Xã hội

Đời sống

Chính sách cho người có công: Mở rộng đối tượng, ưu đãi ngày càng tăng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những kết quả thực hiện các chính sách người có công mang đậm nghĩa tình tri ân sâu nặng đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 76 năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng. Đối tượng người có công ngày càng mở rộng, chế độ ưu đãi cũng ngày một nâng cao. Công tác chăm lo cho người có công ngày càng thu hút được sự tham gia, quan tâm của toàn xã hội, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Hành trình tri ân sâu nặng với người có công

Những hành động hiếu nghĩa bác ái, phong trào mùa đông binh sỹ… trong những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám 1945 và sau này là những phong trào vườn cây, ao cá, thửa ruộng, hũ gạo nghĩa tình… trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ đến nay đã phát triển thành phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ.

Trải qua 76 năm, đến nay cả nước có 5 chương trình lớn gồm: Nhà tình nghĩa; Quỹ “đền ơn đáp nghĩa”; Sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn, con liệt sỹ mồ côi; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng" ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước đã vận động được trên 13.000 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà tình nghĩa; tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với trên 1.000 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn; 2.988 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công đang từng bước hoàn thiện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành, kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử của đất nước.

Đối tượng người có công ngày càng một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của xã hội. Ngay trong dịp tháng Bảy truyền thống lịch sử này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55 ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP theo đó nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi cho người có công.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã xem xét phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm hình thành một hệ thống cơ sở có đủ quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; đảm bảo người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm hỏi ông Nguyễn Xuân Viên, sinh năm 1944, cựu tù chính trị Côn Đảo. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm hỏi ông Nguyễn Xuân Viên, sinh năm 1944, cựu tù chính trị Côn Đảo. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết cùng với việc ban hành và triển khai toàn diện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trong giai đoạn 2012-2022, ngân sách nhà nước luôn ưu tiên bố trí để thực hiện chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác như: Bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; ưu đãi giáo dục; hỗ trợ cải thiện nhà ở dụng cụ chỉnh hình, điều dưỡng; cải tạo mộ, nghĩa trang, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ…

Có thể nói, những kết quả thực hiện các chính sách người có công mang đậm nghĩa tình tri ân sâu nặng đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Những chính sách này phần nào đã xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại, thể hiện được trách nhiệm đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc.

Công nhận thêm hơn 2.400 liệt sỹ

Trong suốt hàng chục năm qua, việc giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng tại các địa phương là nỗi trăn trở lớn trong việc thực hiện các chính sách người có công của cán bộ, thân nhân gia đình liệt sỹ. Có những trường hợp nhiều hồ sơ khi rà soát đề nghị công nhận liệt sỹ nhìn vào hồ sơ mà thấy đau lòng nhưng cũng thật nan giải. Liệt sỹ hiện đã nằm trong nghĩa trang cùng đồng đội nhưng bản thân họ vẫn không được công nhận liệt sỹ chỉ vì không có căn cứ, không hồ sơ, không người làm chứng.

Trong hành trình ấy, những người mẹ, những gia đình có người thân chưa được chứng thực liệt sỹ, chưa nhận được tấm bằng Tổ quốc ghi công đều phải trải qua những cung bậc cảm xúc từ nỗi khắc khoải, mong chờ đến thất vọng, rồi lại mong chờ, rồi lại hy vọng… suốt hàng chục năm trời.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã chủ động, khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành thực hiện giải pháp xác định gene ADN, hoàn thiện hồ sơ đầy đủ để xác định danh tính liệt sỹ. Chỉ tính riêng vài năm gần đây, thông qua việc xét nghiệm các mẫu sinh phẩm liệt sỹ và mẫu tương đương của gia đình đã giúp trả lại danh tính cho hàng nghìn liệt sỹ.

Đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp trao bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sỹ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp trao bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sỹ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết qua 6 năm triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng, đến nay đã giải quyết được căn bản trên 7.000 hồ sơ, trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sỹ, hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, trong đó có những trường hợp đã hy sinh từ thời kỳ chống Pháp.

Đặc biệt có trường hợp hy sinh cách đây 91 năm nhưng đến nay mới đủ điều kiện xác nhận liệt sỹ như cụ Phạm Khánh (sinh năm 1869) tham gia hoạt động cách mạng năm 1930 tại xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Do điều kiện hoàn cảnh chiến tranh và phong trào cách mạng lúc đó những chứng thực đủ điều kiện cho liệt sỹ Phạm Khánh chưa được xác thực và phải chờ đến gần đây mới được công nhận là liệt sỹ.

Liệt sỹ Trang Hồng Vinh, quê quán huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, nguyên là hiệu tín viên (báo vụ viên), hy sinh năm 1953 ở Chiến khu R nhưng không còn đồng đội, hồ sơ, chứng cứ. Với rất nhiều những nỗ lực của các cơ quan chức năng, liệt sỹ Trang Hồng Vinh đã được Thủ tướng Chính phủ xác nhận và trao Bằng Tổ quốc ghi công trong niềm vui vô hạn của thân nhân và ngành Bưu chính Viễn thông ngay trong tháng Bảy này.

Với chủ trương đúng đắn qua các trình tự hướng dẫn bổ sung hồ sơ cùng những quyết tâm, hành động thiết thực và cụ thể, hàng nghìn liệt sỹ thiếu thông tin hồ sơ, hàng ngàn gia đình chính sách nhận được tấm bằng Tổ quốc ghi công, nhận chứng thực sau hàng chục năm chờ đợi. Mỗi trường hợp tồn đọng được xác nhận liệt sỹ sẽ làm vơi đi phần nào nỗi mong mỏi của thân nhân gia đình liệt sỹ.

Không để người có công nào không được hưởng chính sách

Phát biểu tại Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55 nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi cho người có công từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng, tăng 26,54%.

Với việc điều chỉnh này, từ năm 2023, kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tăng thêm 2.728 tỷ đồng. Đây là một chính sách đột phá, có tác động tích cực đến đời sống của hàng chục triệu người có công, thân nhân của người có công với cách mạng.

Đến nay, đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được nâng lên và cải thiện về vật chất và tinh thần. Cả nước có 99 % hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; 99 % xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và bệnh binh, phong trào toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, nghĩa tình đồng đội… ngày càng phát triển, được đồng bào và các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng với tinh thần trách nhiệm, ý thức xã hội cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quà cho người có công.(Ảnh: PV/Vietnam+)

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quà cho người có công.(Ảnh: PV/Vietnam+)

Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ, công trình ghi công liệt sỹ được quan tâm đầu tư. Công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ được triển khai tích cực, có hiệu quả, làm ấm lòng hương hồn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh và góp phần giảm bớt nỗi đau cho những người ở lại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau thương. Những giọt nước mắt vẫn còn vẫn còn lăn trên má của những người mẹ vì “ba lần tiễn con đi hai lần, khóc thầm lặng lẽ". Những vết thương chiến tranh vẫn hằng ngày đau nhức, nhất là lúc trái nắng trở trời. Những di chứng do chất độc da cam, giày vò biết bao số phận. Những ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, phải đợi chờ của những gia đình chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ của con, của em mình, của vợ, của chồng, của cha, của mẹ mình ở đâu.

“Thấu hiểu, sẻ chia với những nỗi đau đó, trong suốt 76 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa và ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ cụ thể, thiết thực, hiệu quả đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, những người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của mình,” Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, thấm giọt nước mắt, làm vơi đi nỗi nhớ; để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng được nâng lên, đầy đủ và tốt đẹp hơn”.

Khi nói về việc thực hiện chính sách người có công, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhắc nhở những người làm chính sách phải làm nhanh, làm bằng cái tâm và không để bất kỳ người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước.

"Tất cả mọi người chúng ta hãy luôn luôn ghi nhớ và tâm niệm rằng hãy sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã khuất tại, hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân," Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

Có thể bạn quan tâm