Kinh tế

Giá cả thị trường

Chính sách giá cho điện mặt trời trên mái nhà quá ngắn?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giá mua bán điện mặt trời (giá FIT) trên mái nhà sẽ là 1.943 đồng/kWh (trong 20 năm) từ ngày 22-5 này theo quyết định 13, song chỉ kéo dài cho các dự án hoàn thành trước 31-12 khiến các doanh nghiệp cho rằng đây là khoảng thời gian quá ngắn.
 
Một nhà máy tại Long An lắp điện mặt trời áp mái - Ảnh: NGỌC HIỂN
Ngày 20-4, Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) công bố kiến nghị của cộng đồng năng lượng tái tạo Việt Nam về cơ chế chính sách phát triển điện mặt trời sau năm 2020 từ hội thảo trực tuyến vừa được tổ chức.
Trong đó, giá mua bán điện mặt trời (giá FIT) trên mái nhà sẽ là 1.943 đồng/kWh (trong 20 năm) từ ngày 22-5 theo quyết định 13 của Thủ tướng, song chỉ kéo dài cho các dự án hoàn thành trước 31-12 khiến các doanh nghiệp (DN) cho rằng đây là khoảng thời gian quá ngắn.
Ông Nguyễn Đức Toàn, chủ tịch HĐQT Công ty CP Điện Sài Gòn Gia Định, cho rằng không nên gộp điện áp mái vào quyết định 13 (chung với điện nổi, điện trên mặt đất), nên gia hạn giá FIT cho điện áp mái hoặc có ngay giá mua mới sau 31-12 để thị trường điện áp mái ở Việt Nam phát triển.
Ông Phạm Nam Phong, tổng giám đốc Công ty CP điện mặt trời Vũ Phong, cũng cho rằng nên kéo dài giá mua bán điện áp mái tối thiểu đến cuối năm 2021 để người dân và DN kịp đầu tư. 
Ngoài ra, ông Phong cũng cho hay sau khi quyết định 13 hết hiệu lực, cần có ngay giá mới theo hướng ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà phân tán, ưu tiên giá cao cho những suất đầu tư nhỏ dưới 100kWp và những vùng bức xạ thấp như miền Bắc, thay vì đồng nhất như hiện nay.
Đối với giới hạn các dự án điện áp mái dưới 1MW, ông Nguyễn Tùy Anh, giám đốc Quỹ Blue Leaf Energy/Macquarie Capital, nhận định không nên giới hạn công suất lắp đặt điện mặt trời áp mái, mà nên giới hạn sản lượng điện phát lên lưới không được quá 1MW để thúc đẩy tự dùng và cần có thông tư riêng cho điện mặt trời áp mái.
Ông Đào Du Dương, phó trưởng đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tại TP.HCM, cho rằng từ nay đến cuối năm là quá ngắn để kịp tiến độ thi công trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, điều kiện lắp trên cao khó khăn và miền Nam lại bước vào mùa mưa.
"Không những gia hạn thời gian cho điện mặt trời áp mái, cần có chính sách lâu dài hơn hoặc có thời gian nhất định, rõ ràng hơn cho phát triển điện mặt trời áp mái này 6 tháng trước khi giá theo quyết định 13 hết hiệu lực", ông Dương nói.
Theo Green ID, các DN, nhà đầu tư đều đề xuất Chính phủ cần xây dựng lộ trình chính sách phát triển ngành điện mặt trời lâu dài, bền vững và có lộ trình rõ ràng, minh bạch để tạo được sự tin tưởng của các nhà đầu tư và sự phát triển lành mạnh của thị trường. 
Riêng với điện mặt trời áp mái, cần kéo dài chính sách hỗ trợ giá theo quyết định 13 ít nhất thêm 1 năm và có chính sách riêng, bền vững và giá mới phải ban hành 6 tháng trước giá cũ hết hiệu lực.
Ngọc Hiển (TTO)

Có thể bạn quan tâm