Covid-19 là bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội
Thông tư số 02/2023 của Bộ Y tế bổ sung Covid-19 vào Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm, có hiệu lực từ ngày 1/4. Theo đó, bệnh Covid-19 nghề nghiệp phát sinh do người lao động tiếp xúc với nCoV trong môi trường lao động.
Nhóm được hưởng bảo hiểm xã hội gồm: Người làm việc tại cơ sở y tế; phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu có chứa nCoV; người phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm.
Nhân viên hải quan, ngoại giao, xuất nhập cảnh; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; chiến sĩ, sĩ quan công an và lực lượng khác được cử tham gia phòng chống Covid-19 cũng nằm trong nhóm được hưởng chế độ này.
Thông tư cũng nêu yếu tố gây bệnh phải được ghi nhận trong biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với nCoV; văn bản cử tham gia phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm và văn bản đánh giá yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp.
Nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 đưa bệnh nhân Covid-19 tới bệnh viện, tháng 12/2021. Ảnh: Giang Huy |
Kiểm định chất lượng đầu vào công chức 2 lần mỗi năm
Nghị định 06/2023 quy định việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được tổ chức định kỳ hai lần vào tháng 7 và 11 hàng năm, có hiệu lực từ 10/4.
Bộ Nội vụ sẽ tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Trước ngày 31/1 hàng năm, Bộ sẽ công bố kế hoạch tổ chức kiểm định trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Thí sinh sẽ thi trắc nghiệm trên máy vi tính với nội dung đánh giá năng lực tư duy, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn; hiểu biết chung, cơ bản về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước; quản lý hành chính nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức, đạo đức công vụ; kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử.
Người thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ đại học trở lên sẽ thi trong 120 phút, 100 câu hỏi; trình độ trung cấp, cao đẳng thi 100 phút, 80 câu.
Bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên
Thông tư 05/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 15/4 quy định quy chế tổ chức hoạt động của trường THPT chuyên. Bộ yêu cầu không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên từ năm học 2024-2025. Những lớp không chuyên đã tuyển sinh vẫn được duy trì đến khi học sinh tốt nghiệp để không gây xáo trộn trong hoạt động dạy học và tuyển sinh năm tới.
Ngoài bỏ lớp không chuyên, Thông tư cũng điều chỉnh việc tuyển bổ sung vào trường chuyên. Các trường có thể tuyển học sinh cho cả ba khối thay vì chỉ lớp 10 và 11 như quy định cũ. Học sinh có thể đăng ký thi tuyển bổ sung vào trường chuyên nếu có kết quả học tập, rèn luyện tốt trong năm học liền trước.
Các lớp chuyên vẫn được tổ chức theo môn học, gồm Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ 1, mỗi lớp không quá 35 học sinh. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, số học sinh chuyên năm 2020 khoảng 73.000, chiếm 2,1% tổng số học sinh THPT toàn quốc.
Một khu nhà ở tại TP Tân Uyên, Bình Dương, tháng 3/2021. Ảnh: Quỳnh Trần |
Thị xã Tân Uyên (Bình Dương) lên thành phố
Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực từ 10/4, TP Tân Uyên được thành lập trên cơ sở hơn 191 km2 của thị xã Tân Uyên, quy mô dân số 466.000. Tân Uyên có 10 phường và hai xã.
Sau khi thành lập TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương có 4 thành phố gồm Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên; một thị xã là Bến Cát và 4 huyện. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 84,32%, dân số 2,7 triệu.
Bình Dương và Quảng Ninh hiện là hai tỉnh có nhiều thành phố trực thuộc nhất. Các thành phố của tỉnh Quảng Ninh gồm Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả và Uông Bí.