Trả lại quyền chọn sách giáo khoa cho nhà trường
Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT quy định về việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông thay thế Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT áp dụng từ tháng 10.2020 đến nay, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12.2.
Điểm khác biệt lớn nhất của thông tư mới này là quyền quyết định chọn sách giáo khoa được giao về cho các cơ sở giáo dục thay vì UBND cấp tỉnh như trước.
Quyền chọn sách giáo khoa được trả về các nhà trường là một trong những chính sách giáo dục quan trọng có hiệu lực từ tháng 2. Ảnh: T.N |
Cụ thể, hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục do hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, người đứng đầu các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.
Thông tư cũng quy định rõ: "Người đã tham gia biên soạn sách giáo khoa hoặc tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa (trong danh mục sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt); cha mẹ, cha mẹ vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; anh, chị, em ruột và anh, chị, em vợ hoặc chồng của người đã tham gia biên soạn sách giáo khoa hoặc tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa; người làm việc ở các nhà xuất bản, các tổ chức có sách giáo khoa không được tham gia hội đồng".
Do thông tư mới giao quyền chọn sách giáo khoa cho các cơ sở GD-ĐT nên phòng GD-ĐT có nhiệm vụ thẩm định hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý; báo cáo sở GD-ĐT về kết quả thẩm định và danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý lựa chọn.
Sở GD-ĐT thẩm định hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý; rà soát báo cáo của các phòng GD-ĐT về kết quả thẩm định và danh mục sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục lựa chọn; tổng hợp kết quả, lập danh mục sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục lựa chọn, trình UBND cấp tỉnh xem xét, phê duyệt.
UBND cấp tỉnh thay vì trực tiếp thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cho cả tỉnh như quy định cũ thì ở quy định mới chỉ còn nhiệm vụ quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục lựa chọn (do sở GD-ĐT trình).
Bỏ xếp loại tốt nghiệp THCS
Theo Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT về quy chế xét công nhận tốt nghiệp THCS có hiệu lực từ ngày 15.2, từ năm học 2024 - 2025, tốt nghiệp THCS có một số điểm mới đáng chú ý.
Các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS sẽ tổ chức xét công nhận tốt nghiệp nhiều nhất 2 lần. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ nhất được thực hiện ngay sau khi kết thúc năm học. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ 2 (nếu có) được thực hiện trước khai giảng năm học mới.
Các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS tổ chức xét công nhận tốt nghiệp ít nhất 1 lần ngay sau khi kết thúc năm học.
Theo quy định mới, bằng tốt nghiệp THCS không còn ghi xếp loại giỏi, khá, trung bình như quy định cũ. Học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS nếu không quá 21 tuổi, đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, có đầy đủ hồ sơ dự xét công nhận tốt nghiệp.
Về quy trình xét tốt nghiệp THCS, trưởng phòng GD-ĐT thành lập hội đồng xét công nhận tốt nghiệp của mỗi trường. Thành viên của hội đồng có ít nhất 7 người, phải là số lẻ. Hội đồng sẽ kiểm tra hồ sơ học sinh, lập danh sách những em đủ điều kiện tốt nghiệp THCS và phê duyệt. Dựa vào danh sách này, phòng GD-ĐT ra quyết định công nhận tốt nghiệp THCS và cấp bằng cho học sinh.
Theo quy định cũ (Quyết định 11/2006/QĐ-BGDĐT), học sinh THCS mỗi năm xét công nhận tốt nghiệp 1 lần, ngay sau khi kết thúc năm học (theo biên chế năm học của Bộ GD-ĐT). Theo biên chế năm học, việc xét công nhận tốt nghiệp THCS theo Quyết định 11/2006/QĐ-BGDĐT vẫn áp dụng cho đến hết năm học 2023 - 2024.