Tham dự hội nghị tại Gia Lai có đại diện lãnh đạo các sở, ngành; đại diện một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ lớn trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy |
Báo cáo tại hội nghị cho biết, đầu năm 2024 đến nay, khu vực công nghiệp phục hồi mạnh; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1-2024 ước tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%.Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1-2024 ước đạt 524,1 ngàn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái; nguồn cung các mặt hàng dồi dào, không để xảy ra thiếu hàng sốt giá. Công tác kiểm tra, kiểm soát, bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết nguyên đán được chú trọng đúng mức. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,57 tỷ USD (tăng 42%), nhập khẩu ước đạt 30,65 tỷ USD (tăng 33,3%); xuất siêu ước đạt 2,92 tỷ USD.Công tác quy hoạch tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ, đến nay đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt 109/111 quy hoạch (đạt 99,1%).
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bộ Công thương tập trung chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm...
Tại Gia Lai, bắt đầu từ tháng 1-2024, các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với trị giá hàng hóa khoảng 16.000 tỷ đồng. Tiêu biểu như: Siêu thị Co.opMart Pleiku đã chuẩn bị nguồn hàng trị giá hơn 110 tỷ đồng; Siêu thị VinMart Pleiku chuẩn hàng hóa trị giá 36,2 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai có giá trị hàng hóa dự trữ 86 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thương mại Nam Gia Lai chuẩn bị nguồn hàng trị giá 17,8 tỷ đồng... Cùng với các chợ truyền thống, các trung tâm thương mại, lượng hàng hóa đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh, không có hiện tượng khan hàng, sốt giá xảy ra.
Các siêu thị trên địa bàn tỉnh chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng để phục vụ cho nhu cầu của người dân trước trong và sau Tết Nguyên đán. Ảnh: Hà Duy |
Ngoài ra, Cục quản lý thị trường đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Theo đó, đã tổ chức kiểm tra và xử lý 61 vụ, số tiền thu phạt 658,1 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu 330,8 triệu đồng, trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy 153,6 triệu đồng. Cục Quản lý thị trường cũng đã phối hợp với lực lượng Công an kiểm tra và xử lý 19 vụ, phạt tiền 196,5 triệu đồng, trị giá hàng tịch thu 122,9 triệu đồng, trị giá hàng tiêu hủy 102,6 triệu đồng.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo ngành công thương tiếp tục tập trung rà soát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, qua đó tham mưu cho Bộ nếu vượt thẩm quyền địa phương; cơ cấu lại ngành Công thương nhanh, bền vững dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng, thương mại điện tử; xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có giải pháp triển khai cụ thể, đảm bảo các dự án trong Quy hoạch cấp tỉnh phù hợp với nhu cầu của địa phương.
Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các sở, ngành, địa phương đảm bảo công tác cung ứng xăng dầu, cung ứng điện, không để xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng; hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp bám sát thị trường, triển khai các hiệp định thương mại tự do, tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất; làm tốt công tác quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, hàng giả hàng nhái cả trên thị trường truyền thống lẫn thương mại điện tử; chú trọng phát triển thị trường trong nước, phát triển hạ tầng thương mại truyền thống; các địa phương kịp thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực công thương để kịp thời tháo gỡ.