Hoạt động ổn định
Từ khoảng 17-18 giờ hàng ngày, xe tải chở hàng hóa từ các nơi tập kết về trước cổng chợ tạm phường Ia Kring để bốc hàng và chuyển vào các lô sạp. Hoạt động buôn bán thời điểm này chủ yếu là các mặt hàng rau, củ, quả; còn thịt, cá và các loại gia cầm... thường sẽ mở bán muộn hơn, vào khoảng 21-22 giờ trở đi. Các lô sạp gọn gàng, ngay hàng, thẳng lối và khá sạch sẽ. Từ khoảng 20 giờ, hoạt động buôn bán trở nên nhộn nhịp.
Tay thoăn thoắt bỏ từng bó rau muống vào túi cho khách, bà Lê Thị Hiền (thôn 3, xã Chư Á, TP. Pleiku) chia sẻ: “Mặc dù lượng khách không đông bằng chợ cũ nhưng việc buôn bán cũng đã ổn định. Nơi buôn bán được dựng khung thép, lợp mái và có bạt che xung quanh đàng hoàng. Điện, nước cũng đầy đủ”.
Các tiểu thương khá hài lòng khi chợ tạm phường Ia Kring hoạt động ổn định, quy củ. Ảnh: V.T |
Có 2 lô tại chợ tạm và nằm ngay cống thoát nước, chị Phạm Thị Sáng (tổ 14, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) cho hay: “Lúc mới lên đây, mọi thứ chưa bài bản nên thỉnh thoảng cũng có mùi hôi từ cống bốc lên. Nhưng chỉ ít ngày sau, vấn đề này đã được giải quyết. Hiện nay, mọi thứ đã đi vào ổn định, tiểu thương cũng yên tâm buôn bán”.
Trong tổng số 884 lô tại chợ, đa phần là các hộ kinh doanh hàng rau, củ, quả; số hàng bán thịt, cá thì ít hơn. Đối với 134 hộ kinh doanh hàng ăn uống theo đăng ký ban đầu, đến nay chỉ có khoảng 30 hộ đang kinh doanh. Chị Trần Thị Lành cho hay: Từ trước tới nay, chị chủ yếu bán ăn đêm tại nhà. Vậy nên, khi biết trên chợ còn lô ở khu vực bán hàng ăn, chị đã đăng ký.
“Không phải là hộ đã từng bán ở chợ đêm cũ nên tôi cũng chỉ có một lượng khách nhất định, chủ yếu là những người bán buôn trong chợ. Ít khách vãng lai nên mỗi đêm tôi chỉ bán lai rai khoảng chừng 70 tô phở”-chị Lành tâm sự.
Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng
Khi mới đi vào hoạt động, chợ tạm phường Ia Kring đã nảy sinh một số bất cập liên quan đến việc bố trí lô sạp chưa hợp lý, hệ thống cống thoát nước, điện chiếu sáng chưa bài bản, đặc biệt là tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm. Để giải quyết những bất cập này, UBND TP. Pleiku đã chỉ đạo phường Ia Kring đầu tư các hạng mục cần thiết như: đổ bê tông khu vực còn lại, lắp điện chiếu sáng, khơi thông hệ thống nước thải...
Ông Phan Phi Hải-Phó Chủ tịch UBND phường Ia Kring-cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức nạo vét 2 con mương dọc để đảm bảo thoát nước; yêu cầu Ban Quản lý chợ xịt nước làm sạch mặt bằng mỗi ngày nên vấn đề vệ sinh đã được đảm bảo. Chợ tạm có 2 loại lô là 4 m2 và 5 m2; giá thuê mặt bằng là 60.000 đồng/m2/tháng. Riêng tiền điện nước được tính theo hóa đơn của các đơn vị cấp điện và cấp nước, căn cứ vào hóa đơn hàng tháng và chia ra cho các lô. Đơn vị quản lý chợ làm nhiệm vụ thu hộ”.
Chợ tạm rau, củ, quả phường Ia Kring đã đi vào hoạt động ổn định sau 4 tháng di dời. Ảnh: Hà Duy |
Còn ông Nguyễn Đức Toàn-đại diện Ban Quản lý chợ thì cho hay: “Các điều kiện cần thiết như hệ thống điện, nước, mái che, bãi đậu xe, cống thoát nước… đã đáp ứng yêu cầu của các hộ kinh doanh. Mỗi đêm, lưu lượng xe chở hàng vào chợ khoảng hơn 100 chiếc, các hộ kinh doanh yên tâm mua bán. Tuy vậy, hiện còn 69 lô nằm sát đường vẫn là nền đất. Sắp tới, số lô này cũng sẽ được bố trí kinh phí để làm tiếp”.
Được biết, thời gian đầu, số tiểu thương đăng ký vào buôn bán tại chợ khá đông, song mọi hoạt động vẫn còn lúng túng, chưa điều tiết hợp lý khiến xảy ra tình trạng bụi bặm, kẹt xe... Bên cạnh đó, lượng khách hàng đến chợ cũng giảm do địa điểm xa hơn địa điểm chợ đêm cũ (bến xe Nguyễn Thiện Thuật, phường Diên Hồng) nên nhiều tiểu thương nghỉ bán hoặc dời đến nơi khác. Vì vậy, đến thời điểm này, chợ còn trống 270 lô.
“Theo kế hoạch của thành phố, tuyến đường nối Lê Thánh Tôn-Trần Nhật Duật đi ngang qua chợ sẽ được mở rộng, nâng cấp. Lúc đó, giao thông càng thuận lợi hơn. Tin rằng hoạt động của chợ sẽ càng phát triển”-ông Toàn thông tin thêm.