Bạn đọc

Chợ Ia Le: Khẩn trương hoàn thiện sau thời gian dài “đắp chiếu”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau một thời gian dài tạm dừng thi công do thiếu vốn đầu tư, công trình chợ xã Ia Le (huyện Chư Pưh) đã tái khởi động để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, chính quyền huyện Chư Pưh sẽ đối thoại với tiểu thương để tạo sự đồng thuận trong kinh doanh buôn bán tại chợ mới.

Sẽ hoàn thành vào tháng 6

Công trình chợ xã Ia Le được UBND huyện Chư Pưh phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 7-3-2018. Công trình thuộc nhóm C với quy mô đầu tư gồm: nhà lồng chính (công trình cấp III, 2 tầng, diện tích xây dựng 484 m2, diện tích sử dụng 980 m2); các hạng mục phụ gồm: sạp chợ trời, khu vực tập kết rác, đài nước, giếng khoan, nhà vệ sinh chung, bể nước chữa cháy, hệ thống cấp thoát nước, sân bê tông, vỉa hè, nhà để xe, hạ tầng kỹ thuật điện...

Công trình có tổng mức đầu tư gần 10 tỷ đồng, nguồn vốn từ việc cho thuê ki ốt và thu từ giao quyền sử dụng đất khu vực xung quanh chợ Ia Le giai đoạn 2018-2020. Mục tiêu của công trình là hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo không gian mua bán thuận lợi cho người dân, đảm bảo thuận lợi giao thương kinh tế trong vùng, góp phần giúp xã Ia Le đạt chuẩn nông thôn mới.

Chợ xã Ia Le đã được xây dựng lại sau thời gian dài tạm dừng do thiếu vốn. Ảnh: Hà Duy

Chợ xã Ia Le đã được xây dựng lại sau thời gian dài tạm dừng do thiếu vốn. Ảnh: Hà Duy

Ông Lê Thanh Việt-Chủ tịch UBND xã Ia Le-cho biết: Chủ trương đầu tư công trình chợ Ia Le xuất phát từ kiến nghị của người dân trong giai đoạn 2010-2012 do hiện trạng chợ đã quá xuống cấp. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, các hợp đồng cho tiểu thương thuê đất để buôn bán vẫn còn thời hạn. Phải đến năm 2017, việc triển khai quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng để mở rộng chợ mới bắt đầu được thực hiện.

Vì nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là vốn đầu tư xây dựng chợ xã Ia Le sử dụng từ nguồn tiền sử dụng đất thu được tại khu vực triển khai dự án từ năm 2018 đến năm 2020, nhưng từ năm 2018 đến tháng 11-2021, các lô đất phía trước chợ tuy đã 8 lần tổ chức bán đấu giá nhưng chỉ bán được 1 lô nên không có đủ nguồn kinh phí thanh toán cho đơn vị thi công. Vì vậy, đơn vị thi công đã tạm dừng, chờ huyện tổ chức bán đấu giá để có nguồn thanh toán mới tiếp tục thi công.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hiệp-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Pưh: “Cho đến thời điểm tạm dừng thi công, công trình chợ Ia Le hoàn thành được khoảng 70% khối lượng, nhà lồng cơ bản đã xong.

Đầu năm 2023, UBND huyện thống nhất dùng ngân sách huyện để tiếp tục hoàn thiện các phần còn lại của công trình. Theo đó, khoảng nửa tháng nay, đơn vị thi công đã bắt đầu triển khai xây dựng lại và đang hoàn thiện các hạng mục phụ trợ như sạp chợ trời, khu vực tập kết rác, nhà vệ sinh chung, bể nước chữa cháy... Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 6-2023”.

Cần sự đồng thuận

Chợ xã Ia Le được hình thành từ năm 1990. Đến năm 1995, UBND xã đã ký hợp đồng cho các tiểu thương thuê đất để mở sạp buôn bán với thời hạn 15 năm. Đến năm 2017, UBND xã thông báo các tiểu thương di dời khỏi chợ để tiến hành xây dựng chợ mới. Xã đã bố trí khu đất trống làm chợ tạm phía sau khu chợ cũ (cách khoảng 100 m) để tiểu thương có nơi buôn bán. Trong quá trình xây dựng và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trong khu chợ đã phát sinh một số mâu thuẫn giữa các tiểu thương với chính quyền địa phương.

Bà Bùi Thị Sương-tiểu thương tại chợ Ia Le-cho biết: “Chúng tôi đều có chung suy nghĩ là dời tạm ra đây trong 2 năm, chờ chợ mới xây xong sẽ về lại để buôn bán như cũ. Nhưng đã hơn 5 năm rồi, chợ vẫn chưa xây xong. Chợ tạm thì che chắn tạm bợ, nhếch nhác vô cùng, mùa mưa không thể buôn bán được. Những tiểu thương đã gắn bó hơn 20 năm ở khu chợ cũ mong muốn được chính quyền ưu tiên cho tham gia đấu giá những ki ốt ở vị trí cũ, không để các doanh nghiệp hay nhà giàu đấu giá vì họ có thể nâng giá để trục lợi, làm khó tiểu thương chúng tôi”.

Các tiểu thương chợ Ia Le đã phải buôn bán ở khu chợ tạm bợ hơn 5 năm. Ảnh: Hà Duy

Các tiểu thương chợ Ia Le đã phải buôn bán ở khu chợ tạm bợ hơn 5 năm. Ảnh: Hà Duy

Gắn bó với chợ Ia Le từ năm 1994, bà Lê Thị Nghi gần như dành cả gia sản để xây một căn nhà gác lửng trong khu chợ cũ vừa làm nơi buôn bán, vừa để ở. Năm 2016, vì sinh thêm con thứ 3 nên bà nâng cấp nhà rộng rãi và kiên cố hơn. Nhưng đến năm 2017, xã tiến hành giải phóng mặt bằng chợ cũ để xây dựng chợ mới nên gia đình bà phải ở nhà thuê suốt hơn 5 năm nay. Bà Nghi chia sẻ: “Chồng mất sớm, tôi và 3 đứa con phải ở tạm bợ trong nhà thuê, bao nhiêu vốn liếng đều tiêu tan theo ngôi nhà ở chợ cũ. Tôi mong chợ sớm hoàn thành để có thể ổn định cuộc sống”.

Liên quan đến vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Pưh cho biết: Ngày 30-11-2021, UBND huyện đã ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất với Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh thực hiện đấu giá 12 lô đất tại khu quy hoạch chi tiết xây dựng chợ và khu dân cư xung quanh xã Ia Le.

Kết quả, 12 cá nhân đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, qua rà soát các thủ tục theo quy định, UBND huyện phát hiện ra sai sót trong quá trình lập hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất. Theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của huyện, mục đích sử dụng khu đất này là “đất thương mại, dịch vụ, thời hạn sử dụng đất là 50 năm”, nhưng trong hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất lại thể hiện mục đích là “đất ở và thời hạn sử dụng đất lâu dài”.

Để kịp thời chấn chỉnh sai sót, khắc phục hậu quả, UBND huyện và các hộ trúng đấu giá đã làm việc và thống nhất hủy giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Ủy ban nhân dân huyện đã hoàn chỉnh hồ sơ để tổ chức lại việc đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật.

Xung quanh đề nghị của tiểu thương là không để các doanh nghiệp hay nhà giàu đấu giá đất với hình thức nâng giá để trục lợi, ông Hiệp cho hay: “Việc đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất theo quy hoạch tại khu vực chợ thực hiện theo phương án đấu giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo quy định của pháp luật về đấu giá, bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, khách quan. Mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền cạnh tranh, bình đẳng trong toàn bộ quy trình đấu giá. Vì vậy, yêu cầu này của các tiểu thương là không có cơ sở. Khi tổ chức đấu giá, huyện cũng sẽ thông báo rộng rãi, công khai để các tiểu thương có nhu cầu buôn bán biết, tham gia”.

Được biết, việc thu hồi đất để xây dựng chợ được thực hiện sau khi các hợp đồng thuê đất của tiểu thương đã hết hạn, không được gia hạn. Xét về lý, các tiểu thương không được bồi thường về đất, có trách nhiệm tự di dời tài sản, vật kiến trúc trên đất đã hết hạn và không được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, hơn 100 tiểu thương đã gắn bó với chợ Ia Le ngay từ những ngày đầu, cuộc sống gần như dựa hoàn toàn vào chợ, nỗi lo bị “hất” ra do năng lực tài chính không đủ cạnh tranh khi đấu giá là điều hoàn toàn dễ hiểu.

“Theo quy định, tài sản công thì phải đấu giá. Chợ mới có tổng cộng 159 điểm kinh doanh, trong đó, dự kiến có 27 điểm được phân lô ki ốt, 132 điểm là lô sạp. Hiện có 123 tiểu thương buôn bán tại chợ xã Ia Le, nghĩa là số lô sạp vẫn còn dư nên các hộ này không cần lo không có chỗ buôn bán”-ông Hiệp thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm