Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Chợ làng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thời đại thương mại điện tử, không phải ra tận chợ mới mua được hàng hóa mà chỉ cần một cú nhấp chuột là có người ship tận nhà. Tiện dụng thật đấy nhưng tôi vẫn thích đi chợ lựa chọn những thứ mình thích hay chỉ để cảm nhận cái không khí mua bán tấp nập đông vui. Cảm giác nhớ là có thật khi tôi phải tạm xa chợ trong một thời gian dài.
Thị trấn nhỏ nên cái chợ cũng nhỏ xinh, gọn gàng. Tuy vậy, chợ vẫn đầy đủ các mặt hàng từ sang trọng cho đến bình dân. Những ngày đi làm, tôi thường có thói quen đi chợ vào sáng sớm để về còn thời gian chuẩn bị sửa soạn nấu nướng cho bữa trưa muộn. Đi chợ sớm cũng dễ mua được thực phẩm tươi ngon. Những lúc đó, trong lòng tôi có đôi chút e ngại vì trời còn tối, đường vắng bóng người, nhất là những ngày đông giá hay mưa dầm. Thế mà khi ra đến chợ thì không khí khác hẳn. Những gian hàng sáng rực ánh đèn tự bao giờ, hàng hóa cũng đã bày biện xong, dập dìu kẻ mua người bán.
Mỗi lần đi chợ sớm, tôi vẫn luôn ấn tượng với những chiếc xe máy chở hàng đi bán ở làng dựng đầy vỉa hè, trước những tiệm uốn tóc còn chưa mở cửa. Trên xe chất đầy thực phẩm chuẩn bị xuất phát. Một thời, tôi sống trong khu tập thể ở trường làng, đường sá khó khăn, phương tiện không có nên rất biết ơn “đội quân hai sọt” này. Ngày ấy, như một thói quen, tầm giờ ra chơi giữa buổi dạy, tôi lại ngóng họ để mua thức ăn. Cái gì họ cũng bán. Hàng có thể dặn trước theo yêu cầu, ngày hôm sau sẽ có. Phải nói họ rất chịu khó, chịu khổ vượt chặng đường gồ ghề sỏi đá, vượt bao con suối đến với bà con vùng sâu, vùng xa. Khi người dân không sẵn tiền mặt thì có thể đổi những thứ có trong nhà như lúa, gạo rẫy, bắp hay gà để lấy thực phẩm, vật dụng. Vậy nên, khi họ ra về thì xe cũng chất đầy những “hàng sạch” đem ra thị trấn bán lại cho những người cần dùng.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Thực ra, tôi nhớ chợ không chỉ bởi cái cảm giác muốn tự tay lựa chọn những món đồ mình thích mà còn vì nhớ bạn hàng. Tôi có thói quen chỉ mua ở một số bạn hàng nhất định: hàng thịt heo, thịt bò, hàng rau, hàng cá, hàng đồ khô... Quen đến nỗi bạn hàng hầu như thuộc luôn sở thích ăn uống và sử dụng hàng hóa của gia đình tôi. Để hạn chế sử dụng bao bì ni lông ảnh hưởng đến môi trường, khi nào đi chợ, tôi cũng mang theo giỏ. Thịt cá bỏ vào hộp mang sẵn; rau củ quả thì bỏ luôn vào giỏ. Có lúc, chúng tôi còn tranh thủ “tám” chuyện chồng con. Việc đi chợ luôn mang lại cho tôi những niềm vui nho nhỏ như thế.
Là chợ vùng nông thôn nên người dân quê tôi vẫn còn được ăn những thực phẩm tươi ngon sẵn có ở địa phương không cần qua đông lạnh. Thịt bò cỏ chăn thả tự nhiên. Cá đánh dưới sông Ba còn tươi rói. Cua bắt ngoài ruộng béo vàng lổm ngổm bò trong xô. Tôm tép còn nhảy tanh tách trong chậu. Rau nhà vườn chỉ bón bã mì, phân bò và tưới nước giếng. Người dân yên tâm mua thực phẩm sạch tốt cho sức khỏe.
Bên cạnh chợ chính, thị trấn còn thiết kế hẳn một khu “chợ trời” dành cho bà con Jrai bán hàng mà không phải nộp phí. Gọi là “chợ trời” vì khu này không có mái che, chỉ bán vào buổi sáng khi trời còn mát mẻ. Sản phẩm của bà con hoàn toàn tự đánh bắt hoặc trồng trọt được nên mọi người rất ưa chuộng. Mà họ cũng không nhiều hàng, có bao nhiêu bán bấy nhiêu. Đặc biệt, họ không bao giờ nói thách, có trả giá cũng không bán. Tôi vẫn hay mua của họ vì đó cũng là cách giúp họ có thêm thu nhập.
Hôm nay, sau một thời gian dài phải cách ly vì dịch bệnh, tôi lại được ra chợ. Cảm giác thật vui khi có nhiều bạn hàng nhớ ra sự vắng mặt lâu ngày của tôi liền hỏi thăm ríu rít. Tôi nhận ra quan hệ giữa chúng tôi không đơn thuần chỉ là bán và mua mà hơn cả đó là tình cảm thân thương giữa những con người.
MAI HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm