(GLO)- Sau kỳ nghỉ hè dài ngày, lễ khai giảng năm học mới luôn được cả thầy và trò chúng tôi trông đợi. Nhưng năm nay, mọi thứ diễn ra thật lặng lẽ.
Có những điều khác biệt (có lẽ sẽ trở thành đặc biệt) mà tôi chắc không thể nào quên trong suốt cuộc đời nhà giáo của mình. Theo thông lệ, trong ngày đầu tiên trở lại trường, học trò sẽ nhận lớp, gặp gỡ giáo viên chủ nhiệm. Năm nay thì khác, tất cả những thông tin cần thiết đều được trao đổi trên không gian mạng, nơi mà trước đây nhiều người cho là không đáng tin cậy lắm. Buổi tựu trường của tôi và học trò diễn ra trong “lớp học” đặc biệt ấy, theo cách chưa có tiền lệ. Lớp tôi chủ nhiệm còn có một học sinh từ nơi khác đến thăm người thân, vì dịch bệnh nên chưa thể trở về nên em được nhận vào học tạm. Nghe phụ huynh của em tâm sự, em không có đồng phục hay sách vở để học vì đây chỉ là một chuyến đi chơi, không may bị kẹt lại, tôi chỉ biết động viên con hãy cố gắng thật nhiều trong hoàn cảnh này.
Đã mấy ngày rồi, tôi và các đồng nghiệp loay hoay chuẩn bị mọi thứ để dạy trực tuyến. Trên các nhóm chat công việc của chúng tôi, hàng đêm, khi đã rất khuya rồi vẫn sôi nổi những tin nhắn trao đổi, bày chỉ cho nhau các bước tạo bài giảng, đưa bài giảng lên web, tạo phòng học… Hộp thư điện thoại của tôi cũng bận rộn hơn với những câu hỏi của học trò: “Cô ơi có thời khóa biểu chưa?”, “Cô ơi em chưa đăng nhập được tài khoản học tập”, “Cô ơi làm thế nào để vào phòng học được?”… Nhưng điều trăn trở nhất trong lòng tôi và không ít đồng nghiệp vẫn là làm thế nào để những em không có thiết bị học trực tuyến vẫn có bài để học. Chúng tôi ở địa bàn đô thị thuận lợi mà còn có những trường hợp như vậy thì vùng khó khăn hơn sẽ ra sao? Nghĩ vậy, thấy chạnh thương đồng nghiệp và học trò ở những nơi còn khó khăn ấy. Nghĩ vậy, lại càng mong cuộc sống sớm trở lại những ngày bình thường.
Minh họa: Huyền Trang |
Trước ngày khai giảng, tôi cẩn thận chuẩn bị đồng phục cho các con, nhắc các con tham dự khai giảng trên truyền hình đúng giờ như thông báo của nhà trường. Tôi muốn duy trì nếp sinh hoạt đã có để các con vơi bớt nỗi nhớ trường, nhớ lớp. Gần gũi với trẻ con nhiều năm nên tôi hiểu được cảm giác trống trải, hụt hẫng, nỗi mong chờ ngày gặp lại thầy cô sau tháng ngày xa cách. Các con tôi cũng thế. Rồi mai này, trong ký ức của chúng sẽ có một ngày khai trường đặc biệt, ngày khai trường mà chúng hát Quốc ca qua màn hình ti vi, ngày khai trường mà chúng vẫn mặc bộ đồng phục thân thương nhưng còn thiếu phù hiệu bảng tên và không được ngồi trên sân trường rộn ràng nắng để nghe hồi trống năm học mới đánh thức những mắt lá còn mải chơi sau những ngày hè vắng lặng.
Chúng tôi đã thật sự phải nghĩ khác, sống khác để có thể thích ứng với hoàn cảnh mới, những tình huống mới. Hoàn cảnh nảy sinh tình huống hoàn toàn không dự tính được, điều cần thiết là sự bình tĩnh để tìm ra những cách thức, phương pháp thật phù hợp và hiệu quả nhằm cùng nhau vượt qua những khó khăn, thử thách. Mà vượt qua được khó khăn, thử thách, con người sẽ thật sự trở nên vững vàng. Như trong ngày khai giảng năm học mới này, những lẵng hoa tươi thắm thay cho lời chúc mừng vẫn được đem đến đặt trang trọng trên kệ, tấm bảng đỏ với dòng chữ “Lễ khai giảng năm học” vẫn được treo lên, chỉ khác là chúng nằm yên ắng trong sự thiếu vắng tiếng hát nụ cười của tất cả chúng tôi, những chủ nhân của ngày lễ quan trọng nhất năm học. Nhưng có hề gì khi chúng tôi vẫn có thể hát vang Quốc ca trong lễ chào cờ và trong tim luôn chan chứa hy vọng về một ngày mai bình yên.
ĐÀO AN DUYÊN