Kinh tế

Chơi tiền ảo: Biến tướng của kinh doanh đa cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại Gia Lai, phong trào chơi tiền ảo (Bitcoin và Onecoin) phát triển rầm rộ tại thị xã An Khê và huyện Kông Chro. Không chỉ mua bán, những trang mạng kinh doanh tiền ảo còn có mô hình hoạt động tinh vi dưới dạng đa cấp biến tướng, nhiều người hám lợi đã bị thiệt hại...

Lấy tiền thật… mua tiền ảo

Thượng tá Lê Tiến Hùng-Phó Trưởng phòng An ninh Kinh tế Công an tỉnh Gia Lai cho biết: Qua thu thập thông tin và kiểm tra, chỉ có 6 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động, trong số này có 2 doanh nghiệp có trụ sở, còn lại chủ yếu tổ chức hoạt động ở các quán cà phê, nhà hàng, khách sạn… để lôi kéo người dân tham gia.

Thượng tá Hùng cho biết thêm, cuối năm ngoái, sau khi Công an tỉnh thông báo cho Công an các địa phương rà soát, thống kê số doanh nghiệp, cá nhân có liên quan thì phát hiện ở huyện Kông Chro có một nhóm người đứng ra huy động vốn vào quỹ cộng đồng an sinh xã hội. Quỹ này có rất nhiều “chân rết”, nhiều văn phòng ở miền Trung nhưng thật ra lại đóng ở Hải Dương. Đến khi doanh nghiệp chính ở Hải Dương tuyên bố không chi trả lãi thì các “chân rết”, cụ thể là 2 đối tượng ở An Khê và Kông Chro tự bỏ tiền túi ra trả. Khi không trả nổi nữa, đến tháng 6-2016, các đối tượng đã tuyên truyền người tham gia hình thành tổ chức chơi Bitcoin.

 

Ảnh minh họa

Đại tá Rah Lan Lâm-Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cho biết, qua đấu tranh khai thác, cơ quan Công an đã phát hiện rất nhiều trường hợp người dân đã bị lừa chuyển tiền thật để mua tiền ảo. Cụ thể, mới đây, tại thị xã An Khê, lực lượng Công an đã phát hiện đối tượng Đào Thanh Thủy (trú tại thị xã An Khê) sử dụng hệ thống giao dịch FXMT4 (mạng xã hội tài chính Bitcoin-N.V) để lôi kéo hơn 300 người tham gia với 1.900 bitcoin, tương ứng với số tiền huy động lên đến 22 tỷ đồng. Gần đây nhất, Công ty Hoàng Long (675 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku) đã mời gọi hơn 100 người dân tộc thiểu số ở các địa bàn Krông Pa, Ayun Pa đến tham dự hội thảo về huy động tiền với lãi suất cao. Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp núp dưới dạng kinh doanh thương mại, khoáng sản, bất động sản… với mục đích huy động tiền góp vốn làm ăn, mà thực chất đây được nhận định là hoạt động biến tướng từ kinh doanh đa cấp và Bitcoin.
 

Theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước, Bitcoin là một loại tiền kỹ thuật số được giới thiệu vào năm 2008 và chính thức lưu hành từ năm 2009 trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, Bitcoin mới phát triển từ năm 2010 đến nay. Tuy nhiên, Bitcoin không được phát hành bởi Chính phủ hay một tổ chức tài chính, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hàng.

Chưa có cơ sở pháp lý để xử lý

Ông Nguyễn Hải Sơn-Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai cho biết: Bitcoin không được xem là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, cũng không được xem là hàng hóa hay dịch vụ trong giao dịch điện tử. Bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi cơ quan nhà nước nào. Do đó, người sở hữu Bitcoin sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi.

Theo Đại tá Rah Lan Lâm, tình hình giao dịch tiền ảo có rất nhiều phức tạp, mọi giao dịch tiền ảo không hề có bất cứ giấy tờ nào làm bằng chứng, nó chỉ được giao dịch bằng miệng của nhà đầu tư hay chỉ được lưu trữ dưới dạng kỹ thuật số nên sẽ đối diện nhiều nguy cơ rủi ro, dễ bị tấn công và thay đổi dữ liệu, ngừng giao dịch. Vấn đề theo dõi, nắm bắt tình hình là do lực lượng trong ngành chủ động, chứ hiện vẫn chưa có một văn bản chính thức nào từ Trung ương và chưa có cơ sở pháp lý quy định xử lý những vụ việc này như thế nào.

Nói về những khó khăn trong vấn đề quản lý và xử lý, ông Phạm Đức Mạnh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường Gia Lai cho rằng, đơn vị chỉ được kiểm tra thủ tục hành chính, phát hiện sai phạm tới đâu thì phạt tới đó, ngoại trừ khi có đơn thư tố cáo của người dân thì cùng nhau phối hợp với các ngành xác minh và xử lý vi phạm.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm