Điểm đến Gia Lai

Những điều ít biết về Trại giam tù binh Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước năm 1975, Pleiku có 2 nơi giam giữ, đày đọa, sát hại nhiều chiến sĩ cách mạng. Đó là Nhà lao Pleiku và Trại giam tù binh Pleiku. Hiện nay, Nhà lao đã trở thành di tích quốc gia, được nhiều người biết đến, còn Trại giam thì chưa. Vậy đâu là nguyên nhân?

Theo các tài liệu chính thống đã được công bố rộng rãi, Trại giam tù binh Pleiku thuộc sự quản lý của Quân đoàn 2 Việt Nam Cộng hòa, tồn tại từ năm 1966 đến 1972. Tại đây, chế độ cũ đã giam giữ, đày đọa khoảng 4 ngàn chiến sĩ cách mạng. Trại giam tù binh Pleiku lại từng là nơi sinh hoạt, rèn luyện, tranh đấu của hơn 20 chi bộ Đảng với gần 250 đảng viên và trên 400 đoàn viên. Phần lớn những người giam giữ tại đây đã bị địch đày ra các trại tập trung lớn, bao gồm cả đảo Phú Quốc.

Bia tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh tại Trại giam tù binh Pleiku (1966-1972) khánh thành tháng 2-2016. Ảnh: N.Q.T

Bia tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh tại Trại giam tù binh Pleiku (1966-1972) khánh thành tháng 2-2016. Ảnh: N.Q.T

Trong một cuốn sách được in năm 1999, ông Nguyễn Hải Liên-người từng bị giam giữ tại đây-thông tin: Khi đó, nơi này rộng khoảng 7 ha, được chia làm 2 khu giam giữ. Tù binh ở trong hơn 40 căn nhà có cột kèo làm bằng sắt và tứ bề vách là tôn. Quanh mỗi căn nhà ấy đều có hàng rào kẽm gai. Bao quanh trại là lực lượng quân cảnh và rất nhiều hàng rào, bãi mìn, bóng điện chiếu sáng ban đêm.

Năm 2014, khi Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh đặt vấn đề xây dựng bia tưởng niệm tại đây, câu chuyện về đất đai được đặt ra. Đến nay, quỹ đất dành cho di tích này vẫn còn là một câu chuyện được bàn luận, như một nguyên nhân khiến nơi này chưa được nhiều người biết đến.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, sau năm 1975, khu vực vốn là Trại giam tù binh Pleiku trở thành nơi sản xuất kinh doanh của Nhà máy chế biến xì dầu, nước chấm. Bước sang thời kỳ đổi mới, toàn bộ nhà xưởng của đơn vị này bị bỏ không, trước khi được giao cho Sở Công nghiệp quản lý. Tháng 6-1999, UBND tỉnh cho Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Gia Lai thuê khu đất này để xây dựng kho nông sản. Tuy nhiên, do làm ăn thua lỗ nên Công ty ngừng hoạt động không lâu sau đó. Đầu năm 2006, UBND tỉnh thu hồi lô đất có diện tích 17.199,4 m2 kể trên giao cho Ban Đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư tỉnh để phát triển quỹ đất.

Tháng 5-2014, sau khi Văn phòng UBND tỉnh thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh, việc xin cấp đất, dựng bia tưởng niệm tại khuôn viên Trại giam tù binh Pleiku bắt đầu khởi động. Ban đầu, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh cùng các đơn vị liên quan (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, UBND TP. Pleiku) đề nghị UBND tỉnh cấp 17.199,4 m2 đất (30 m x 174,1 m) để xây dựng nhà bia tưởng niệm.

Ngày 9-9-2014, UBND tỉnh có văn bản đồng ý cho phép xây dựng mới bia tưởng niệm Trại giam tù binh Pleiku tại góc phải, mặt phía trên khuôn viên khu đất số 10 đường Yết Kiêu, tổ 16 (nay là tổ 2), phường Thống Nhất, TP. Pleiku với diện tích 10 m2 (5 m x 2 m). Tháng 2-2016, hạng mục bia tưởng niệm được hoàn thành. Tháng 7-2018, Trại giam tù binh Pleiku có tên trong danh mục kiểm kê di tích và dự kiến lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích giai đoạn 2018-2023.

Một chòi canh ở Trại giam tù binh Pleiku, năm 1968. Ảnh tư liệu, NQT sưu tầm

Một chòi canh ở Trại giam tù binh Pleiku, năm 1968. Ảnh tư liệu, NQT sưu tầm

Vì những lý do khác nhau, đến nay, Trại giam tù binh Pleiku vẫn chưa trở thành di tích lịch sử như mong đợi của nhiều người. Tuy vậy, các hoạt động tưởng niệm vẫn diễn ra. Cùng với người dân ở xung quanh khu vực đặt bia, nhiều đoàn viên, thanh niên, học sinh đến dâng hương, dâng hoa. Ngoài ra, các đoàn cựu tù cũng đến thăm viếng, tưởng nhớ đồng đội tại đây.

Trên thực tế, do khuôn viên bia quá nhỏ, lại gần sát mép lộ giới nên trong các cuộc thăm viếng tập thể thời gian qua, người tham dự thường phải đứng dưới lòng lề đường Yết Kiêu. Cũng do quá nhỏ, chỉ đủ đất để đặt một tấm bia đá, dù hai mặt hiện vật này có ghi chữ nhưng thông tin từ đây đến người đọc rất hạn chế. Chưa có thuyết minh viên, thiếu sơ đồ, hiện vật, tranh ảnh, tài liệu tuyên truyền liên quan cũng là nguyên nhân khiến Trại giam tù binh Pleiku chưa được nhiều người biết đến.

Với hiện trạng như hiện nay, theo chúng tôi, cùng với việc gấp rút xây dựng hồ sơ khoa học di tích, UBND phường Thống Nhất (đơn vị được giao quản lý bia tưởng niệm) cần quan tâm đến vấn đề đất của di tích. Tài liệu cho thấy, từ tháng 8-2020, lô đất 17.199,4 m2 ­nêu trên thuộc về Công ty TNHH một thành viên Trang Đức, đơn vị trúng thầu thực hiện Dự án khu dân cư mới phường Thống Nhất. Sau đó, nhiều phần trong khu đất vốn là Trại giam tù binh Pleiku trước năm 1975 trở thành tài sản riêng của các cá nhân. Tuy vậy, trong khuôn viên này có 1.024 m2 đất dành cho bia tưởng niệm, hoa viên cây xanh, thể dục thể thao.

Để tạo nên một mặt sân rộng, đủ cho các sinh hoạt tôn vinh, thờ cúng, phát huy giá trị của di tích sau khi được công nhận, cơ quan chức năng và UBND phường Thống Nhất cần tính toán phương án di dời bia tưởng niệm từ vị trí hiện tại lùi vào phía trong. Cùng với đó, việc sưu tầm, biên soạn và phát hành tài liệu tuyên truyền cần được xem là một nhiệm vụ cấp bách. Cuốn sách “Vết son thời gian” của các cựu tù nơi này in cách đây gần 1/4 thế kỷ cần được chỉnh sửa, bổ sung và tái bản. Về lâu dài, di tích nên có bức phù điêu hoặc tượng đài ở vị trí phù hợp, thể hiện cuộc đấu tranh gian khổ nhiều hy sinh mất mát và khí phách của các chiến sĩ cách mạng tại Trại giam tù binh Pleiku.

Có thể bạn quan tâm