Cách đây chưa lâu, chính quyền TP. Pleiku (Gia Lai) đã triển khai rầm rộ chủ trương lát gạch cho nhiều tuyến phố. Dư luận và cả những người dân đều ủng hộ, sẵn sàng rút hầu bao cho một việc làm ý nghĩa như thế để tôn lên vẻ đẹp phố núi. Tiếp đó là việc trồng cây xanh, đặt các thùng rác, chỉnh trang một số công trình công cộng. Điều này cũng khiến Phố núi “bắt mắt” hơn ngay từ nhãn quan về một đô thị phát triển. Nhưng người dân yêu mến Phố núi vẫn còn cần nhiều hơn thế để Pleiku vừa là một đô thị đẹp, văn minh vừa có phong vị riêng ở miền cao nguyên này.
Một góc đường Trần Hưng Đạo (TP. Pleiku). Ảnh: N.G |
Sự lộn xộn về bộ mặt đô thị cũng “phơi” ra nhiều nơi, từ nội thành cho đến ven đô. Ngay tại đường Wừu, được mặc nhiên mang tên là “phố cà phê” với sự hiện diện của nhiều quán cà phê lớn nhỏ. Nhưng để đi dọc tuyến đường này hẳn người đi bộ trên vỉa hè vẫn lắm lúc phải… xuống đường bởi sự choán chỗ của nhiều phương tiện, vì sự cơi nới trong khoảng diện tích được phép của nhiều chủ kinh doanh. Hay đường Trần Phú, cung đường buôn bán sầm uất của TP. Pleiku cũng nằm chung cảnh bị lấn chiếm. Hàng chục tiểu thương ở đường này ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè nhưng lâu nay vẫn chưa nhận được sự “quan tâm” đúng mức của lực lượng chức năng. Nghịch lý này đang khiến bộ mặt đô thị Phố núi bị ảnh hưởng rất nhiều.
Một anh bạn của chúng tôi du lịch Thái Lan về đã không khỏi tiếc rẻ khi TP. Pleiku phí đi những vỉa hè có thể góp phần quan trọng làm đẹp cho đô thị. Bởi tại Thái Lan, việc quy hoạch rất có quy củ, người buôn bán được hoạt động nhưng vẫn phải để những lối đi tiện lợi cho khách đi bộ. Khi đến Thái Lan, du khách có thể đi dọc vỉa hè ngắm phố xá. Dĩ nhiên, sự so sánh này khá khập khiễng nhưng tại sao các cấp chính quyền không có những biện pháp quyết liệt để giải quyết thực trạng mất mỹ quan đô thị vốn kéo dài lâu nay.
Một thành phố văn minh, sạch đẹp, thì biện pháp quản lý nhà nước trong một chừng mực nào đó chỉ là một phía. Quan trọng hơn là ý thức của người dân bởi chính họ là những thành tố quan trọng góp phần làm nên bản sắc Phố núi. Chừng nào nhiều gia đình, hộ buôn bán vẫn còn thản nhiên lấn chiếm vỉa hè thì họ vẫn là những “công dân… kẻ chợ” ở một thành phố hiện đại, ít nhất về mặt hành chính. Và với thực trạng lấn chiếm trên đã phản ánh sự thiếu ý thức của nhiều công dân thành phố.
Các tuyến đường chính khác như Hùng Vương, Lê Hồng Phong, Phan Đình Phùng…, thực trạng lấn chiếm vỉa hè cũng tràn lan. Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hồng Hà từng nhiều lần bức xúc trước tình hình này và đã có những chỉ đạo cho các cấp thừa hành chấn chỉnh. Nhưng quyết tâm đó có vẻ vẫn chưa như ý! Chẳng hạn ngay tại đường Hai Bà Trưng, người buôn bán vẫn lấn ra lòng đường mỗi giờ tan tầm, vừa gây ách tắc giao thông vừa làm xấu bộ mặt đô thị.
Đành rằng nhiều người dân nghèo vẫn lấy vỉa hè làm chỗ mưu sinh, kiếm tiền để nuôi con ăn học nên người. Nhưng cũng không vì thế để họ lạm dụng lấn chiếm vỉa hè. Chị Nguyễn Thị Hoàng- một hộ buôn bán nhỏ trên đường Hùng Vương nói: “Chúng tôi biết lấn chiếm như vậy là sai nhưng nhiều hộ kinh doanh khác cứ “vươn” ra vỉa hè khiến chúng tôi cũng phải “đua” nếu không muốn bị thua thiệt trong kinh doanh. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí là thành phố nên quyết liệt hơn để giải quyết điều này. Ai cũng muốn thành phố của mình đẹp cả!”.
Thành phố Pleiku đang hướng đến là một trung tâm của vùng Bắc Tây Nguyên cũng như khu vực Tam giác phát triển Việt Nam- Lào- Campuchia. Đây là cơ hội để thành phố phát triển về nhiều mặt, trong đó có du lịch. Và vấn đề bức thiết trong lúc này là xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang, sạch đẹp. Điều này không thể thiếu sự chấn chỉnh của các cấp quản lý ngay từ những vỉa hè, việc tưởng chừng đơn giản nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để trong những năm qua.
Trần Hiếu