Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu, bia; bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi... sẽ bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng.
Đây là những mức phạt cụ thể trong Nghị định 117 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 15-11. Kể từ thời hạn này sẽ rất gay cấn cho các "ma men", bởi rủ nhau uống rượu, bia không khéo chưa vui đã bị phạt hết tiền.
Nhưng nghĩ lại, để chứng minh được hành vi xúi giục, lôi kéo hoặc ép buộc người khác uống rượu, bia quả là rất khó. Cùng uống thì không thể tố cáo nhau, còn nhân viên công lực thì không thể tham gia vào bàn nhậu để bắt quả tang hành vi ép buộc. Xử lý hành vi thì mang đến tác động xã hội nhanh nhất nhưng cũng khó thực hiện nhất, bởi yêu cầu rất cao về đội ngũ thừa hành.
Tác hại của rượu, bia thì khỏi cần phải bàn bởi quá rõ và hiển hiện từng ngày. Nhẹ thì gia đình bất hòa, lớn hơn là mất an ninh trật tự, dẫn đến những vụ án đau lòng hoặc tai nạn chết người. Quan trọng nhất chính là tác động về mặt sức khỏe đối với những người lạm dụng rượu, bia và gánh nặng chăm sóc y tế không chỉ dừng lại ở cá nhân, gia đình mà lan ra cả xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến chính sách y tế của quốc gia. Quy định xử phạt hành vi này là cần thiết nhưng không đủ để ngăn chặn những người nghiện rượu, bia dừng trước sự cám dỗ của nó.
Nghị định 117 cũng dành hẳn 8 điều với vài chục khoản quy định xử lý các hành vi vi phạm liên quan như quảng cáo, khuyến mại, điều kiện kinh doanh, truyền thông, trách nhiệm cán bộ quản lý... nhưng cũng như đã nói, từ quy định đến thực hiện còn khoảng cách quá xa.
Có một số liệu đáng buồn, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tiêu thụ rượu, bia tăng nhanh hàng đầu thế giới. Mỗi năm chỉ riêng bia, chúng ta đã "ngốn" hơn 4 tỉ lít và cứ tăng dần hằng năm. Bởi lợi nhuận hấp dẫn của thị trường này mà hầu như những nhà sản xuất bia nổi tiếng của thế giới đều đã đặt chân đến Việt Nam.
Có thể nói không ngoa rằng ở các thành thị, hầu như con đường nào cũng có bán rượu, bia; bất cứ độ tuổi nào cũng có thể mua rượu, bia mà không ai thắc mắc. Kinh doanh rượu, bia là ngành khấm khá ở các địa phương; hình ảnh rượu, bia công khai và dần trở thành quen thuộc. Không hạn chế được điều này thì có quy định phạt người uống như thế nào cũng kém tác dụng.
Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 và nay Nghị định 117 cũng sắp được áp dụng thi hành. Có thể nói quy định pháp luật như thế đã đầy đủ, vấn đề còn lại chính là sự thực thi quyết liệt đến đâu, được ưu tiên như thế nào, gạt bỏ cản ngại từ những nhà kinh doanh ra sao để thực sự ngăn chặn được sự bành trướng của "ma men" trong đời sống. Kinh nghiệm trước mắt đã có, từ khi xử phạt nặng hành vi lái xe vi phạm độ cồn đã giảm hẳn tình trạng say rượu lái xe và từ đó cũng giảm số vụ tai nạn liên quan đến rượu, bia. Nay, chúng ta chờ lực lượng chức năng ra tay thế nào...
Theo Hiếu Nghi (NLĐO)