Kinh tế

Nông nghiệp

Chủ động nguồn vắc xin để phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sáng 27-5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị trực tuyến về phòng-chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Tại điểm cầu Gia Lai, dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên và lãnh đạo các sở, ngành liên quan và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Cục Thú y, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 10-2020. Đến nay, dịch đã xảy ra tại 2.306 xã thuộc 32 tỉnh, thành phố với tổng số 60.176 con trâu, bò bị bệnh và 9.539 con trâu, bò chết, phải tiêu hủy. Trong đó, dịch bệnh xảy ra nặng nhất tại tỉnh Hà Tĩnh (có  17.420 trâu, bò bị bệnh, làm 2.541 con chết, tiêu hủy); Quảng Bình (8.571 con trâu, bò bị bệnh, 921 con chết, tiêu hủy); Nghệ An (7.296 con trâu, bò bị bệnh, 1.559 con chết, tiêu hủy)… Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trên diện rộng trong thời gian tới rất cao.
Để chủ động phòng-chống dịch bệnh viêm da nổi cục, các doanh nghiệp đã nhập khẩu trên 2,7 triệu liều vắc xin các loại; hiện đã cung ứng trên 2 triệu liều vắc xin cho các địa phương và doanh nghiệp chăn nuôi trâu, bò. Dự kiến thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu trên 3 triệu liều vắc xin để đáp ứng nhu cầu phòng-chống dịch.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến phòng, chống bệnh VDNC trên trâu, bò tại điểm cầu Gia Lai
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lê Nam
Tỉnh Gia Lai có đàn trâu, bò hơn 431.000 con (đứng thứ nhất khu vực Tây Nguyên và đứng thứ 2 cả nước). Từ ngày 27-4 đến 19-5, trên địa bàn tỉnh có 31 con bò tại 5 làng thuộc xã Ia Băng (huyện Đak Đoa) và xã Ia Tiêm, Bar Maih, Chư Pơng (huyện Chư Sê) có triệu chứng nổi những nốt sần tròn nhô cao trên bề mặt da. Cơ quan chuyên môn lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng V xét nghiệm và có kết quả âm tính với bệnh viêm da nổi cục. Đến nay, đã có 23 con bình phục, 8 con đang được cách ly, theo dõi và thực hiện các biện pháp chống dịch.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Cục Thú y, tại huyện Kon Plông và Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) và huyện Phù Cát, Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) có trâu, bò bị bệnh viêm da nổi cục chưa qua 21 ngày. Mặc dù Gia Lai chưa xảy ra bệnh viêm da nổi cục nhưng nguy cơ dịch bệnh lây lan vào địa bàn tỉnh là rất lớn. Do đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 188/QĐ-UBND ngày 29-3-2021 về kế hoạch phòng-chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh. Trong đó, dự kiến ngân sách tỉnh chi hơn 1,7 tỷ đồng để mua vắc xin tiêm phòng, xét nghiệm và chi cho hoạt động chống dịch. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, không để dịch bệnh lây lan vào địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Bệnh viêm da nổi cục do vi rút gây ra chỉ xảy ra trên trâu, bò và không gây bệnh trên người. Ngay khi có thông tin bệnh xuất hiện ở một số nước trong khu vực, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y và các cơ quan liên quan triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm ngăn chăn bệnh lây lan vào nước ta. Tuy nhiên, do đặc điểm dịch tễ phức tạp, bệnh lây lan nhanh nên từ tháng 10-2020 đã lây nhiễm vào Việt Nam.
Ngay khi phát hiện ổ dịch ở trong nước, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thú y, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan đã vào cuộc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý ổ dịch, phòng-chống dịch bệnh; tăng cường biện pháp khoanh vùng ổ dịch. Tuy nhiên, có một số địa phương chưa triển khai đồng bộ các giải pháp phòng-chống dịch; chưa thực hiện nghiêm việc công bố dịch; chưa có kế hoạch bố trí kinh phí phòng-chống dịch, đặc biệt là kinh phí mua vắc xin và tổ chức tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục nên không kiểm soát được dịch bệnh, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan rất cao. Do đó, cách dây hơn 1 tuần, tỷ lệ trâu, bò chết do bệnh viêm da nổi cục chỉ khoảng 10-11% trên tổng số trâu, bò bệnh nhưng đến nay, tỷ lệ này đã tăng lên 16%.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, biện pháp chính và rất quan trong hiện nay là tiêm vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, thời gian tới, các địa phương cần xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí để mua vắc xin viêm da nổi cục và tiêm phòng trên đàn trâu, bò. Quyết liệt tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan trên diện rộng.
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Hướng dẫn chủ chăn nuôi tăng cường các biện pháp chủ động phòng-chống dịch bệnh. Tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò. Tuyện đối không bán chạy trâu, bò nghi bệnh, không giết mổ, buôn bán, vận chuyển trâu, bò bệnh. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm