(GLO)- Hầu hết người dân đều có tâm lý chủ quan khi cho rằng, vào mùa mưa, nguy cơ cháy nổ sẽ giảm do thời tiết ẩm ướt, nhiệt độ xuống thấp, vật liệu khó bắt lửa. Tuy nhiên, theo cảnh báo của lực lượng chức năng, đây là khoảng thời gian tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 15 vụ cháy, gây thiệt hại hơn 2,6 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ cháy giảm 17 vụ, thiệt hại giảm khoảng 21 tỷ đồng và giảm 1 người tử vong. Tuy nhiên, theo Thượng tá Đặng Ngọc Hùng-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) Công an tỉnh, kết quả trên có thể khiến một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, đặc biệt là trong khoảng thời gian mùa mưa sắp tới.
Thượng tá Hùng dẫn chứng: “Qua kiểm tra công tác PCCC ở cơ sở, lực lượng chức năng phát hiện nhiều trường hợp có dấu hiệu lơ là cho rằng mùa mưa ít có nguy cơ cháy vì thời tiết ẩm ướt, vật liệu khó bắt lửa. Thực tế, mùa mưa thường kèm theo các hình thái thời tiết cực đoan như sét đánh dễ gây ra tình trạng cháy, nổ gây hậu quả lớn”. Đơn cử như mùa mưa 2019, tại thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai) xảy ra vụ cháy do sét đánh giữa đêm tối tại cửa hàng nội thất, điện máy Bảo Long. Vụ cháy thiêu rụi toàn bộ cửa hàng, gây thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng.
Vụ cháy kho chanh dây tại huyện Chư Sê gây thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Ảnh: Lê Văn Ngọc |
Thượng tá Hùng thông tin thêm, ngoài nguyên nhân sét đánh, mùa mưa là thời điểm dễ xảy ra sự cố về điện gây cháy vào lúc trời mưa do sự oxy hóa các mối nối, độ ẩm lớn gây nổ các trạm biến áp. Bên cạnh đó, tình trạng nước mưa rò rỉ vào các mối điện bị hở, làm dây điện bị oxy hóa dẫn đến chập điện. Ngoài ra, cây xanh trên đường phố, ở công viên, khuôn viên trường học, bệnh viện… nếu không được xử lý những cành khô, cành ảnh hưởng đến đường dây điện thì khi có gió to hoặc mưa lớn sẽ ngã đổ đè đứt hệ thống dây điện gây chạm chập, dẫn đến cháy nổ. Riêng trong khoảng thời gian cao điểm mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9-2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ cháy gây thiệt hại khoảng 2,6 tỷ đồng, chiếm 25% tổng số vụ cháy của năm 2020.
Mới đây nhất, vào đêm 25-5 rạng sáng 26-5, người dân Plei Mil (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) đã tá hỏa bởi ngọn lửa bùng lên dữ dội tại kho rơm của ông Trần Văn Dũng. Kho rơm nằm ở khu vực đông dân cư khiến lực lượng chức năng cùng người dân tại địa phương phải nhanh chóng sơ tán tài sản và khống chế không cho ngọn lửa lan rộng. Tuy nhiên, vì nhà kho chứa nhiều vật liệu dễ cháy, ngọn lửa đã lan sang bên cạnh gây cháy 1 nhà dân với tổng thiệt hại khoảng 275 triệu đồng. Ông Dũng cho hay: “Tại huyện Phú Thiện, khoảng thời gian này đã xuất hiện một số cơn mưa to, chúng tôi cũng đã cất trữ rơm trong kho cẩn thận vừa tránh bị ướt, vừa đề phòng cháy. Thế nhưng, ngọn lửa bùng lên giữa đêm khiến chúng tôi không kịp trở tay”.
Lực lượng cứu hỏa tham gia chữa cháy tại kho rơm của ông Trần Văn Dũng (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện). Ảnh: Lê Văn Ngọc |
Để ngăn chặn nguy cơ cháy nổ, Thượng tá Hùng cho biết: “Đơn vị đã tăng cường kiểm tra, nhắc nhở người dân, nhất là chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh cần chủ động trong công tác PCCC, phải tuân thủ quy định về PCCC để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Đồng thời, hộ gia đình và từng người dân phải nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn”.
Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC-CNCH cũng khuyến cáo người dân sống trong căn hộ không nên cùng lúc bật nhiều thiết bị điện có công suất lớn như: bàn là, quạt sưởi, bình nóng lạnh, điều hòa nhiệt độ… vì có thể khiến hệ thống dây dẫn bị quá tải gây ra chập, cháy; không sử dụng các phích cắm, ổ cắm bị vỡ vỏ nhựa, không cắm nhiều thiết bị điện vào cùng một ổ cắm và không cắm dây dẫn trực tiếp vào ổ điện; gia cố, chằng buộc chắc chắn các cửa, công trình để tránh sụp đổ khi có gió mạnh; không để các vật liệu dễ cháy ở gần hoặc phủ lên các thiết bị sinh nhiệt vì nguy cơ cháy cao.
LÊ VĂN NGỌC