(GLO)- Sáng đầu đông trời se lạnh, đang ngồi trong quán cà phê thì một người bán vé số lại mời mua. Ông mặc bộ đồ cũ bạc màu, mang chiếc nón không còn nguyên vẹn. Hình ảnh ấy đã gợi lên trong tôi niềm thương cảm và một cảm giác gần gũi thân thuộc cũng chợt trở về.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê. Người dân quê tôi quanh năm lam lũ, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Vậy nên, chiếc nón lá trở thành một vật dụng không thể thiếu được.
Như ở bất cứ nơi nào khác trên đất nước hình chữ S này, chiếc nón lá gắn liền với đời sống người dân quê tôi, không phải chỉ để che nắng che mưa mà còn giúp tôn lên vẻ dịu dàng duyên dáng của các bà, các cô, các chị. Những cô gái dịu dàng trong tà áo dài, áo bà ba, nghiêng nghiêng vành nón che đôi má đỏ bừng vì nắng, vì thẹn thùng trước những ánh mắt của ai đó nhìn theo. Chiếc nón cùng người dân ra đồng, ra rẫy, nhấp nhô trên các con đường quê trong mọi thời tiết là một hình ảnh quen thuộc và thân thương biết nhường nào.
Khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, ở quê tôi, lễ vật ngày cưới cho các cô dâu ngoài quần áo, nữ trang còn là 1 chiếc nón lá mỏng đẹp có quai nhung đỏ. Những cô gái đội chiếc nón ấy trong ngày về nhà chồng. Cô dâu e lệ trong chiếc áo dài đỏ, nón quai nhung, được mẹ chồng đỡ nón và đưa vào nhà. Chiếc nón trở thành một vật cam kết, một biểu tượng hạnh phúc cho các đôi vợ chồng son.
Ảnh minh họa: Internet |
Dãi dầu mưa nắng, những chiếc nón sẽ dần cũ đi, bung vành, tróc lá. Người dân quê nghèo thường không bỏ những chiếc nón đó đi mà giữ lại và tiếp tục dùng. Chiếc nón rách, hay còn gọi là nón mê, nón cời là một hình ảnh không lạ ở những miền quê trước đây. Nó thể hiện sự nhọc nhằn, gian khó, cần kiệm và chắt chiu của người dân.
Chiếc nón cời, chiếc áo vá sờn vai từ lâu đã là hình ảnh của những bà mẹ quê lam lũ, một hình ảnh đầy thương yêu và tự hào trong lòng những đứa con, cả trong những mối tình quê trong sáng, đậm đà “Áo rách có cách anh thương/Nón cời có nghĩa, anh thương nón cời”...
Cuộc sống hiện đại với nhiều tất bật đã khiến người ta phải vội vã hơn, năng động hơn. Trên chiếc xe máy, đội chiếc mũ bảo hiểm và khẩu trang che kín, người ta vội vã tới nơi làm việc, đi chợ, đưa đón con cái. Cuộc sống thị thành đã không còn nhiều chỗ cho chiếc nón. Hình ảnh những cô gái nghiêng nghiêng vành nón cũng không còn được gặp nhiều trên những đường phố ngày nay.
Thỉnh thoảng thấy một vài phụ nữ với gánh hàng rong trên vai, nhễ nhại mồ hôi, lấy chiếc nón xuống để quạt đỡ nóng, tôi lại thấy lòng dâng lên một sự bồi hồi. Nhớ những người mẹ quê tần tảo, đội chiếc nón lá cũ, tất tả trên vai gánh lúa, gánh rau, chắt chiu nuôi lớn cả đàn con. Nhớ những buổi chiều về mát dịu, những cô gái má ửng hồng vì nắng gió, cười vui bên nhau trên con đường về nhà, mọi mệt nhọc dường như tan biến. Nhớ những người cha, chiếc nón mê ôm sát mặt, hì hục trên cánh đồng trên những đường cày trong nắng, trong mưa. Chiếc nón, dẫu đã không còn là một vật thường dùng, luôn là một hình ảnh gợi bao cảm xúc với không chỉ riêng tôi.
NGUYỄN THỊ THÚY ÁI