Thời sự - Bình luận

Chọn lọc đầu vào, giám sát đầu ra

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Cho đến nay, mọi dự đoán trong và ngoài nước hầu như đều thống nhất nhận định, dù có chậm hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19 nhưng chắc chắn, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn tiếp tục chảy mạnh; trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao. Có những cơ sở để tin như vậy.

Đầu năm nay, Samsung đã tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD vào Nhà máy Samsung Điện cơ (SEMV), qua đó nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên trên 19 tỷ USD. Vậy là, so với thời điểm “chân ướt chân ráo” đến Việt Nam 14 năm trước (năm 2008), vốn đầu tư của Samsung tăng gấp hơn 28 lần so với cam kết ban đầu (670 triệu USD), tiếp tục khẳng định vị thế nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Đặc biệt, trong kế hoạch phát triển của mình, Samsung sẽ từng bước đưa Việt Nam không chỉ trở thành điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu mà còn là trung tâm chiến lược về nghiên cứu và phát triển (R&D) của tập đoàn.

Bên cạnh Samsung, đầu năm nay, sau khi tăng vốn thêm 400 triệu USD để nâng tổng vốn đầu tư của nhà máy ở Nghệ An lên 500 triệu USD, Goertek cũng tiếp tục tăng vốn đầu tư thêm hơn 300 triệu USD cho Nhà máy Chế biến thiết bị điện tử, các sản phẩm âm thanh đa phương tiện ở Bắc Ninh. Goertek chính là đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm Airpods cho Apple tại Việt Nam, đóng góp không nhỏ cho kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, còn nhiều tiêu chí khác phải kể đến khi đánh giá hiệu quả của các dự án đầu tư nước ngoài. Đóng góp cho ngân sách quốc gia là một trong những tiêu chí quan trọng như thế. Bên cạnh những nhà đầu tư làm ăn bài bản, nghiêm túc với tầm nhìn dài hạn ở Việt Nam, không phải không có những nhà đầu tư vi phạm pháp luật hoặc “lách luật” một cách tinh vi dưới nhiều hình thức khác nhau.

Theo báo cáo vừa được Bộ Tài chính gửi tới Thủ tướng, tính đến hết năm 2020, có hơn 14.100 doanh nghiệp FDI báo lỗ, chiếm 56% tổng số doanh nghiệp; tổng số lỗ của các doanh nghiệp lên tới 151.000 tỷ đồng… Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thừa nhận, có những doanh nghiệp FDI doanh thu lên đến hàng ngàn tỷ đồng, báo lỗ nhiều lần, nghĩa là không hề đóng thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng vẫn tăng vốn, mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Trừ những doanh nghiệp lỗ thật theo chiến lược kinh doanh đã tính toán trước hoặc do tình hình thị trường bất lợi, ở bất cứ quốc gia nào cũng sẽ có một số lượng không nhỏ doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở pháp luật để chuyển lãi thành lỗ, chuyển giá thông qua hoạt động kinh doanh nội khối.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021, số thu thuế từ dịch vụ xuyên biên giới đạt 1.317 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2020. Ngành thuế những năm qua đã thu thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài) gần 5.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn đã nộp thuế như Facebook 1.694 tỷ đồng, Google 1.618 tỷ đồng, Microsoft 576 tỷ đồng. Cần nói thêm rằng dịch vụ xuyên biên giới vốn là lĩnh vực khó quản lý và dễ xảy ra tình trạng lỗ giả lãi thật. Bắt đầu từ hôm nay 21-3, Tổng cục Thuế sẽ khai trương cổng thông tin điện tử kê khai thuế xuyên biên giới. Đây là một trong những nỗ lực để buộc các doanh nghiệp FDI tuân thủ đầy đủ pháp luật Việt Nam, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước Việt Nam, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đó cũng chính là giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng vốn FDI.

Sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam là có thể khẳng định. Đã đến lúc Việt Nam có quyền và cần phải lựa chọn kỹ lưỡng trước khi cấp chứng nhận đầu tư dự án FDI; không chỉ về quy mô, công nghệ, mức độ sử dụng lao động… mà còn cả về lịch sử kinh doanh, cách thức quản lý doanh nghiệp của nhà đầu tư… Cùng với đó là tăng cường giám sát, kiểm tra trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Việt Nam, đặc biệt là trong vấn đề đóng góp cho ngân sách.

Theo ANH THƯ (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm