(GLO)- Hiện nay, nhiều loại cây trồng vụ Đông Xuân 2018-2019 đang bước vào giai đoạn phát triển có ý nghĩa quyết định đến năng suất, chất lượng. Do đó, ngoài chủ động nguồn nước tưới kịp thời vụ giúp cây sinh trưởng phát triển tốt, cơ quan chuyên môn cũng đang tăng cường hướng dẫn nông dân đầu tư chăm sóc, hạn chế không để sâu bệnh gây hại.
Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Gia Lai, đến nay, nông dân các địa phương trong tỉnh đã xuống giống được trên 65.149 ha cây trồng các loại, đạt 96,4% kế hoạch vụ Đông Xuân 2018-2019. Trong đó, lúa nước 25.417 ha, bắp 3.651 ha, đậu các loại 3.522 ha, mì trồng mới 10.525 ha, rau các loại 11.074 ha… Hiện tại, cây lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái và làm đòng; cà phê nuôi quả non. Với cây mì, mía và hồ tiêu, một số địa phương đang tập trung thu hoạch.
Chị Phạm Thị Đào (xã Ia Sao, huyện Ia Grai) tưới nước cho vườn cà phê của gia đình. Ảnh: N.H |
Vụ Đông Xuân thường trùng vào cao điểm của mùa khô nên dễ xuất hiện các loại sâu bệnh gây hại lúa nước như sâu cuốn lá nhỏ, đạo ôn, bọ trĩ, nghẹt rễ… Còn trên cây cà phê, các loại bệnh thường gặp là rệp sáp, rỉ sắt, khô cành; cây hồ tiêu là bệnh vàng lá chết chậm do nấm gây hại. Vì vậy, việc chăm sóc, bảo vệ cây trồng trong thời điểm hiện nay rất quan trọng bởi một số loại cây đang giai đoạn kết trái, tạo hạt. Đặc biệt, đây là thời điểm hầu hết các loại cây trồng đều cần nguồn nước tưới kịp thời để trao đổi chất dinh dưỡng, đảm bảo cho cây nuôi quả, hạt chắc hơn, nhất là cây cà phê và lúa nước. Do đó, những ngày này, người trồng cà phê đang tập trung tưới nước, bón phân cho cây nuôi quả.
Đang tưới nước và bón phân đợt 3 cho vườn cà phê, chị Phạm Thị Đào (thôn Tân An, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) cho biết: “Trong thời kỳ cao điểm của mùa khô, chúng tôi thường tập trung tưới nước, bón phân, làm cành để cây đảm bảo đủ chất dinh dưỡng nuôi quả non. Có như vậy năng suất cà phê cuối vụ mới đạt cao”.
Cùng với cà phê, diện tích lúa nước vụ Đông Xuân cũng đang được nông dân quan tâm đầu tư chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh gây hại. Đặc biệt, tại những khu vực có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước tưới, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang triển khai các giải pháp phòng-chống hạn cuối vụ để diện tích lúa nước đảm bảo năng suất.
Ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh-cho biết: “Hiện đang là cao điểm của mùa khô nên việc chăm sóc, bảo vệ các loại cây trồng vụ Đông Xuân rất cần thiết. Để chủ động phòng ngừa hiệu quả các loại sâu bệnh gây hại cây trồng, hàng tuần, Chi cục đều có dự báo, khuyến cáo và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân. Theo đó, trên cây lúa, người dân cần thường xuyên thăm đồng, nắm bắt tình hình sâu bệnh gây hại để có biện pháp phòng trừ; tập trung điều tiết nguồn nước tưới hợp lý giúp cây lúa sinh trưởng phát triển tốt. Người trồng rau nên ứng dụng biện pháp quản lý dịch bệnh tổng hợp (IPM) vào sản xuất theo quy trình an toàn. Trên cây cà phê, người dân cần tưới nước kết hợp bón phân cân đối, thường xuyên kiểm tra khu vực nhiễm rệp sáp ở vụ trước để tránh lây lan. Đối với cây hồ tiêu, cần kiểm tra diễn biến tuyến trùng gây hại rễ; nếu phát hiện rễ có nhiều nốt u, sần cần xử lý thuốc phòng trừ tuyến trùng đã được cơ quan chuyên môn khuyến cáo như hoạt chất Abamectin, Landsaver 18EC kết hợp với Mancozeb”.
Cũng theo ông Uyển, mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có công văn chỉ đạo về công tác phòng-chống bệnh khảm lá vi rút hại mì. Trong đó, tập trung tuyên truyền cho người trồng mì hiểu được tác hại của bệnh để có biện pháp phòng trừ; chuyển những diện tích mì bị nhiễm bệnh sang trồng các loại cây khác như đậu, bắp, mía…; kiểm soát chặt chẽ nguồn giống.
NGUYỄN HỒNG