tương tự, Trường THPT Nguyễn Thái Học (huyện Chư Pưh) cũng vừa được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 và sẽ hoàn thành chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia vào cuối năm nay. Thầy Ngô Xuân Tiến-Hiệu trưởng nhà trường-thông tin: Trường có 2 cơ sở với gần 1.700 học sinh/35 lớp. Cơ sở 2 nằm trên địa bàn xã Ia Le. Hiện nay, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vẫn còn thiếu nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý cũng như đảm bảo chất lượng giáo dục của nhà trường. Tuy nhiên, với sự nỗ lực và quyết tâm cao, nhà trường đã từng bước khắc phục khó khăn để hoàn thiện các tiêu chí của trường trung học đạt chuẩn quốc gia.

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là chủ trương lớn, mang tính chiến lược của ngành GD-ĐT nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng yêu cầu đổi mới. Căn cứ Kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025, Sở GD-ĐT đã xây dựng Kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn trong năm 2022, giúp các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện nhằm đạt chỉ tiêu được giao là công nhận mới 33 trường. “Đến nay, toàn tỉnh có 431/761 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 56,64%), trong đó có 142 trường mầm non, 127 trường tiểu học, 40 trường THCS và 22 trường THPT. Theo kế hoạch, cuối năm 2022, Sở GD-ĐT sẽ trình UBND tỉnh công nhận các trường đã có quyết định thành lập đoàn đánh giá ngoài, hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu mà UBND tỉnh đã giao”-ông Long thông tin.

 Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (TP. Pleiku) nỗ lực duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định mới. Ảnh: Đức Thụy
Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (TP. Pleiku) nỗ lực duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định mới. Ảnh: Đức Thụy



Còn lắm khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng trường chuẩn trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng gặp không ít hạn chế, khó khăn. Theo ông Long, kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025 của tỉnh ban hành đầu năm 2022 nên các địa phương không kịp phân khai kinh phí đầu tư xây dựng cho các trường. Do vậy, công tác đánh giá ngoài và công nhận trường chuẩn quốc gia trong năm còn chậm, tập trung chủ yếu trong quý IV. Bên cạnh đó, trường học còn nhiều điểm lẻ, khó đầu tư; cơ sở vật chất, thiết bị theo yêu cầu mới của Bộ GD-ĐT khá cao, nhất là trang-thiết bị để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên chưa thể đáp ứng ngay trong thời gian ngắn. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên, nhân viên các trường học còn thiếu so với vị trí việc làm và chỉ tiêu được giao, đặc biệt đối với bậc học mầm non và một số bộ môn theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

TP. Pleiku bố trí hơn 200 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cho các trường học nhằm đảm bảo lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Mộc Trà
TP. Pleiku bố trí hơn 200 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang-thiết bị cho các trường học nhằm đảm bảo lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Mộc Trà



Hiện nay, nhiều trường được công nhận trường chuẩn quốc gia sau nhiều năm đã bị xuống cấp nhưng do thiếu kinh phí để sửa chữa, nâng cấp nên việc công nhận lại gặp nhiều khó khăn. Cô Nguyễn Thị Phi Khanh-Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) cho hay: “Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào năm 2017. Để được công nhận lại vào năm 2022, nhà trường tập trung duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là những tiêu chí thiếu hụt về cơ sở vật chất, đội ngũ theo quy định mới của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, đây là một vấn đề khá khó và để đảm bảo có lẽ phải đợi đến năm học 2024-2025, khi trường được đầu tư xây dựng khu phòng học bộ môn với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng theo kế hoạch đã được HĐND thành phố thông qua”.

Theo ông Nguyễn Văn Bảy-Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP. Pleiku, để đáp ứng tiêu chí về diện tích lớp học, các phòng học chức năng, sân chơi, bãi tập đòi hỏi phải có quỹ đất. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó đối với các trường ở khu vực trung tâm. Nhiều trường đã khắc phục bằng cách xây dựng thêm tầng để tăng diện tích sử dụng nhưng một số khác thì không thể cải thiện. Ngoài ra, yêu cầu về cơ sở vật chất theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới khá cao, các trường hầu như chưa đáp ứng. Về phía UBND thành phố cũng quan tâm bố trí ngân sách hơn 224 tỷ đồng (riêng năm 2022 là trên 45,5 tỷ đồng) để đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang-thiết bị cho các trường nhằm đảm bảo lộ trình xây dựng trường chuẩn trong giai đoạn 2021-2025. Dự kiến đến cuối năm, thành phố có thêm 4 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 48/83 trường.

Nhiều cơ sở giáo dục chưa đáp ứng đủ trang thiết bị theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khiến công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gặp khó. Ảnh Đức Thụy.
Nhiều cơ sở giáo dục chưa đáp ứng đủ trang thiết bị theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khiến công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gặp khó. Ảnh Đức Thụy.



Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Đak Rong cũng chia sẻ: “Hiện tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi của trường còn cao so với quy định. Để cải thiện vấn đề này, nhà trường sẽ tiếp tục phối hợp với các ban ngành, đoàn thể của xã cùng với giáo viên đẩy mạnh tuyên truyền về việc tăng cường chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ; đồng thời, phối hợp với Trạm Y tế xã tuyên truyền cho cha mẹ cách giữ ấm cho trẻ vào mùa đông, phòng tránh các bệnh thường gặp ở trẻ về tai-mũi-họng”.

Để hoàn thành chỉ tiêu về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia năm 2022, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên về tầm quan trọng và có quyết tâm cao trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, xem đây là thước đo và động lực để nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. “Sở GD-ĐT tiếp tục đôn đốc các phòng GD-ĐT tích cực chỉ đạo, hỗ trợ kỹ thuật cho các trường đã đăng ký đạt chuẩn quốc gia trong năm 2022 khẩn trương tiến hành rà soát, tự đánh giá theo 5 tiêu chuẩn đánh giá trường trung học đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, tập trung chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai thực hiện của các cơ sở giáo dục đã đăng ký đạt chuẩn trong năm nay và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hoàn thành công tác xây dựng trường chuẩn theo đúng lộ trình đã đăng ký với UBND tỉnh”-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long cho biết.

 

 MỘC TRÀ
 

Có thể bạn quan tâm