Kinh tế

Cho vay tiêu dùng: Tiềm năng nhiều, rủi ro lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hoạt động cho vay tiêu dùng ngày càng được mở rộng về đối tượng với nhiều hình thức như: cho vay theo lương, cho vay qua thẻ tín dụng, cho vay trả góp… Không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cá nhân, cho vay tiêu dùng còn có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Giải quyết nhu cầu “tiêu trước, trả sau”

Ưu điểm thấy rõ nhất của cho vay tiêu dùng là cơ bản đáp ứng một phần vốn của các cá nhân khi năng lực tài chính chưa đủ để trang trải nhu cầu, từ đó cho phép người vay có thể tiêu dùng trước, chi trả sau. “Nếu cứ chờ đợi tích góp từ đồng lương cho đến khi đủ số tiền để mua một căn nhà thuộc dự án Khu Dân cư Phú An thì chắc hẳn còn lâu lắm tôi mới sở hữu được nó, mặc dù đây là khu dân cư dành cho người thu nhập thấp. Để giải quyết nhu cầu về nhà ở, tôi đã tìm đến ngân hàng và được tư vấn các gói cho vay mua nhà. Với nhiều lựa chọn từ các phương án đưa ra dựa trên khả năng thu nhập của bản thân, tôi hoàn toàn yên tâm khi quyết định tham gia vay tại một ngân hàng”-anh Trần Tuấn Anh (phường Tây Sơn,  TP. Pleiku) cho biết.

 

Một khách hàng đang tìm hiểu về các hình thức cho vay tiêu dùng. Ảnh: Quang Minh
Một khách hàng đang tìm hiểu về các hình thức cho vay tiêu dùng. Ảnh: Quang Minh

Cho vay tiêu dùng đã mang lại lợi ích thiết thực cho một bộ phận dân cư và có xu hướng ngày càng phát triển, đa dạng dưới nhiều hình thức. Cho vay tiêu dùng góp phần kích cầu, tạo đầu ra cho sản phẩm, nâng cao đời sống người dân, góp phần tạo nguồn lực phát triển cho nền kinh tế, qua đó hạn chế được nạn tín dụng đen. Chị Hằng-nhân viên tư vấn tài chính (Công ty Tài chính TNHH một thành viên Home Credit Việt Nam, đơn vị liên kết với một cửa hàng điện máy trên đường Trần Phú, TP. Pleiku), cho biết: Mức lãi suất khoảng 2,4%/tháng áp dụng cho trả góp các sản phẩm có giá dưới 10 triệu đồng tương đối hợp lý, từ đó giúp khách hàng có thể tham gia khi khả năng tài chính chưa đáp ứng đủ yêu cầu trả tiền ngay một lần. Chưa có thống kê chính xác, nhưng theo chị Hằng ước tính có đến 40% lượng khách đến mua hàng tại đây tham gia hình thức trả góp.

Hiện nay, việc áp dụng lãi suất cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng (TCTD) căn cứ trên thỏa thuận giữa bên vay và cho vay, không bị khống chế mức trần, dao động từ 7,5% đến 11,8%/năm tùy theo mục đích vay và kỳ hạn vay. Mức lãi suất này thường được ưu đãi trong khoảng thời gian đầu, sau đó được thả nổi theo lãi suất thị trường với biên độ dao động tùy vào chính sách của từng ngân hàng. Còn lãi suất tại các công ty tài chính thì phụ thuộc vào thời hạn trả góp và giá trị sản phẩm, hay thời hạn và mức vay tiền mặt tín chấp. Nhìn chung, mức lãi cao hơn rất nhiều so với ngân hàng.

Tiềm năng nhiều, rủi ro lớn

Báo cáo kết quả thực hiện tín dụng tiêu dùng của Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai cho thấy: tín dụng tiêu dùng của các TCTD trên địa bàn đã đạt 4.243 tỷ đồng vào cuối năm ngoái, với mức tăng trưởng bình quân hàng năm là 42,6% trong giai đoạn 2011-2015. Điều này cho thấy hoạt động tín dụng tiêu dùng có tiềm năng phát triển, trong đó dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống chiếm tỷ trọng lớn với 99,3% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng, tăng 36,4% so với cuối năm 2014; cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng chiếm tỷ trọng 0,7% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng.

Dù tăng trưởng mạnh, song tín dụng tiêu dùng hiện mới chỉ chiếm 7,6% trên tổng dư nợ tín dụng của toàn ngành ngân hàng trên địa bàn. Như vậy, dư địa tăng trưởng tín dụng tiêu dùng vẫn còn nhiều trong giới hạn. Hoạt động tín dụng tiêu dùng đã thu hút 18/26 TCTD trên địa bàn tham gia với sự đa dạng về sản phẩm cũng như đối tượng được vay. Ngoài các TCTD, trên địa bàn tỉnh còn có 214 điểm giao dịch của 3 công ty tài chính đăng ký cho vay tiêu dùng (Công ty Tài chính TNHH một thành viên Home Credit Việt Nam, Công ty Tài chính TNHH HD Sài Gòn, Công ty Tài chính TNHH một thành viên Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng). Hiện nay, các công ty tài chính đang hướng đến cho vay tiêu dùng ở dịch vụ cho vay mua xe máy trả góp, dịch vụ cho vay mua sắm đồ điện tử, điện máy gia dụng và dịch vụ cho vay tiền mặt qua bảng lương, theo hóa đơn tiền điện, giấy phép đăng ký kinh doanh… Việc phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng ở các công ty tài chính đã đáp ứng nhu cầu của bộ phận khách hàng không có điều kiện tiếp cận dịch vụ cho vay tại các ngân hàng.

Song trên thực tế, cho vay tiêu dùng cũng đang đặt ra nhiều vấn đề và thách thức đối với các TCTD cũng như các công ty tài chính do dễ dẫn đến rủi ro, khó khăn trong thu hồi nợ vay. Theo ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai, dù liên tục mở rộng phạm vi hoạt động, nhưng hiện Ngân hàng Nhà nước chỉ được nắm số lượng điểm giao dịch của các công ty tài chính, do vậy cần có quy định chế độ báo cáo cụ thể về tình hình hoạt động để đơn vị giám sát và thực hiện tốt công tác quản lý liên quan đến hoạt động tiền tệ, tín dụng trên địa bàn. Ông Cư cũng cho rằng cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động cho vay tiêu dùng, trong đó phải nâng cao yêu cầu về quản lý rủi ro tín dụng như bảo đảm tiền vay, quy trình cho vay, tiêu chuẩn cho vay (giới hạn rủi ro của khoản vay và khách hàng vay, tránh tình trạng cho vay với mọi giá dẫn đến lãi suất quá cao). Bên cạnh đó, cần phân loại, chấm điểm khách hàng, tránh tình trạng khách hàng tốt phải chịu lãi suất cao gánh rủi ro của khách hàng tín nhiệm thấp.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm