Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Chính phủ hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm với các địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 30-6 và ngày 1-7 tại Hà Nội với 63 tỉnh thành phố trong cả nước dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Gia Lai, chiều 30-6 có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và Nguyễn Đức Hoàng-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì; ngày 1-7 có đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

 

Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Hồng Thi

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày tóm tắt các báo cáo về: tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2016, giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7-1-2016 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình triển khai, giải pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2016; việc sử dụng chỉ số giá tiêu dùng bình quân so với cùng kỳ năm trước làm thước đo lạm phát của nền kinh tế thay cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm hiện hành so với tháng 12 năm trước.

 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao báo cáo tình hình liên quan đến việc Vương quốc Anh tách khỏi Liên minh châu Âu và những tác động của sự kiện này đến Việt Nam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình bày tóm tắt báo cáo về tình hình kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm 2016…

Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm nêu rõ: Mặc dù trải qua không ít khó khăn nhưng tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có chuyển biến. Cụ thể: GDP ước tăng 5,52%; CPI bình quân tăng 1,72%; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng (bằng 47% dự toán, tăng 6,1% so với cùng kỳ); tổng vốn đầu tư xã hội đạt 618,2 nghìn tỷ đồng; tổng vốn FDI thực hiện ước đạt 7,25 tỷ USD; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 82,24 tỷ USD, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 80,7 tỷ USD. Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, lao động-việc làm, an sinh xã hội… cũng được quan tâm đúng mức; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực.

Đại diện lãnh đạo các địa phương: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Thừa Thiên-Huế, Yên Bái, Sóc Trăng, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bình Định, Hải Phòng, Hà Nam, Hòa Bình, Lào Cai, Bình Dương, Đồng Tháp đã phát biểu thảo luận và nêu lên một số đề xuất, kiến nghị liên quan đến những khó khăn mà mình đang gặp phải. Các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ cũng đã giải đáp, làm rõ những vấn đề vướng mắc liên quan đến thẩm quyền quản lý của đơn vị cũng như đóng góp ý kiến cho các báo cáo trình tại phiên họp.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, trong sạch, liêm chính, kỷ cương, hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tháo gỡ mọi rào cản đối với doanh nghiệp, tiến tới xóa bỏ cơ chế “xin-cho”; đẩy mạnh xã hội hóa, coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của tăng trưởng; kiên quyết chấn chỉnh vi phạm, nhất là trong lĩnh vực hành chính công, nâng cao hiệu lực thực thi công vụ, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu; tập trung hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất nông nghiệp, đặc biệt ở các tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên; chủ động, linh hoạt, thực hiện hiệu quả chính sách tài chính, tiền tệ, đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập…

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế là công việc của người dân và doanh nghiệp, nhiệm vụ của Chính phủ cũng như các địa phương là tạo mọi điều kiện để người dân cùng doanh nghiệp tạo ra sự tăng trưởng. Theo Thủ tướng, tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm chậm, ngoài lý do khách quan, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận còn có nguyên nhân chủ quan là: tập trung các nguồn lực cho bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp; bộ máy mới, cán bộ chưa có nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành… Ngoài ra, Thủ tướng còn chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan với tình hình thế giới, cần theo dõi, bám sát để có dự báo và đề ra những phương án ứng phó kịp thời.

Các thành viên Chính phủ đã thông qua Nghị quyết phiên họp.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm