Giáo dục

Tin tức

Chia sẻ cùng thầy cô: Những tấm gương tận tâm, tận lực 'trồng người'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

34 giáo viên tiêu biểu toàn quốc được T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Thiên Long tuyên dương, diễn ra chiều 18.11 tại Hà Nội trong chương trình 'Chia sẻ cùng thầy cô'.

Mỗi giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” là những tấm gương, đại diện tiêu biểu nhất về ý chí vượt khó sáng tạo, không chùn bước trước khó khăn, thử thách, tận tâm tận lực chăm lo, cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Đó là chia sẻ chân thành, xúc động của Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tại cuộc gặp gỡ 34 giáo viên tiêu biểu toàn quốc được T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Thiên Long tuyên dương, diễn ra chiều 18.11 tại Hà Nội; cùng dự có Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương.

Vượt khó trong đại dịch covid-19 đến với học trò

Chương trình gặp gỡ mở đầu trong không khí thân tình và ấm cúng khi Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tặng hoa chúc mừng các thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.

Dạy học ở xã vùng biên giới Thắng Mố, H.Yên Minh, Hà Giang, cô giáo Lương Thị Tuyết, Trường phổ thông dân tộc bán trú Thắng Mố, bày tỏ dịch Covid-19 kéo dài khiến học sinh không thể đến trường. Dù ở địa bàn biên giới, đi lại rất khó khăn nhưng với tinh thần “nghỉ dịch chứ không nghỉ dạy, nghỉ học”, cô Tuyết cùng đồng nghiệp sáng tạo phương án dạy và học mới. Khi học sinh không đến được trường thì giáo viên xuống từng thôn, đến từng bản, vào từng hộ gia đình để hướng dẫn các em về phương pháp tự học tập và giao các bài tập.


 

 Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp gỡ giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021 - Ảnh: Phan Hậu
Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp gỡ giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021 - Ảnh: Phan Hậu



Cũng theo cô Tuyết, cùng với sự hỗ trợ của các trưởng thôn, trưởng bản dù không thể hiệu quả như khi học trực tiếp ở trường nhưng cách làm này để giữ việc giảng dạy, học tập và xây dựng thói quen chủ động học tập cho học sinh.

Cũng giảng dạy ở trường học có nhiều học sinh miền núi, hoàn cảnh rất khó khăn, thầy giáo Lê Châu Khoa, Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), dịch Covid-19 ập đến, nhà trường chuyển trạng thái dạy học trực tuyến. Nhưng ở miền núi, nhiều gia đình không thể có điều kiện mua sắm máy tính cho con em mình. Không để các em thiệt thòi, thầy Khoa cùng đồng nghiệp vận động các nhà hảo tâm tặng máy tính cho các em học tập.

Mỗi thầy cô giáo, ngành giáo dục nhận thức đầy đủ sâu sắc về nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước trong giai đoạn hiện tại và tương lai, không ngừng sáng tạo và đổi mới phương pháp giảng dạy, cập nhật nhanh chóng với sự phát triển của thời đại và luôn nêu cao tinh thần tự hào, trách nhiệm về công việc của mình.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân
 


“Nhưng số lượng máy tặng thì không thể đủ cho từng em, chúng tôi phối hợp với địa phương đưa các em đến nhà cộng đồng, nhà văn hóa cùng nhau học nhóm chung trên máy tính”, thầy Khoa nói.

Sáng tạo, đổi mới để thích ứng

Chia sẻ với các thầy cô giáo, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho rằng dịch Covid-19 đang đặt ra rất nhiều khó khăn và thử thách trên nhiều lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội, trong đó có giáo dục. Đến nay, nhiều nơi học sinh, giáo viên không thể đến trường học tập trung và những chia sẻ từ các thầy cô đều chung một ý chí, tinh thần vượt khó, không chùn bước trước thử thách trong đại dịch để duy trì dạy học, nhưng quan trọng hơn là truyền đi cảm hứng và thắp lửa cho học sinh vượt khó vươn lên trong học tập.

“Tôi hoan nghênh, biểu dương sáng kiến của các thầy cô, đây là những tấm gương tiêu biểu về sự tận tâm, tận lực chăm lo cho sự nghiệp trồng người”, Phó chủ tịch nước xúc động nói.

Phó chủ tịch nước khẳng định Đảng và Nhà nước luôn đặt ngành giáo dục, vị trí của giáo viên, học sinh ở vị trí trung tâm trong các chủ trương, chính sách phát triển đất nước, đây không phải là khẩu hiệu mà đều có các quyết sách, cơ chế cụ thể rõ ràng.

Trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước, Đảng và Nhà nước xác định 1/3 khâu đột phá chính là: Phát triển nguồn nhân lực, cùng với ngành giáo dục thì mỗi nhà trường, giáo viên là hạt nhân đóng góp cho khâu đột phá này. Dịch Covid-19 kéo dài trong gần 2 năm qua đặt ra thách thức trong ngành giáo dục, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển sang dạy và học trực tuyến để thích nghi với dịch; nhưng ở vùng sâu vùng xa thiếu phương tiện, máy móc thì khó có điều kiện áp dụng.

Phó chủ tịch nước nhấn mạnh giáo dục không chỉ có “giảng” truyền đạt kiến thức mà quan trọng không kém là “dạy”, uốn nắn, chỉ bảo trong tác phong, sinh hoạt hằng ngày nên cần sự tương tác, chia sẻ trực tiếp giữa thầy cô và giáo viên. Ở những khu vực chưa thể mở cửa trường học, Phó chủ tịch nước mong muốn giáo viên tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo đổi mới phương pháp dạy học, vừa dạy kiến thức vừa tạo ra môi trường tương tác nhiều nhất với học trò.

Phó chủ tịch nước cũng nhấn mạnh nguồn nhân lực trong tương lai không phải là công dân Việt Nam mà hướng đến công dân toàn cầu, nhưng nếu các em không được đào tạo bài bản để có đầy đủ tri thức, kỹ năng, sự sáng tạo và năng động sẽ không đủ năng lực tham gia xây dựng đất nước và khó có thể hòa nhập thế giới.

Phó chủ tịch cũng nhắn gửi: “Mỗi thầy cô giáo, ngành giáo dục nhận thức đầy đủ sâu sắc về nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước trong giai đoạn hiện tại và tương lai, không ngừng sáng tạo và đổi mới phương pháp giảng dạy, cập nhật nhanh chóng với sự phát triển của thời đại và luôn nêu cao tinh thần tự hào, trách nhiệm về công việc của mình”.

Theo PHAN HẬU (TNO)

Có thể bạn quan tâm