Kinh tế

Nông nghiệp

"Chìa khóa" nâng cao năng suất, chất lượng cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, các doanh nghiệp và người dân trong tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh tái canh, thay thế những vườn cây già cỗi bằng các giống chất lượng cao.

Được Nhà nước hỗ trợ 1.000 đồng/cây giống, năm nay, anh Sing (làng Dôr 1, xã Glar, huyện Đak Đoa) tiếp tục tái canh 5 sào cà phê. Anh cho hay: Gia đình có 3 ha cà phê trồng từ năm 1995. Trước đây, do không có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc hạn chế và cây giống chất lượng không tốt nên năng suất chỉ đạt khoảng 1-1,5 tấn nhân/ha. Với năng suất này, trừ chi phí đầu tư thì không có lãi. Từ năm 2017, được sự hỗ trợ của huyện, anh bắt đầu tái canh từng phần theo hình thức cuốn chiếu, mỗi năm khoảng 5 sào, trồng giống TRS1. “Tôi tái canh 5 sào này nữa là hết diện tích cà phê già cỗi của gia đình. Những diện tích tái canh năm 2017, 2018 đã cho thu hoạch bình quân 4 tấn nhân/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình lãi khoảng 80-90 triệu đồng/ha”-anh Sing chia sẻ.

 Cơ sở sản xuất cây giống Thanh Kiều (xã Ia Sao, huyện Ia Grai) chuẩn bị giống cà phê cho người dân tái canh. Ảnh: Lê Nam
Cơ sở sản xuất cây giống Thanh Kiều (xã Ia Sao, huyện Ia Grai) chuẩn bị giống cà phê cho người dân tái canh. Ảnh: Lê Nam


Theo ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa: Toàn huyện có gần 28.000 ha cà phê. Đây là cây trồng chủ lực của địa phương. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện tái canh được hơn 2.000 ha với trên 4.200 hộ tham gia. Huyện hỗ trợ 756 ngàn cây cà phê giống TR4, TR7, TR9, TRS1 cho người dân tái canh với tổng kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng. “Thông qua chương trình tái canh, nhiều vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp đã được thay thế bằng giống mới cho năng suất khoảng 3,5-4 tấn nhân/ha, cá biệt có những vườn đạt trên 5 tấn nhân/ha. Trong giai đoạn 2021-2025, huyện phấn đấu bình quân mỗi năm thực hiện tái canh khoảng 300 ha cà phê”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho hay.

Ia Grai cũng là huyện có diện tích cà phê lớn của tỉnh với khoảng 18.000 ha. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã thực hiện tái canh được hơn 3.000 ha, tổng kinh phí hỗ trợ gần 4,6 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp của huyện thông qua dự án “Hỗ trợ Chương trình tái canh cà phê” với các nội dung như: hỗ trợ cây giống cho người dân; rà soát, phân loại vườn cây; tập huấn kỹ thuật; xây dựng mô hình tái canh. Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phan Đình Thắm cho biết: Cà phê là cây trồng chủ lực của phần lớn nông dân trên địa bàn, mang lại giá trị kinh tế cao và đóng góp lớn trong kinh tế nông nghiệp của địa phương. Do đó, hàng năm, cơ quan chuyên môn của huyện đã thực hiện hướng dẫn trực tiếp cho người dân về quy trình kỹ thuật tái canh, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây cà phê kết hợp kiểm tra đánh giá vườn cây, cấp phát cây giống...

Còn ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh thì cho hay: Huyện có 8.478 ha cà phê. Đến nay, toàn huyện tái canh được hơn 1.000 ha. Dự kiến đến năm 2025, huyện phải tái canh khoảng 1.040 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp. “Thời gian tới, Phòng tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xây dựng và nhân rộng mô hình điểm tái canh cà phê; thiết kế và xây dựng vườn cà phê mẫu để hướng dẫn nông dân thực hiện tái canh đảm bảo tính bền vững. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân tái canh cà phê theo quy định. Cà phê sau khi tái canh cho năng suất tăng 1,5-2 lần so với trước”-ông Sơn thông tin.

Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật-cho biết: Tái canh cà phê là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Dự kiến, tổng diện tích tái canh và ghép cải tạo cà phê thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 là 11.000 ha (tái canh 10.000 ha, ghép cải tạo 1.000 ha). Do đó, các địa phương cần khẩn trương thành lập tổ chỉ đạo tái canh và ghép cải tạo cà phê để chỉ đạo quyết liệt cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Thực hiện tốt việc xác định, chứng nhận vườn cây có đủ điều kiện tái canh ngay hoặc phải luân canh trước khi tái canh; xác định và chứng nhận cây giống đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng làm cơ sở cho người dân tái canh và ngân hàng có cơ sở đầu tư vốn vay. Đồng thời, hướng dẫn quy trình kỹ thuật tái canh, quy trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chất lượng như: VietGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance... giúp người dân phát triển sản xuất bền vững.

 

 LÊ NAM

 

Có thể bạn quan tâm