Kinh tế

Giá cả thị trường

Chiết khấu 0 đồng, doanh nghiệp lỗ nặng, xăng dầu lại khan hiếm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người dân, không ai muốn mua xăng dầu giá đắt cả. Nhưng với chiết khấu bằng 0 đồng, để mỗi lít xăng dầu bán ra lỗ tới 1.300 đồng thì những bất ổn thị trường chắc chắn là do điều hành.
Bất chấp việc quản lý thị trường kiểm tra xuyên Tết, nhiều cây xăng vẫn nghỉ bán khi mỗi lít xăng dầu bán ra lỗ tới 1.300 đồng. Ảnh: DMS

Bất chấp việc quản lý thị trường kiểm tra xuyên Tết, nhiều cây xăng vẫn nghỉ bán khi mỗi lít xăng dầu bán ra lỗ tới 1.300 đồng. Ảnh: DMS

Trước kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 1.2.2023 tới đây, thị trường xăng dầu đã xuất hiện quá nhiều bất ổn.

Nhiều cây xăng, ở nhiều địa phương tạm đóng cửa nghỉ bán. Nhiều cây xăng ngừng hoạt động, chờ giải thể.

Hiện tượng bán nhỏ giọt, với 300-500 ngàn/lượt đổ xăng dầu xuất hiện khắp nơi. Cho dù Bộ trưởng Bộ Công Thương đã liên tục yêu cầu không để thiếu hụt xăng dầu cục bộ. Cho dù lực lượng quản lý thị trường đã làm việc xuyên Tết.

Câu hỏi tại sao thật ra lại rất dễ trả lời.

Trao đổi với Lao Động, giám đốc một doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu cho biết, DN của ông hiện “được” chiết khấu bằng 0 đồng.

0 đồng chiết khấu, trong khi chi phí không giảm một xu nào. Chi phí lương, tiền thuê mặt bằng, điện nước, tỉ lệ hao hụt, chi phí vốn. Thế là cứ mỗi lít xăng dầu bán ra, DN đang lỗ tới 1.300 đồng.

Một mức lỗ đến không thể chịu nổi, cả ở khía cạnh nguồn lực lẫn sự kiên nhẫn.

Phải mở ngoặc, trong khi giá xăng được liên bộ điều hành thì chiết khấu chính là nguồn thu duy nhất của các DN, cửa hàng bán lẻ.

Chiết khấu bằng 0, có nghĩa là đang buộc doanh nghiệp phải “tự ăn thịt mình”.

Năm nay, do kỳ điều hành xăng dầu trùng với dịp Tết, nên đã được “lùi” lại sau Tết.

Các nhà điều hành “nghỉ Tết”, trong khi DN thì cấm, thì không được phép nghỉ bán, dù đang lỗ chổng vó. Đúng là vô lý đến không chấp nhận nổi.

Trên Lao Động, GS Hoàng Văn Cường - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhìn nhận việc một số cây xăng, cửa hàng nghỉ bán là một tình trạng, không phải bởi nguồn cung thế giới, không vì DN không nhập được xăng dầu, mà bởi “lỗi cơ chế điều hành của các bộ ngành” khiến mức chiết khấu xuống quá thấp, chi phí kinh doanh không được điều chỉnh kịp thời, khiến doanh nghiệp bị thua lỗ, buộc phải nghỉ bán.

Chỉ thực hiện chiết khấu cho nhà phân phối. Ấn định giá bán. Không cho phép đóng cửa. Trong khi bỏ mặc hệ thống bán lẻ, bỏ mặc họ chịu chiết khấu bằng 0, gánh lỗ khủng khiếp.

Chỉ thị thế chứ chỉ thị nữa, kiểm tra thế chứ kiểm tra nữa cũng không thể khắc phục được những bất ổn của thị trường xăng dầu.

Đợt Tết vừa rồi, Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra 4 cửa hàng xăng dầu nghỉ bán. “Người ta” đã trả lời thẳng rồi kìa: đang làm thủ tục giải thể, đã thanh lý hợp đồng thuê mặt bằng, đã tháo dỡ các trụ bơm.

Sức chịu đựng nào, nguồn lực nào, sự kiên nhẫn nào cũng chỉ có giới hạn mà thôi.

Có thể bạn quan tâm