Kinh tế

Nông nghiệp

Chủ động chống hạn vụ Đông Xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Vụ Đông Xuân 2018-2019, nước ở các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Gia Lai đạt thấp so với trung bình nhiều năm. Do đó, ngành Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để chủ động ứng phó với khả năng hạn hán, thiếu nước tưới cuối vụ.
Nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ
Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên và Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), vụ Đông Xuân 2018-2019, khả năng tích nước ở các hồ chứa tại khu vực Tây Nguyên chỉ đạt 80-95% dung tích thiết kế do mùa mưa 2018 kết thúc sớm hơn trung bình nhiều năm. Ngoài ra, lượng mưa từ tháng 10-2018 đến tháng 2-2019 dự báo cũng thấp hơn trung bình nhiều năm 15-30%. Do đó, nguy cơ thiếu nước tưới vào cuối vụ có thể xảy ra ở vùng công trình thủy lợi nhỏ, vùng ngoài công trình thủy lợi.
 Thi công hệ thống kênh dẫn nước Thủy lợi Ia Mlah (huyện Krông Pa). Ảnh: Đức Thụy
Thi công hệ thống kênh dẫn nước Thủy lợi Ia Mlah (huyện Krông Pa, Gia Lai). Ảnh: Đức Thụy
Vụ Đông Xuân 2018-2019, toàn tỉnh dự kiến gieo trồng 65.000 ha cây trồng các loại, trong đó lúa nước 25.000 ha, bắp 5.100 ha, rau 12.500 ha, thuốc lá 4.000 ha, mì 6.300 ha, mía 5.300 ha... Hiện trên địa bàn tỉnh có 344 công trình thủy lợi với năng lực tưới theo thiết kế khoảng 54 ngàn ha. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, hiện các công trình thủy lợi ở khu vực phía Tây tỉnh đã tích nước đảm bảo cho sản xuất Đông Xuân. Riêng các hồ chứa tại khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh, mực nước thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm. Ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: “Mực nước tại các hồ chứa trên địa bàn huyện hiện nay chỉ đạt hơn 50% dung tích thiết kế. Nguyên nhân là do năm nay mưa ít hơn nhiều năm và kết thúc sớm. Vì vậy, khả năng xảy ra thiếu nước cuối vụ Đông Xuân 2018-2019 là rất lớn”.
Ông Nguyễn Văn Lương-Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Qua kiểm tra cho thấy, các hồ, đập thủy lợi tại các huyện phía Tây tỉnh đã tích nước đạt 100% dung tích thiết kế do thời gian qua tại khu vực này lượng mưa nhiều, mưa liên tục trong thời gian dài. Còn tại các huyện, thị xã phía Đông và Đông Nam tỉnh, năm nay lượng mưa thấp nên các hồ, đập tích nước không đảm bảo. Thời gian tới, nếu nắng nóng kéo dài sẽ làm mực nước tại các hồ, đập thủy lợi xuống thấp do bốc hơi nước, tụt giảm mạch nước ngầm… Điều này sẽ ảnh hưởng đến sản xuất vụ Đông Xuân và nguy cơ thiếu nước cuối vụ có thể xảy ra.
Chủ động chống hạn
Để chủ động ứng phó với khả năng hạn hán, thiếu hụt nguồn nước tưới cuối vụ, đảm bảo cho sản xuất vụ Đông Xuân hiệu quả, các địa phương trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai-cho biết: Huyện đã cho triển khai đăng ký kế hoạch sản xuất theo nhu cầu của địa phương, theo từng cánh đồng. Để đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả, huyện đã hướng dẫn nông dân phát huy tối đa khả năng gieo trồng trên các chân ruộng đủ nước tưới, tuyệt đối không gieo trồng ở những vùng bị hạn mất trắng trong các vụ Đông Xuân trước. Đồng thời, huyện đã yêu cầu các địa phương tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn nước, tránh để tranh chấp nước tưới, đặc biệt là giữa cây dài ngày với cây lúa, đồng thời thực hiện việc tưới luân phiên.
Người dân huyện Ia Grai làm đất chuẩn bị gieo sạ lúa Đông Xuân. Ảnh: L.N
Người dân huyện Ia Grai (Gia Lai) làm đất chuẩn bị gieo sạ lúa Đông Xuân. Ảnh: L.N
Còn tại huyện Kbang, ông Mã Văn Tình cho biết: Đối với những vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nước, không có khả năng chuyển đổi sang cây trồng khác thì có thể để đất trống đợi sản xuất vụ sau. Trường hợp đã có khuyến cáo nhưng các hộ vẫn cố tình sản xuất trên diện tích đó thì địa phương sẽ không hỗ trợ khi bị thiệt hại do hạn hán gây ra. Đồng thời, huyện cũng đã vận động người dân xuống giống đồng loạt, đúng lịch thời vụ, sử dụng nước tiết kiệm và xây dựng kế hoạch phòng-chống hạn hán vào giữa và cuối vụ.
Tương tự, tại huyện Ia Pa, ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Phòng đã khuyến cáo nông dân đối với những cây trồng cạn ở những vùng đồi núi cao, sau khi thu hoạch vụ mùa xong cần tiến hành làm đất, gieo trồng sớm khi đất còn độ ẩm để hạn chế thiệt hại. Phòng cũng vận động nông dân chuyển đổi diện tích trồng lúa ở vùng cao, xa kênh mương, không chủ động được nước tưới sang cây trồng cạn như: rau, đậu, bắp, thuốc lá, dưa hấu…; tiến hành gieo sạ nhanh gọn, tập trung đồng loạt trên diện rộng. Huyện cũng đã ban hành lịch bơm tưới nước cho người dân sản xuất.
Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo người dân tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, đa dạng hóa cây trồng phù hợp điều kiện của từng địa phương và nhu cầu thị trường. Ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Sở đã có văn bản chỉ đạo định hướng sản xuất vụ Đông Xuân 2018-2019 cho các địa phương và các đơn vị chuyên môn thuộc Sở. Theo đó, với cây lúa nước, khuyến cáo lịch thời vụ đối với vùng phía Tây tỉnh xuống giống tập trung từ ngày 1-12 đến 20-12; đối với vùng phía Đông và Đông Nam tỉnh xuống giống đại trà tập trung từ ngày 20-12-2018 đến ngày 30-1-2019. Với một số cây ngắn ngày khác, người dân tập trung gieo trồng ngay sau khi thu hoạch xong vụ mùa để tranh thủ độ ẩm đất, giúp cây sinh trưởng tốt ở giai đoạn đầu…
Cũng theo ông Trương Phước Anh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có công văn yêu cầu các địa phương thường xuyên kiểm tra, dự báo lượng nước tại các hồ, đập thủy lợi và sông, suối để tính toán khả năng nguồn nước, trữ nước đảm bảo khả năng tưới cho cây trồng; quản lý chặt chẽ nguồn nước, hạn chế rò rỉ thất thoát nước, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả và tăng cường áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và các cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, xây dựng phương án chống hạn cụ thể cho từng công trình, từng khu tưới, trong đó phải tính đến biện pháp cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân trong trường hợp nguồn nước bị thiếu hụt…
Lê Nam

Có thể bạn quan tâm