Bạn đọc

Chủ động khai báo trước khi đưa hối lộ được miễn trách nhiệm hình sự

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 4-8, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra Quyết định số 12/QĐ-VKSTC-C1 (P9) tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Võ Đình Sớm-Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai để điều tra về hành vi nhận hối lộ. Sau khi Báo Gia Lai điện tử đăng tin, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi về việc xử lý hành vi đưa và nhận hối lộ.

Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai.

Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai. Ảnh: N.T

Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai. Ảnh: N.T

* P.V: Thưa luật sư, Bộ luật Hình sự quy định xử lý trách nhiệm hình sự như thế nào đối với hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ?

- Luật sư BÙI THANH VŨ: Điều 354 Bộ luật Hình sự quy định người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích cho chính bản thân người đó hoặc cho người khác hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ từ số tiền hoặc vật chất khác trị giá 2 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: có tổ chức; lạm dụng chức vụ, quyền hạn; của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. Nếu bị kết luận có hành vi nhận hối lộ dưới 500 triệu đồng thì có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Hội đồng xét xử cũng sẽ căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 51, 52 Bộ luật Hình sự để quyết định mức hình phạt. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự, trường hợp cá nhân có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự thì Tòa án có thể quyết định mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật.

* P.V: Vậy trong trường hợp nào thì người đưa hối lộ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, thưa luật sư?

- Luật sư BÙI THANH VŨ: Theo quy định tại khoản 7 Điều 364 Bộ luật Hình sự, tội đưa hối lộ nếu có căn cứ chứng minh bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ tài sản đã dùng để đưa hối lộ. Trường hợp người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Theo Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 30-12-2020 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ thì “Chủ động khai báo trước khi phát giác” quy định tại khoản 7 Điều 364 và khoản 6 Điều 365 Bộ luật Hình sự là trường hợp hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ chưa bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, chưa bị ai tố giác nhưng người đưa hối lộ, người môi giới hối lộ đã tự khai báo toàn bộ sự việc đưa hối lộ, môi giới hối lộ mà mình thực hiện.

* P.V:Xin cảm ơn luật sư!

Có thể bạn quan tâm