Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Chu choa chi rứa hè?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chuyện là nhà mình mới chào đón hai bé sinh đôi. Em mình dự định đặt tên cho hai cháu là Thảo Nhi, Thảo Vy. Hai cái tên thật đẹp cho con gái, ấy vậy mà lại bị cả nhà phản đối...

 Về quê là phải nói giọng quê, tại vì cứ thấy như thế mới gần gũi với quê hương, mới còn thấy đây là nơi mình thuộc về - Ảnh: Thiên Anh
Về quê là phải nói giọng quê, tại vì cứ thấy như thế mới gần gũi với quê hương, mới còn thấy đây là nơi mình thuộc về - Ảnh: Thiên Anh


Ở đâu thì được chứ ở cái đất Quảng này thì tên con cái không nên có vần “a”, Thảo Nhi thì qua giọng Quảng là thành “Thổ Nhi” hết. Như cái kiểu người ta gọi mì “Hổ Hổ” thay cho thương hiệu mì “Hảo Hảo” quen thuộc, đọc lên nghe lạ hoắc chả biết đâu mà lần.

Còn nhớ hồi sinh viên chân ướt chân ráo ra Đà Nẵng học, mình là lớp trưởng nên thỉnh thoảng phải nói chuyện trước lớp. Sinh viên trong lớp đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau của miền Trung, đứa Nghệ An, Hà Tĩnh, đứa thì Quảng Ngãi, Bình Định. Lần đầu tiên nghe mình nói giọng Quảng cả bọn cứ trố mắt. Sau mới nhận ra không những dùng từ địa phương mà mình còn phát âm sai thành thử nghe không hiểu.

Thế nên, lúc cả bọn đi học quân sự mới sinh ra lớp học dạy phát âm cho các bạn Quảng Nam. “Mấy cô giáo” dù đã hết sức cố gắng mà “các trò” vẫn không sao phát âm cho phân biệt giữa “lượt” và “lược, giữa “lan” và “lang”, mở miệng ra là “lượt” nào cũng như “lược” nào, củ “lang” với hoa “lan” cũng chả khác gì nhau.

Giọng Quảng mà lên ti vi thì ôi thôi càng thấy ngộ, nhất là khi chị phát thanh viên giọng vừa nhẹ nhàng, phát âm chuẩn mực chỉ mới dứt lời cách đó đôi giây.

Ba năm trước mình vào Phú Quốc làm việc, có ngờ đâu điều làm mình nhớ nhung khôn nguôi chính là mấy từ địa phương và phát âm ngộ ngộ đó, mỗi lần đi đâu cứ ép tai nghe xem có ai nói “chu choa cái chi mà ngon kinh?”, xem thử có ai vừa tặc lưỡi vừa than “bữa ni trời nắng ghê rứa hè” đâu đó?

Sếp mình ngoài đảo là người Sài Gòn, còn đồng nghiệp trong phòng đa số là người Hà Nội, Nam Định thì lại rất hiếu kỳ với giọng Quảng. Để giao tiếp hiệu quả trong công việc, mình luôn cố gắng phát âm sao cho chuẩn. Ấy thế mà mỗi lần cả phòng đi chơi là được yêu cầu: “Em nói chị nghe vài câu giọng Quảng đi”. Ai cũng thử bắt chước mình, đều rất kiên trì cho ra chất Quảng “Nôm”, sau hồi kết luận, coi bộ vậy mà cũng khó chứ chẳng đùa.
Cùng với chất giọng đặc trưng, người quê mình còn có cách nói chuyện cởi mở, chất phác và sự nhiệt tình cũng đặc trưng không kém. Chị đồng nghiệp Nam Định kể, có lần vào Hội An chơi, bị té xe. Chưa kịp định thần đã thấy mọi người sốt sắng chạy ra, hỏi thăm các kiểu. Chị nghe nhiều từ chưa hiểu, chỉ biết có chú thì giúp mình dựng xe lên rồi xin phép đưa đi sửa, cô thì dìu vào hiên ngồi cho mát rồi pha nước, xem người trầy xước bầm dập đâu không còn tính. Bữa đó xe sửa xong chú ấy cũng không chịu lấy tiền, bảo giúp nhau tí mà tiền bạc gì. Chị lúc nào cũng muốn quay lại vì người ở đây sao dễ thương quá.

Thật ra mình tin chắc một điều bất cứ nơi đâu trên quê hương ta cũng có những người tốt, những tấm lòng trượng nghĩa. Chỉ là cách thức thể hiện sự quan tâm của mỗi vùng mỗi khác, mỗi người mỗi không giống nhau. Như cách nói chuyện thì người Quảng rất chất phác, nghĩ sao nói đó không vòng vèo. Nhiều khi cũng vì thật quá mà có hơi mếch lòng nhau. Còn nếu giúp được ai là nhiệt tình, giúp hết sức bất kể lạ quen. Bạn nào từ vùng khác đến, không quen kiểu này mà tự nhiên thấy người ta sốt sắng quá lại sinh nghi, lại ngờ rằng một cú lừa hay thuyết âm mưu đang chờ mình ấy chứ.

Bạn bè mình tỏa đi khắp nơi vì mưu sinh, Tết đến mới có dịp tụ họp hàn huyên. Bạn bảo, về quê mấy bữa là như ăn phải bánh mì chuyển ngữ của Đô-rê-mon, cứ thế mà nói giọng Quảng trôi tuột, ngày thường đi làm phải chỉnh giọng cho người ta hiểu. Trong tiếng Quảng của bạn giờ đây cũng chen vài từ rất Sài Gòn hoặc rất Hà Nội một cách vô thức. Bạn rằng, về quê là phải nói giọng quê, tại vì cứ thấy như thế mới gần gũi với quê hương, mới còn thấy đây là nơi mình thuộc về.

Ờ, mình thì nghĩ, tùy vào nơi ta từng qua mà phạm trù quê hương cũng ngày càng trở nên rộng lớn. Như ra nước ngoài mà nghe thấy người ta nói tiếng Việt thôi cũng đủ để lòng hồ hởi. Nên nếu có thể, dẫu giọng nói đã khác đi ít nhiều, giữa những người từ bao chốn xa, nghe họ nói vài câu thôi còn nhận ra đồng hương đất Quảng, vậy nghĩa là quê hương vẫn còn trong tim ta nhỉ.

 

“Nếu anh yêu cái mặn mà thì về Quảng Nam quê em
Nếu anh ưa cái nồng cay thì về Quảng Nam ân tình
Người ở miền Trung không ngại mưa ngại gió
Người ở miền Trung anh về anh sẽ thương”.

                                           (Nhạc sĩ Trần Quế Sơn)

 

 




Theo QUYÊN ĐINH (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm