Kinh tế

Hàng hóa - Tiêu dùng

Chủ động đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn, không để phát sinh các “điểm nóng” trên địa bàn.

Số vụ vi phạm tăng gần 17%

Sáng 24-4, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết công tác quý I và triển khai nhiệm vụ quý II-2024. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, trong quý I, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp với các thủ đoạn tinh vi. Trên tuyến biên giới, các đối tượng bố trí người theo dõi lực lượng chức năng, đứng canh đường rồi lợi dụng thời điểm đêm khuya khi cơ quan chức năng nghỉ làm việc thì dùng xe máy độ chế hoặc gùi cõng, tập kết hàng trong rừng có ngụy trang hoặc tập kết tại chòi, rẫy của người dân, sau đó chờ cơ hội thuận lợi để vận chuyển trái phép hàng hóa vào sâu trong nội địa tiêu thụ.

Thị trường nội địa cũng diễn ra tình trạng sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Một số đối tượng lợi dụng các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội, ứng dụng bán hàng trực tuyến để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, giao dịch mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng.

Trong quý I-2024, các lực lượng chức năng là thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã bắt giữ 467 vụ/456 đối tượng liên quan đến hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; khởi tố 23 vụ/37 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 270 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 5 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ vi phạm tăng 16,75%, số đối tượng tăng 30,28%; số vụ khởi tố hình sự tăng 35,29%, số đối tượng tăng 94,73%; số vụ xử phạt vi phạm hành chính tăng 3,44%; số thu nộp ngân sách nhà nước giảm 45,54%. Các vụ vi phạm chủ yếu là buôn bán, vận chuyển hàng cấm; gian lận thương mại, gian lận thuế; hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Quang cảnh hội nghị sơ kết công tác quý I và triển khai nhiệm vụ quý II-2024 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh. Ảnh: V.T

Quang cảnh hội nghị sơ kết công tác quý I và triển khai nhiệm vụ quý II-2024 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh. Ảnh: V.T

Khu vực biên giới của tỉnh có địa hình rộng, các tuyến đường giáp ranh kéo dài, nhiều đường mòn, lối mở. Đời sống người dân khu vực biên giới và vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn nên dễ bị các đối tượng lôi kéo tham gia tiếp tay, bao che cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Thượng tá Bùi Quốc Chính-Phó Trưởng phòng Phòng-chống tội phạm và ma túy (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) cho biết: Thời gian qua, lực lượng Biên phòng phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Hải quan, Quản lý thị trường kiểm soát thường xuyên tuyến biên giới. Qua nắm tình hình cho thấy, các đối tượng vận chuyển hàng cấm rất tinh vi, liều lĩnh, manh động, nhiều thủ đoạn mới. Các đối tượng không vận chuyển đơn thuần như trước mà độ chế trên phương tiện rất tinh vi để chở hàng. Hoạt động mua bán, vận chuyển pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu từ Campuchia vào Việt Nam tiếp tục diễn ra. Thời điểm hoạt động vận chuyển, mua bán hàng cấm không tập trung vào dịp cuối năm như trước mà diễn ra ngay từ đầu năm. Vì vậy, cần có biện pháp ngăn chặn từ xa và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng để làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, không để phát sinh “điểm nóng” về buôn lậu.

Lực lượng Biên phòng tỉnh bắt giữ và xử lý một vụ vận chuyển pháo nổ trái phép tại biên giới. Ảnh: ĐVCC

Lực lượng Biên phòng tỉnh bắt giữ và xử lý một vụ vận chuyển pháo nổ trái phép tại biên giới. Ảnh: ĐVCC

Trong khi đó, Thiếu tá Lê Việt Anh-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) thông tin: Quý I-2024, qua theo dõi nắm bắt và xử lý các vụ vi phạm cho thấy, nổi lên đối với hàng cấm là pháo nổ, thuốc lá lậu; tình trạng gian lận thương mại, hàng giả trên các nền tảng mạng xã hội phát triển mạnh; các vi phạm đối với mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, khoáng sản, thực phẩm diễn ra nhiều. Trong khi đó, công tác phối hợp, chia sẻ, cung cấp thông tin giữa các lực lượng chức năng chưa chặt chẽ, dẫn đến việc theo dõi, xử lý vi phạm còn khó khăn. Trên thực tế, vẫn còn tồn tại các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm hay có những cơ sở vi phạm đã bị xử phạt nhưng sau đó quay lại hoạt động mạnh hơn.

Mở các đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Theo đánh giá của các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, hiện nay, tình hình mua bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu, pháo nổ trái phép, lâm sản, động vật hoang dã, khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra trên các tuyến, địa bàn. Tuy nhiên, công tác đấu tranh xử lý chưa tương xứng với tình hình. Bên cạnh đó, với xu hướng phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, có sự tham gia của đa dạng chủ thể, đối tượng tương tác, các nền tảng điện tử, trang cá nhân với biên độ, phạm vi tác động rộng, mức độ phức tạp đang gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước và đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Công tác phối hợp, chia sẻ thông tin của một số ngành, lực lượng chức năng chưa chặt chẽ, thường xuyên, làm hạn chế hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng-chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh-cho hay: Đơn vị đang tập trung kiểm tra theo chuyên đề đối với mặt hàng xăng dầu, kiểm tra hoạt động kinh doanh dược. Bên cạnh việc kiểm tra định kỳ theo kế hoạch đã được duyệt, đơn vị kết hợp kiểm tra đột xuất đối với các nhóm hàng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công thương. Hiện nay, dịch vụ mua bán trên nền tảng mạng phát triển mạnh. Vì vậy, việc thực hiện các giải pháp công nghệ để quản lý, kiểm soát kinh doanh hàng hóa trên môi trường này đang đặt ra nhiều vấn đề cho ngành chức năng. Năm 2024, đơn vị phối hợp với các ngành liên quan và chủ động lấy mẫu nhóm mặt hàng thuộc lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi và thức ăn thủy sản nhằm đánh giá chất lượng. Bên cạnh đó, tiếp tục nhận định lại từng ngành hàng, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả để đưa ra các giải pháp phối hợp xử lý hiệu quả.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh chuẩn bị đưa các mặt hàng vi phạm đi tiêu hủy. Ảnh: V.T

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh chuẩn bị đưa các mặt hàng vi phạm đi tiêu hủy. Ảnh: V.T

Theo ông Lê Hồng Hà-Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh: Dự báo tình hình từ nay đến cuối năm, nhu cầu tích trữ hàng hóa sẽ tăng. Do đó, hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ có xu hướng tăng, đặc biệt là ma túy, pháo nổ, vàng, lâm sản, rượu, bia, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, mỹ phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồ chơi trẻ em…

Tình trạng nhập lậu, mua bán hàng cấm, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm về giá sẽ diễn biến phức tạp. Do đó, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cần chia sẻ thông tin, tuyên truyền tận khu dân cư, các chợ trên địa bàn và trên môi trường mạng. Ứng dụng các giải pháp khoa học để xây dựng kế hoạch kiểm tra theo chuyên đề, lĩnh vực, mặt hàng của ngành mình phụ trách; trong đó tập trung kiểm tra các mặt hàng, lĩnh vực có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, mở các đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến cuối năm 2024. Tăng cường công tác trinh sát, phối hợp hiệu quả, nắm chắc địa bàn, tuyến đường trọng điểm, khu vực biên giới, cửa khẩu, các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà kho, bến bãi, nơi tập kết hàng giả, hàng lậu quy mô lớn để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.

Có thể bạn quan tâm