Xã hội

Đời sống

Chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai lần thứ IV-2024

Chính sách dân tộc góp phần cải thiện đời sống người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc triển khai hiệu quả chính sách dân tộc đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh và cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

* Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội

1-6425.jpg

Đào tạo nghề cho thanh niên DTTS là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm.

Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo được gần 69.700 người lao động (lao động DTTS là 34.725 người), nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 34,26% (năm 2019) lên 41% (tính theo số liệu 9 tháng năm 2024).

Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 129.000 lao động, trong đó, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 5.822 người. Số lao động người DTTS được giải quyết việc làm là gần 48.800 người.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp tổ chức 179 phiên/hội chợ/buổi tư vấn giao dịch việc làm, thu hút gần 26.900 lượt lao động đến tham gia phỏng vấn. Qua đó, đã cung ứng việc làm cho 1.610 lao động, trong đó có 253 lao động là người DTTS.

Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang-thiết bị cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở vùng đồng bào DTTS; chú trọng hỗ trợ sau đào tạo nghề để người lao động có thể chủ động khởi nghiệp, tự tạo việc làm. Đồng thời, chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; thực hiện tốt mô hình “Chính quyền địa phương-nhà trường-doanh nghiệp-người lao động”.

* Ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế

2.jpg

Hiện nay, người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế ngày càng thuận lợi. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu được triển khai sâu rộng. Đặc biệt, các chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào DTTS, người cao tuổi và các đối tượng chính sách được chú trọng.

Hệ thống y tế ngày càng được củng cố, cơ sở vật chất được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Đến nay, toàn tỉnh đạt tỷ lệ 27,6 giường bệnh/vạn dân, đạt mức trung bình của toàn quốc. Các trạm y tế được đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, có 94% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Hiện nay, toàn tỉnh đạt tỷ lệ 8,5 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ xã, phường có bác sĩ làm việc đạt 94%. Trong giai đoạn 2019-2024, có hơn 1,8 triệu lượt người khám bệnh là đồng bào DTTS.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục tuyển dụng bác sĩ về công tác tại trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế các xã vùng DTTS, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ bác sĩ là người DTTS.

* Ông Trương Vinh-Trưởng phòng Dân tộc huyện Ia Grai

3.jpg

Huyện Ia Grai hiện có 87 người uy tín trong đồng bào DTTS. Những năm qua, đội ngũ người có uy tín đã tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân.

Đội ngũ người uy tín là tấm gương sáng, vận động cộng đồng tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, người có uy tín luôn gương mẫu đi đầu và vận động bà con dân làng hiến đất, góp công để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi. Người có uy tín cũng là nhân tố quan trọng trong việc vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống; thực hiện tốt hương ước, quy ước của thôn, làng.

Vì vậy, tôi cho rằng cần vận động người có uy tín tham gia các tổ chức chính trị-xã hội và tổ hòa giải ở cơ sở để đội ngũ này có điều kiện phát huy vai trò của mình. Hàng năm, cần tổ chức tổng kết, biểu dương, khen thưởng người có uy tín trong đồng bào DTTS. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế, phụ cấp hàng tháng để động viên kịp thời họ tiếp tục cống hiến.

* Ông Siu Hiệu-Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Chư Prông

4.jpg

Thời gian qua, huyện Chư Prông luôn quan tâm đúng mức đến những người yếu thế là phụ nữ và trẻ em. Để đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng thôn, chức sắc tôn giáo và người có uy tín.

Cùng với đó, huyện quan tâm triển khai các chương trình nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức được 4 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng-chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; lắp đặt pa nô tuyên truyền về vấn đề này tại 3 xã: Ia O, Ia Púch, Ia Boòng.

Có thể bạn quan tâm