Bạn đọc

Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không": Kỳ tích chống ngoại xâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không đạt được kết quả như ý muốn trong cuộc đàm phán ở Paris, giới cầm quyền nước Mỹ đã điên cuồng thực hiện Chiến dịch “Linebacker II” để gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam theo những điều khoản do Mỹ định ra.
Chiến dịch này diễn ra từ ngày 18-12 đến 30-12-1972 tại các tỉnh, thành phố phía Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Bắc, Vĩnh Phú... Sau 12 ngày đêm tấn công dồn dập bằng các loại máy bay chiến lược B-52, F-111, F-4, không quân Mỹ đã tàn phá 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, nhà ga; làm chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác.
Biến đau thương thành hành động, quân và dân Việt Nam đã thắt chặt tình đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, mưu trí, anh dũng chiến đấu đến cùng. Trong 12 ngày đêm, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi hàng trăm máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B-52, bắt sống nhiều giặc lái, thu giữ nhiều vũ khí tối tân, làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.
Thời điểm đế quốc Mỹ tiến hành Chiến dịch “Linebacker II”, hàng trăm người con tỉnh Gia Lai đang học tập, công tác tại miền Bắc. Nhớ lại những ngày đau thương nhưng hào hùng đó, nghệ sĩ Siu Phích (82 tuổi, trú tại tổ 2, phường Ia Kring, TP. Pleiku) kể: Khi đó, Đoàn Ca múa Nhân dân Tây Nguyên, Đoàn Ca múa Quân giải phóng miền Nam, Đoàn Ca múa Trung ương và Đoàn Giao hưởng Trung ương cùng ăn ở, học tập và công tác trong Khu Văn công Cầu Giấy, Hà Nội. “Đoàn Ca múa Nhân dân Tây Nguyên của chúng tôi gồm có các anh: Nay Phar, Nay Bơ, Y Brơm, Thảo Giang, Nay Vil, Lê Hoài Ba và các chị: H’Ben, H’Bia, Đinh Thị Xuân La… Mỗi khi nghe tiếng còi báo động phòng không, ai nấy lại tức tốc chạy rất nhanh xuống hầm trú ẩn”-nghệ sĩ Siu Phích hồi nhớ.
Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 trong 12 ngày đêm cuối năm 1972. Ảnh: TTXVN
Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 trong 12 ngày đêm cuối năm 1972. Ảnh: TTXVN
Dừng lại uống ngụm trà rồi nghệ sĩ Siu Phích tiếp tục kể: “12 ngày đêm giặc Mỹ ném bom Hà Nội làm chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Đoàn của chúng tôi may mắn không bị thương vong. Khốc liệt nhưng chúng tôi rất vui lòng, hả dạ khi lực lượng Phòng không-Không quân Việt Nam bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, vỡ òa sung sướng khi nghe tin toàn thắng đã thuộc về ta. Tự hào nhất là mỗi khi đi lưu diễn ở nước ngoài, được các bạn người Trung Quốc, Liên Xô, Cuba, Triều Tiên… tặng hoa, bày tỏ sự khâm phục ý chí chiến đấu bất khuất, sáng tạo của người Việt Nam”.
Cũng nhớ như in những ngày lịch sử cuối năm 1972, Nghệ sĩ Nhân dân Đinh Thị Xuân La (trú tại tổ dân phố 2, phường Hội Thương, TP. Pleiku) chia sẻ: “Mỗi khi nhắc đến Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, chúng tôi đều nhớ tới những kỷ niệm cùng nhau chạy xuống hầm tránh bom B-52 của Mỹ ở Khu Văn công Cầu Giấy. Đó là 12 ngày đêm thật kinh hoàng, tang thương, đổ nát nhưng oanh liệt. Bom Mỹ trút xuống như mưa, tiếng nổ vang trời, những đám cháy ngùn ngụt, nhà cửa đổ nát, thương vong vô cùng lớn với người dân khu phố Khâm Thiên, Ga Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai. Có dịp ra Hà Nội, chúng tôi thường đến thăm viếng những nơi đã từng bị máy bay B-52 của Mỹ rải thảm”.
Nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới luôn cực lực lên án cuộc chiến tranh tàn ác của Mỹ ở Việt Nam, nhất là Chiến dịch “Linebacker II”. Khi máy bay chiến lược B-52 của Mỹ bị bắn rơi hàng loạt trên bầu trời miền Bắc Việt Nam, giới cầm quyền nước Mỹ, đứng đầu là Tổng thống Richard Mihous Nixon buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 17 trở ra kể từ 7 giờ ngày 30-12-1972 để quay trở lại ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Và Hiệp định Paris chính thức được các bên ký kết vào ngày 27-1-1973. Theo đó, ngày 29-3-1973, Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Mỹ và chư hầu phải cay đắng cúi đầu cuốn cờ, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.
HOÀNG CƯ

Có thể bạn quan tâm