Thời sự - Bình luận

Chính sách tốt sẽ giữ chân nguồn nhân lực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP HCM đã làm việc với Sở Xây dựng và kiến nghị một số chính sách và được lãnh đạo TP HCM quan tâm, chỉ đạo quyết liệt.

Hiện thực hóa quy định pháp luật về việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP HCM đã làm việc với Sở Xây dựng và kiến nghị một số chính sách và được lãnh đạo TP HCM quan tâm, chỉ đạo quyết liệt.

Cụ thể, các địa phương cũng đã đề xuất khoảng 10 khu đất chưa sử dụng để thực hiện mục tiêu trên với diện tích tương đối lớn. Trước mắt, LĐLĐ đề xuất sử dụng 2 khu đất thuộc LĐLĐ quản lý tại huyện Củ Chi và TP Thủ Đức để thực hiện các thủ tục đầu tư. Hai địa phương này là nơi tập trung nhiều công nhân, người lao động và cũng tiếp giáp Bình Dương. LĐLĐ TP HCM quyết tâm có dự án khởi công trong năm 2025 và tăng tốc trong 2 năm để có nhà ở cho thuê.

Ngoài ra, Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố cũng giới thiệu một số khu đất nhưng đang gặp vấn đề về bồi thường, hạ tầng nên cần các bên phối hợp giải quyết. Những dự án thuận lợi, bảo đảm tính pháp lý thì dễ thực hiện và cũng sẽ tạo tiền đề để thực hiện các dự án khác, cũng như thu hút nguồn lực xã hội tham gia đầu tư.

Bên cạnh đó, LĐLĐ thành phố cũng nghiên cứu chính sách giảm giá trực tiếp cho đoàn viên Công đoàn thuê nhà ở xã hội. Đồng thời, kiến nghị HĐND TP HCM có chính sách hỗ trợ lãi suất trực tiếp cho doanh nghiệp làm dự án nhà ở xã hội trong những năm đầu triển khai. Ngoài ra, doanh nghiệp cần được hỗ trợ lãi suất cố định trong vòng đời dự án, có thể là 20 năm. Một số kiến nghị về chính sách khác cũng được Sở Xây dựng tiếp thu, xây dựng trình ban hành nghị quyết hỗ trợ.

Nhà ở xã hội được hỗ trợ từ khâu đầu tư (nguồn cung) đến người thụ hưởng (cầu) thì sẽ giúp tránh lãng phí nguồn lực, dự án sớm lấp đầy, doanh nghiệp thu hồi vốn để tiếp tục tái đầu tư. Dòng tiền tuần hoàn, luân chuyển sẽ giải quyết căn cơ nhu cầu nhà ở công nhân, người lao động. Nếu không làm sớm các chính sách hỗ trợ sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai, không tăng tốc phát triển kinh tế thành phố. Bên cạnh giải pháp tổng thể, Công đoàn cũng quan tâm đến giám sát đối tượng triển khai, đối tượng thụ hưởng, tránh tình trạng lợi dụng chính sách. Người thụ hưởng không đúng đối tượng thì sẽ tiếp tục gây thiếu hụt nguồn cung.

Người lao động ổn định nơi ở thì sẽ nghĩ tới chuyện gắn bó lâu dài với thành phố vì lượng người từ các tỉnh về lao động, làm việc tại thành phố lớn. Chính sách tốt không chỉ giải quyết nhu cầu nhà ở mà còn giữ chân nguồn nhân lực để xây dựng và phát triển thành phố. Qua đó, tạo điều kiện hướng tới chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề, tái cơ cấu nguồn lao động, để thành phố bảo đảm nguồn lực phát triển lâu dài, giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế đất nước.

Để thúc đẩy phát triển dự án nhà ở xã hội, thành phố cần có bộ thủ tục riêng về nhà ở xã hội. Lợi nhuận ít, thời gian chờ đợi lâu sẽ khó thu hút doanh nghiệp. Doanh nghiệp tính toán được thời gian làm thủ tục, điều kiện thực hiện giúp giảm bớt lãng phí thì sẽ đầu tư mạnh hơn và nhà ở xã hội, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở và mục tiêu nhà ở mà thành phố đề ra.

Theo Quốc Anh ghi (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm