(GLO)- Chưa bao giờ việc vay tiền mặt lại dễ dàng và nhanh chóng như hiện nay. Chỉ cần một vài giấy tờ tùy thân cần thiết là đã đáp ứng được yêu cầu của người cho vay. Trong thời buổi cạnh tranh, những người cho vay đã tích cực quảng cáo dịch vụ, càng kích thích hoạt động tín dụng “đen” phát triển.
Vô tư quảng cáo trên bờ tường, trụ điện
Không cần tìm đâu xa, chỉ ngó qua các cột điện, trụ đèn, bờ tường bê tông ở bất cứ con hẻm, đường phố nào cũng sẽ nhanh chóng tìm ra dịch vụ này. Những tờ quảng cáo in gọn trong khổ giấy A4 được dán khắp nơi. Bà V.T.M. (ở đường Phan Đình Giót, TP. Pleiku) cho hay: “Một thời là khoan cắt bê tông, khoan giếng, hút hầm rút, giờ đến quảng cáo cho vay dán lung tung gây nên hình ảnh vô cùng phản cảm. Bờ tường nhà mình nhưng người ta mặc nhiên xem đó là nơi để quảng cáo việc làm ăn của họ”.
Những tờ quảng cáo như thế này nếu bị lột ra thì ngay lập tức sẽ có cái mới dán đè lên. Ảnh: V.T |
Không chỉ hẻm mà ngay trên các trục đường chính, rác quảng cáo kiểu này cũng nhan nhản với nội dung nào là “cho vay không thế chấp”, “cầm cố cà vẹt”, “cho vay trả góp”, “alô là có tiền”, “cho vay đáo hạn ngân hàng”… “Bước ra khỏi cổng, nhìn trái nhìn phải đập vô mắt toàn quảng cáo. Có khi cái cũ chưa rách cái mới đã dán đè lên. Ngay cả các hộp điện ở trạm biến áp cũng dày đặc quảng cáo”-một người dân bức xúc nói.
Rõ ràng, không phải là tổ chức tín dụng nhưng nhiều cá nhân công khai cho vay trái pháp luật dưới nhiều hình thức. Hoạt động này đang có xu hướng phát triển mạnh từ thành thị đến nông thôn. Hình thức quảng cáo cũng đa dạng, ngoài dán tờ quảng cáo, những người này còn thuê người đi phát tờ rơi từng nhà. Trên thực tế, không ít người vì cần gấp một số tiền trong thời gian ngắn nên liên hệ dịch vụ này là có ngay “tiền tươi”.
Lãi suất… cắt cổ
Thử liên lạc với một địa điểm vay (số điện thoại 0931185xxx), nhấc máy là giọng một người đàn ông nhanh nhảu mời khách lên nhà để tiện tư vấn thể thức vay. Ông này cho biết, muốn vay trả góp theo ngày cần có chứng minh nhân dân, hộ khẩu bản gốc là giải quyết nhanh, tùy vào việc chứng minh thu nhập mà cho vay theo nhu cầu hoặc mức tối đa có thể. Cứ vay 5 triệu đồng sau 40 ngày trả 6 triệu đồng, tức là mỗi ngày phải trả góp 150 ngàn đồng. Mức lãi này tương ứng 0,5%/ngày, 15%/tháng. Theo người này, mức lãi như vậy là quá cạnh tranh so với nhiều chủ vay khác. Nghe có vẻ “ưu đãi” hơn lãi nóng, nhưng xem ra nó cũng nằm ngưỡng gấp chục lần lãi suất ngân hàng hiện hành!
Tương tự, một địa chỉ khác cũng giới thiệu về hình thức và lãi suất vay. Mức thấp nhất là 3 ngàn đồng/triệu đồng/ngày, cao hơn có thể lên đến 10 ngàn đồng/triệu đồng/ngày, tương ứng 30%/tháng! Lãi càng cao thủ tục càng đơn giản và ngược lại. Chung quy, người đi vay chỉ cần cung cấp một hoặc nhiều giấy tờ liên quan như: chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy đăng ký kinh doanh, hóa đơn điện nước… Có điều vay kiểu này nhiều người dễ dính bẫy lãi suất cắt cổ. Đó là, ngoài trả lãi hàng tháng, người đi vay nếu muốn vay thời gian ngắn được chọn trả lãi hàng ngày, nhưng lại không quy ra lãi suất cụ thể buộc phải trả một số tiền nhất định.
Hình thức tín chấp dễ dàng khiến nhiều người dễ sa vào. Để giải quyết nhu cầu tài chính, đôi khi mục đích vay không chính đáng, có thể vay trả nợ do thua cờ bạc hoặc chơi bời. Thường những nhu cầu này lãi suất sẽ cao gấp mấy lần, nhiều khoản vay trả lãi mới 2-3 tháng cộng lại đã ngang với tiền gốc.
Thời gian qua, dịch vụ mua hàng trả góp, cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cùng với đó, ngành Ngân hàng đã tích cực cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các chính sách tín dụng góp phần giảm thiểu tình trạng tín dụng “đen”. Song, hoạt động này vẫn tồn tại len lỏi, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thời điểm cuối năm ngoái, lãnh đạo Công an tỉnh đã báo động tình trạng này khi phát hiện 357 đầu mối người Kinh cho khoảng 10.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại 54 xã, phường, thị trấn vay hàng chục tỷ đồng với lãi suất cao.
Hoạt động tín dụng “đen” tồn tại từ việc người cho vay đứng ra huy động vốn từ nhiều người với lãi suất thấp, rồi đem cho vay lại với lãi suất cao hơn nhằm hưởng tiền chênh lệch. Qua nhiều kênh, nhiều bậc, lãi suất cho vay đã bị đội lên cao ngất ngưởng. Tín dụng “đen” như một sự cứu cánh tức thì của một số người. Ngay cả khi tín dụng ngân hàng “phủ sóng” đến tận vùng nông thôn thì tín dụng “đen” vẫn tung hoành.
Ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai: Trong năm 2016, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai phối hợp với Công an tỉnh, Cục Thuế, Chi cục Quản lý Thị trường, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tiến hành kiểm tra một số tổ chức và cá nhân trên địa bàn, đã phát hiện và buộc tháo gỡ biển hiệu, pano quảng cáo của các điểm dịch vụ vi phạm các nội dung như cho vay đáo hạn ngân hàng, dịch vụ tín dụng tín chấp, cho vay tiền ngày; đồng thời đã bóc gỡ các tờ quảng cáo được dán trên cột điện, tủ điện ở nhiều tuyến phố với nội dung quảng cáo về hỗ trợ vốn vay, cho vay tiêu dùng, cho vay cầm cố bằng lái xe… Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục cùng các ngành chức năng phối hợp xử lý những vấn đề liên quan đến tín dụng “đen” trên địa bàn. |
Vũ Thảo