Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Cho mướn màu xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Từ mấy năm trước, xứ Lục Bình xảy ra hiện tượng lạ. Tết khách tới nhà chơi, ai cũng ngạc nhiên sao bình thường gia chủ không trồng mai mà năm mới hô biến ra mấy gốc cổ thụ uốn lượn nở bông vàng rực đẹp quá chừng. Xứ này thân thiện, chủ cũng thật thà kể, mai mua về chưng hết Tết gửi đi nhờ ông Tư Nhôm dưỡng sang năm lại lấy về. Ông mát tay dữ lắm, mai ông chăm cành đầy nụ nở bừng thấy no con mắt, ông còn bảo đảm nếu ít bông ông sẽ đưa cho cây khác chưng thay. Chớ để ở nhà tự bón tự phun, dễ mai chưa dày lá đã ngủm mất tiêu, chủ nhà thở than nhìn mấy cây kiểng héo queo quanh vườn.

Còn hiện tượng khác cũng kỳ lạ không kém, nhà nhỏ nhỏ mà chơi những gốc mai lớn, tán bung xòe báo hiệu cả năm sung túc. Khách tới chơi ngại ngần hỏi sắm cây mai vầy chắc tốn kém dữ, không biết chủ có phải trúng số hay làm ăn phất lên chăng. Chủ nhà xuề xòa cười, chỉ cho thấy cọng xích lớn quấn quanh gốc mai giữ của, kêu đồ mướn đó chớ tiền đâu mà mua. Mướn chỗ vườn kiểng Tư Nhôm chớ còn ai trồng khoai đất này. Rẻ hơn mua, lại có nhiều lựa chọn, không phải tốn công trồng.

Tiếng lành đồn xa, khách kéo tới vườn mai Tư Nhôm nườm nượp, có cả khách ở tỉnh khác qua. Nhưng ông Tư chỉ nhận vừa đủ, số lượng mai có hạn. Nếu khách muốn mướn cây khác, như bông hoa thân kiểng các loại thì chọn, còn chỉ chăm chăm lấy mai đành hẹn lại Tết sau. Xa gần không vấn đề chi, quan trọng là mặt có thiện cảm - tiêu chí chọn khách của ông Tư đơn giản vậy thôi. Bởi người nhìn ưa không vô, ông sợ trao cây nhầm kẻ ác, số cây tàn mà lòng ông cũng nát.

 

*

*     *



Ông Tư Nhôm vốn không phải người xứ Lục Bình, nghe đâu ông ở với con cháu trên thành phố, làm chức chi đó cũng cao. Chắc chán quan trường bon chen, nản thị thành khói bụi, ông Tư lui về đây mua miếng đất, dựng nhà làm vườn kiểng thư thả an hưởng tuổi già. Lúc đó nghe tên ông, người ta tưởng ông thứ Tư. Thói quen xứ này gọi tên kèm thứ cho dễ phân biệt, mà ông đã có thứ trong tên rồi, họ đặt thêm một chữ - chữ Nhôm. Nhôm vừa chỉ cái tướng mỏng te của ông, vừa chỉ tính cách của ông, bền bỉ mà mềm dẻo khi cần.

 

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG


Nghĩ ông Tư Nhôm được thảnh thơi không còn bận bịu chuyện đời, con cháu ông cũng an tâm. Ngờ đâu mấy dịp về quê chơi, tụi nó sinh nghi khi cái vườn kiểng của ông ngày một rộng. Ông còn mướn thêm mấy người phụ làm mới lo hết được bốn bề cái vườn đủ loại cây. Dò đoán một thời gian, cuối cùng cũng lộ ra chuyện ông kinh doanh cho đỡ buồn, buôn bán cây và đặc biệt là chăm sóc thay và cho mướn kiểng Tết.

- Ba làm chi mấy chuyện này cực thấy mồ, con Út ông ngó cái vườn thênh thang chỉ biết kêu trời, nghĩ thầm người ta kêu ông ba là Nhôm cũng phải, hay ba dẹp hết, nghỉ ngơi cho khỏe thân.

- Đâu có được con, rảnh rỗi buồn chân tay lắm, ông Tư Nhôm hề hề cười. - Với lại cái nghề này vừa hợp tính ba, vừa đem lại niềm vui cho người ta. Cho mướn sắc màu xuân về chưng Tết, bây coi thấy ai oai như ba chưa?

Út nghe ông Tư nói vậy đành cười trừ, chớ biết trả lời sao nữa. Nó biết tính ba đã quyết là khỏi ai cản. Với lại, miễn ba vui là được.

- Thôi ba đừng có giấu con, ba kiếm tiền xây phòng nhì chớ gì? - Út kiếm cớ chọc Tư Nhôm, sẵn thả đá dò đường coi ông đã ưng được ai chưa, từ ngày má mất thấy ba thui thủi một mình cũng lo.

- Phòng gì mà phòng, tao xây luôn cái nhà - Ông Tư ưỡn ngực tự hào, chỉ qua bên kia sông - Đó, kìa, ngang mặt, thấy chưa?

Hoảng hồn, Út ngó theo liền, coi thử nhà nhân tình mới của ông ra làm sao. Chẳng thấy nhà ai, chỉ có cái trại trẻ mồ côi mới xây còn chưa tô vôi hết. Út phì cười, hóa ra là vậy, tính ba nó vẫn không hề thay đổi. Ông coi từ thiện như một con đường phải đi cả đời, bằng sức của chính ông, chớ không nhờ cậy gì con cái. Ngó ba mình một lượt từ mái tóc bạc mướt rượt tới đôi dép lào sạch sẽ dưới chân, thấy ông Tư Nhôm khỏe mạnh từ cơ thể tới tinh thần vầy, Út cũng an tâm mà về thành phố.

 

*

*     *

Trời trở gió muộn, bấc năm nay khiến người ta nhớ nhung những chuyện cũ xưa. Gió như cây muỗng khuấy vào ly nước đã tan đá từ lâu, khiến những tầng nước ký ức xoáy lên, quyện lại cả quá khứ vào hiện tại. Út mông lung ngó trời, định gọi về cho ông Tư Nhôm mà chưa biết mở lời làm sao. Hỏi thăm là một lẽ, khuyên ông bớt ham công tiếc việc lại mới là vấn đề. Mùa giáp Tết, bảo đảm việc chất đống, kiểu gì ông không mê mải đám mai kiểng tới quên ăn quên ngủ.

Bác sĩ báo cho Út biết bệnh tình ông Tư không nặng mấy nhưng nếu cứ làm việc liên tục, mật độ căng thẳng dày lại là chuyện khác. Khuyên ông ấy nghỉ ngơi nhiều vô, có lẽ biết trong nhà, tiếng nói của Út có trọng lượng nhất với ông Tư Nhôm nên bác sĩ gửi gắm điều này cho cô. Bác sĩ cũng quý ba cô lắm, quỹ từ thiện của bệnh viện hoạt động một phần nhờ ông vận động mà.

Biết là biết vậy, lo thì lo lắm, nhưng Út biết nói kiểu chi cho ba nghe đây. Có lần cô thử nhắc khéo, ba đã nhăn nhó than công chuyện đang ngập đầy mà cô cứ làm ông nhức đầu thêm. Những cây mai phải chăm cho đàng hoàng để kịp nở bông đem cho khách đúng xuân, còn có những đám mai cần được sửa sang tán cành cho khách chọn mướn. Én đã về đầy trên nền trời xanh như một lời nhắc nhở và ngầm hối thúc.

Út chán chường đứng dậy, bước vô phòng sách cũ của ông Tư Nhôm. Hồi trước là nơi ông hay dành thời gian yên tĩnh một mình với những cuốn sách, giờ dọn về xứ Lục Bình rồi, ông dành cả căn phòng lại cho con gái út. Út lần ngón tay theo những cuốn sách, định chọn một tựa hay hay đọc để tạm thời quên đi mối lo. Chợt, cô phát hiện có một cuốn sách ẩn giữa hai dãy sách khiến một chồng sách bị đẩy ra ngoài. Lách tay vào, cô kéo ra một cuốn sổ bìa da. Hình như là nhật ký.

Lần giở từng trang giấy đã úa màu, Út đoán đây là nhật ký của ba mình. Công nhận ba cô tình cảm ghê, còn viết cả nhật ký. Nhưng nội dung hầu như chẳng có gì, ngoài những ghi chép vụn. Một ít thơ và vài đoạn nhạc. Út thử đọc một vài đoạn, mong hiểu hơn suy nghĩ của ba. Hoặc nếu tìm được cách khuyên ông thì tốt quá. Dù khá rời rạc, cô vẫn cố nối lại những dòng ký ức…

*

*     *


Không phải khi không ông Tư Nhôm chọn cái nghề cực thân này. Nó liên quan tới tuổi thơ, tới cả việc tại sao ông thích giúp đỡ người khác.

Hồi đó, nhà ông Tư nghèo lắm. Cơm còn không có mà ăn, Tết chỉ được nồi củ cải kho nước muối đậm và một ít thịt nhiều mỡ. Trứng gà có nhưng má ông không dám thả vô, trứng để muối ăn được lâu hơn. Vì vậy, đừng nói chi những mai vàng, những loại bông rẻ tiền như chậu vạn thọ đã là xa xỉ.

Con nít đứa nào chẳng mê lộng lẫy, đứa nào chẳng khoái lễ hội. Ông Tư Nhôm khi đó cũng vậy, Tết với ông là niềm hạnh phúc lớn lao, nhưng đứng trước khung cảnh ỉu xìu của gia đình, lòng ông làm sao vui cho nổi. Ba ông đang bệnh, không khí trong nhà u ám như phủ lên một bức màn khói. Phải chi lúc đó có thêm chút không khí xuân, dù chỉ một cành mai thôi, nhen lên nắng vàng trên bàn thờ ông bà, chắc sẽ ấm áp hơn.

Ông Tư Nhôm đã đi ăn trộm mai của nhà hàng xóm. Trộm, vì ông không có tiền mua, dù chỉ một cành mai năm cánh loại vườn quê trồng nhiều. Bị bắt được, ông tưởng tận thế đã tới. Ba má ông mà biết thì đừng nói đến mùa xuân, một tiếng cười chắc cũng chẳng còn. Ông Tư cúi đầu chịu trận, chờ người ta xách tai lôi về nhà mắng vốn.

Chủ vườn mai ấy chỉ hỏi tại sao ông muốn trộm mai, nghe được câu chuyện của gia đình ông chỉ kêu mang về đi rồi mai qua đây phụ chăm cây coi như trừ nợ. Ông Tư mừng rơn đem về nhà, dường như cành mai đúng là phép màu của Tết, những nụ bông chúm chúm he hé vàng khiến căn nhà ọp ẹp có sức sống hơn. Tết sao thiếu mai cho được.

Chủ vườn tốt bụng kêu ông phụ dọn dẹp vườn tược, nhà cửa và trả công đàng hoàng. Cầm những đồng tiền đầu tiên kiếm được, ông Tư bật khóc nức nở khi người đàn ông ấy xoa đầu ông mà nhắn nhủ, làm việc đàng hoàng, cực mà xứng đáng, đừng làm việc xấu để lòng ray rứt nhe con. Nhờ những đồng tiền ấy, đó là Tết đầu tiên nhà ông có bữa cơm tươm tất.

Mỗi khi nhớ lại chuyện cũ, ông Tư Nhôm luôn muốn làm nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Ông muốn để dành tiền cho một dự định khác, hy vọng sẽ kịp Tết năm sau. Ông không muốn nhờ con cái, chúng có việc của chúng. Phải là ông, tự ông…

- Ba ơi! Phụ tụi con với! - Út í ới ngoài cổng, phóng xuống từ chiếc xe tải.

Ông Tư Nhôm lóng ngóng bước ra coi, ngạc nhiên khi thấy không chỉ con gái mà còn mấy đứa con trai lớn của ông. Tụi nó khiêng cái gì mà nhiều quá, lũ lượt từng đống.

-  Ba - Út nắm tay ông Tư, mồ hôi vẫn còn nhễu ròng ròng trên má cô - Con thay mặt cả nhà xuống phụ ba nhé. Tụi con quyết định hoàn thành mong muốn của ba, cho kịp năm nay!

 

*

*     *


Tết vừa chạm ngõ từng nhà, xứ Lục Bình lại có thêm chuyện lạ. Không hiểu sao nhà ai cũng có mai vàng chưng Tết, nhà ai cũng rạng rỡ niềm vui. Ngay cả cái nhà khó khăn nhất xóm cũng có một chậu mai rực màu chưng trước cửa, nhìn là thấy phơi phới trong lòng.

Đám mai đó vốn do những đứa con của ông Năm Nhôm đi vận động xin về, đem cho ông chăm sóc lại để kịp trổ nụ. Tất cả chúng, ông đều đem cho mướn, với giá tượng trưng: vài trứng gà, cái bánh, mớ lá chuối… trả bằng gì cũng được. Ai không tiền cũng cứ lấy về chưng, miễn hết Tết lại trả, để sang năm còn tới người khác.

Tết về trên gương mặt của mọi người, ai nấy cũng khấp khởi mừng. Những đứa con nít theo chân ba má tới coi mai cho bằng được, sự phấn khích không thể giấu giếm. Chúng mừng rơn vì lần đầu tiên nhà có cái Tết mới mẻ, có mai vàng, Tết mà sao thiếu mai cho được.

Ông Tư kéo vạt áo chấm nước mắt, hết nhìn Út rồi nhìn mấy thằng con trao mai cho mọi người, thấy tự hào quá đỗi. Với ông chúng là những cây mai bung đầy bông, vàng tươi hơn cả màu nắng. Chúng là mùa xuân của ông, khi đã biết yêu thương người khác...

 

Theo PHÁT DƯƠNG (ĐNO)

Có thể bạn quan tâm