Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Chiếc khăn thêu mật ngữ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Để trở thành đảng viên, mỗi cá nhân phải trải qua một quá trình phấn đấu. Đánh dấu thành công của sự rèn luyện, trưởng thành là quyết định kết nạp vào Đảng. Ở Trại giam tù binh Pleiku (tỉnh Gia Lai) năm 1967, từng có đảng viên được kết nạp vào Đảng mà quyết định là một chiếc khăn tay có thêu mật ngữ.

Trại giam tù binh Pleiku do Quân đoàn 2 Việt Nam Cộng hòa quản lý, tồn tại từ năm 1966 đến 1972, khu vực nay thuộc tổ 2, phường Thống Nhất, TP. Pleiku. Theo các tác giả sách “Vết son thời gian” (Sở Văn hóa Thông tin-Bảo tàng tỉnh Gia Lai xuất bản năm 1999), đến tháng 1-1967, tại đây đã có khoảng 350 tù binh bị giam giữ, phần lớn là bộ đội chính quy từ miền Bắc. Trong bối cảnh đó, đến ngày 3-2-1967, Chi bộ Đảng 3-2 được thành lập và sau đó là sự ra đời của Đảng ủy trại giam.

Bà Nguyễn Thị Lan (trú tại thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) được kết nạp vào Đảng tại Trại giam tù binh Pleiku. Trao đổi với người viết bài này, bà cho biết: Vượt qua muôn vàn khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và các chi bộ, hoạt động bí mật của lực lượng ta tại đây được duy trì theo nhiều cách. Việc phát triển đoàn viên thành đảng viên vẫn trải qua những thử thách như bên ngoài hàng rào kẽm gai trại giam. Tuy vậy, để bảo đảm bí mật, lễ kết nạp đảng viên mới thường diễn ra trong ít phút, đôi khi chỉ có đối tượng Đảng và người hướng dẫn giáp mặt nhau. Dù không thể có Quốc kỳ, Đảng kỳ, người sắp trở thành đảng viên vẫn đọc thầm các lời thề và được trao quyết định, giao nhiệm vụ.

Bà Nguyễn Thị Lan và Quyết định kết nạp Đảng trong Trại giam tù binh Pleiku. Ảnh: Trần Giang Nam

Bà Nguyễn Thị Lan và Quyết định kết nạp Đảng trong Trại giam tù binh Pleiku. Ảnh: Trần Giang Nam

Theo những người trong cuộc, ngày 1-1-1968, lợi dụng có trận bóng đá do lực lượng Quân cảnh tổ chức trong Trại giam tù binh Pleiku, lễ kết nạp quần chúng Nguyễn Thị Lan (tức Cao Thị Ngọc Liễu, SN 1940) vào Đảng đã diễn ra. Khoảng 15 giờ 30 phút hôm đó, tù nhân Lan giả bị bệnh, từ phòng giam nữ đi thẳng lên Phòng Y tá gặp tù binh y tá Nguyễn Hải Liên-Bí thư Chi bộ, đồng thời là người giới thiệu thứ nhất. Giống như đi khám bệnh xin thuốc, quần chúng Lan ngồi trên ghế, hướng mặt về phương Bắc, lắng nghe đảng viên Hải Liên tuyên bố lý do buổi lễ. Liền đó, tù binh Lan đứng dậy đọc lời thề của đảng viên và được Bí thư Chi bộ trao nhanh quyết định là 1 chiếc khăn tay. Đảng viên mới Nguyễn Thị Lan cảm động dùng kim may chích máu ở đầu ngón tay thấm vào chiếc khăn này rồi rời đi. Toàn bộ buổi lễ kết nạp đảng viên trong Phòng Y tế được 2 nam đảng viên cảnh giới chặt chẽ, đề phòng bất trắc.

Để tránh bị kẻ thù phát hiện, trên tấm khăn có kích thước 20 x 20 cm, ngoài khóm hoa đỏ nhụy vàng, chữ ký của người có trách nhiệm, địa danh Pleiku và ngày kết nạp 30-12-1967, những người lãnh đạo trong tổ chức Đảng đã cho thêu dòng chữ “Quay nhìn kỷ niệm đời vui mãi”. Theo đó, các chữ cái đầu tiên của dòng chữ này được tách ra, theo quy ước sẽ ghép thành: “Quyết nghị kết nạp đảng viên mới”. Điều đáng nói là người viết rồi thêu dòng chữ này-tù binh Trương Văn Trí và đảng viên trẻ Nguyễn Thị Lan khi đó cũng không hiểu nội dung thông điệp vừa nêu. Điều này cho thấy tính bảo mật của tổ chức Đảng trong Trại giam tù binh Pleiku khi đó hết sức được đề cao.

Tấm khăn có giá trị của một quyết định kết nạp đảng viên nêu trên được bà Nguyễn Thị Lan gìn giữ cho đến tận hôm nay. Đáng chú ý là sau khi được trao trả năm 1973 tại Lộc Ninh (Bình Phước), thông qua hiện vật quý giá và độc đáo này cùng với sự xác thực của các đồng đội từng bị đọa đày chốn lao tù, đảng viên Nguyễn Thị Lan tiếp tục sinh hoạt Đảng trong chi bộ nơi công tác và cư trú. 80 tuổi đời, 55 tuổi Đảng, người nữ đảng viên được kết nạp tại Trại giam tù binh Pleiku năm xưa hiện đang sống cùng con cháu.

Có thể bạn quan tâm