Đô thị

Chính quyền Đà Nẵng đối diện hàng loạt vụ kiện về đất đai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
'Không có chuyện trách nhiệm chính quyền nhiệm kỳ trước khác với trách nhiệm chính quyền nhiệm kỳ sau, pháp luật quy định chính quyền nhận chuyển giao thì chịu trách nhiệm với các vấn đề được chuyển giao'.
Trung tâm hành chính TP.Đà Nẵng
Trung tâm hành chính TP.Đà Nẵng
Sáng qua 19-12, tại Trung tâm hành chính Q.Thanh Khê (TP.Đà Nẵng) diễn ra cuộc đối thoại gay gắt giữa cử tri với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng về việc TP thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), thu hồi, hủy bỏ các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cấp sai (về diện tích, thời hạn, mục đích sử dụng đất) để cấp mới trở lại theo đúng quy định.
Giai đoạn 2004 - 2014, TP.Đà Nẵng đã cấp khoảng hơn 700 giấy chứng nhận QSDĐ loại đất thương mại dịch vụ với thời hạn sử dụng "lâu dài". Năm 2012, TTCP yêu cầu phải chỉnh sửa thành đất có thời hạn. Chính quyền thành phố "sửa sai" bằng cách yêu cầu các văn phòng công chứng dừng giao dịch, buộc chủ sổ đỏ mang sổ đến Văn phòng đăng ký QSDĐ để điều chỉnh và chỉ mới xử lý được khoảng 90 trường hợp. Còn đến 627 trường hợp thuộc diện này đang có sổ đỏ, trong số đó có 514 trường hợp thuộc về tổ chức và 113 trường hợp cá nhân, hộ gia đình.
Bà Huỳnh Thị Thanh (Công ty TNHH Hải Thanh) kể, năm 2002 TP buộc công ty dời vào khu công nghiệp thủy sản Thọ Quang nhưng không cho thuê đất mà phải mua.
15 năm qua, giấy chứng nhận QSDĐ vẫn nằm ngân hàng, nay thời hạn giảm còn 50 năm khiến đất mất giá trị, ngân hàng không cho vay thêm và bắt thế chấp thêm tài sản.
Cử tri Trịnh Bằng Có (đại diện một số doanh nghiệp du lịch) nói thẳng: “Cái sai này của chính quyền, người dân đã thỏa thuận với chính quyền về giá cả và thời hạn sử dụng, nên giải quyết cần căn cứ theo luật Dân sự chứ không chỉ hành chính”. Theo ông Có, nếu thu hồi phải đền bù cho dân.
Chủ trì hội nghị ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng, cho rằng nếu các tổ chức công chứng, công chứng viên từ chối giao dịch trái pháp luật thì công dân có quyền khởi kiện. “Không có chuyện trách nhiệm chính quyền nhiệm kỳ trước khác với trách nhiệm chính quyền nhiệm kỳ sau, pháp luật quy định chính quyền nhận chuyển giao thì chịu trách nhiệm với các vấn đề được chuyển giao", ông Sơn nêu ý kiến. Luật sư Trương Văn Bình (Trưởng văn phòng luật sư Bình Minh) cho hay ông đã nhận được hơn 10 yêu cầu khởi kiện chính quyền.
Bà Võ Thị Như Hoa-Giám đốc Sở Tư pháp TP.Đà Nẵng, nhìn nhận giải quyết hậu quả vụ việc này hiện rất khó, nhưng không phải không có cách giải quyết đảm bảo quy định pháp luật và quyền lợi người dân. TP.Đà Nẵng đã kiến nghị Chính phủ, Đoàn đại biểu Quốc hội cũng sẽ kiến nghị Quốc hội trên cơ sở tập hợp đầy đủ hồ sơ pháp lý của tổ chức, công dân.
Nguyễn Tú (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm