Thực tế này đòi hỏi ngành chức năng phải có giải pháp quyết liệt nhằm đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trong năm 2024, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) đã phát hiện, bắt giữ 2.123 vụ với 1.909 đối tượng vi phạm; khởi tố 43 vụ với 66 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 1.709 vụ với số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 34,2 tỷ đồng.
So với năm 2023, giảm 299 vụ phát hiện, giảm 230 đối tượng; khởi tố hình sự tăng 1 vụ, giảm 2 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính giảm 246 vụ; số tiền thu nộp ngân sách giảm 16,25 tỷ đồng.
Hành vi vi phạm nổi lên là vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh các loại hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; vi phạm các quy định về thủ tục pháp lý trong hoạt động kinh doanh, điều kiện kinh doanh đối với các ngành hàng kinh doanh có điều kiện; gian lận thuế; vi phạm các quy định về giá, không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ; khai thác, vận chuyển trái phép khoáng sản; vi phạm các quy định về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; vi phạm trên môi trường thương mại điện tử…
Ông Lê Hồng Hà-Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh-đánh giá: Năm 2024, đơn vị tập trung vào công tác trinh sát nắm tình hình, quản lý địa bàn. Khi phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm, lực lượng Quản lý thị trường thực hiện kiểm tra đột xuất. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng tinh vi hơn.
Nhiều đối tượng lợi dụng các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội, ứng dụng bán hàng trực tuyến để quảng cáo sản phẩm, giao dịch mua bán, sau đó thông qua các dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng hóa nhằm tránh bị các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát.
Còn theo Trung tá Lê Việt Anh-Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh): Trong năm qua, số đối tượng vi phạm tập trung vào các nhóm hành vi như: buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng cấm.
Lực lượng Công an đã phát hiện 340 vụ/366 đối tượng, khởi tố 35 vụ/60 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 28 vụ/28 đối tượng với số tiền hơn 48 triệu đồng. Ngoài ra, chuyển cơ quan chức năng xử phạt 277 vụ/278 đối tượng theo thẩm quyền.
Tội phạm về buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, trong đó nổi lên là mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật giả được sản xuất và mua bán liên tỉnh chứ không chỉ riêng ở Gia Lai.
“Mặc dù đã tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng còn tình trạng cá nhân, doanh nghiệp trà trộn hàng thật và hàng giả để bán ra thị trường. Cách đây không lâu, lực lượng Công an đã phát hiện và tịch thu 1,2 tấn cà phê của một cơ sở trên địa bàn TP. Pleiku và đang củng cố chứng cứ để xử lý vì có dấu hiệu kinh doanh hàng giả. Bên cạnh đó, vấn đề vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn diễn ra nhiều”-Trung tá Lê Việt Anh thông tin.
Trên các tuyến biên giới và khu vực cửa khẩu, lực lượng Biên phòng đã chủ động phối hợp trao đổi thông tin cùng các ngành và tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm đấu tranh, ngăn chặn tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Đại tá Trần Thanh Bình-Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-cho biết: Hoạt động của tội phạm, tệ nạn ma túy xảy ra nhỏ lẻ với hình thức vừa sử dụng, vừa bán. Trong đó, các đối tượng không trực tiếp giao dịch mà sử dụng điện thoại di động, mạng xã hội để thống nhất phương thức mua bán, giao dịch. Để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng thường xuyên thay đổi số điện thoại và không cố định về thời gian, địa điểm hoặc ngụy trang ma túy trong các gói hàng ký gửi theo xe khách...
Đối với vận chuyển hàng cấm qua biên giới, tập trung chủ yếu là pháo nổ. Tuy không diễn ra ồ ạt song từ tháng 9-2024 đến nay, hoạt động mua bán qua lại của các đối tượng có chiều hướng tăng. Khác với mọi năm, các đối tượng không tập kết pháo nổ sẵn mà trực tiếp liên hệ với các đối tượng ở Campuchia để thỏa thuận số lượng, giá cả và thời gian rồi mới chuyển hàng qua.
Theo dự báo, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025, nhu cầu tích trữ hàng hóa để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tăng cao. Vì vậy, tình trạng nhập lậu, mua bán hàng cấm, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm cũng có xu hướng tăng.
Đặc biệt là tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, vàng, lâm sản, rượu, bia, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, mỹ phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồ chơi trẻ em…
Hiện các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố đang tập trung rà soát, xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm; tăng cường kiểm soát khu vực cửa khẩu, các đường mòn, lối mở, vị trí tập kết hàng hóa gần biên giới, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, trung tâm bưu cục, nhà kho, bến bãi, các tổ chức hoạt động dịch vụ logistics, sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội mua bán trực tuyến…
Đồng thời, tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng phương tiện vận tải để vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng tăng cường công tác dự báo tình hình, trao đổi và chia sẻ thông tin; chủ động phối hợp tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, trọng tâm là các mặt hàng cấm, hàng ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, giả mạo xuất xứ, nhãn mác; các giao dịch, buôn bán trên nền tảng thương mại điện tử; các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại, hàng nhập khẩu có điều kiện, thuế suất cao và hàng tiêu dùng trong dịp Tết Ất Tỵ 2025.