Kinh tế

Giá cả thị trường

Gia Lai: Thị trường nhộn nhịp ngày 29 Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thị trường ghi nhận hàng hóa đến ngày 29 Tết đã vơi đi rất nhiều. Tại các siêu thị, chợ, cửa hàng, lượng người đến mua sắm trong ngày này tăng gấp nhiều lần trước đó, tập trung chủ yếu là mặt hàng thực phẩm tươi sống, hoa quả.

Dòng người đến mua sắm tại Siêu thị Co.opmart rất đông trong ngày 29 Tết. Ảnh: Vũ Thảo
Dòng người đến mua sắm tại Siêu thị Co.opmart rất đông trong ngày 29 Tết.
Ảnh: Vũ Thảo

Mức tiêu thụ cơ bản đạt ước lượng như ban đầu

Tại Siêu thị Co.opmart Pleiku, không khí mua sắm diễn ra rất nhộn nhịp. Hàng hóa tiêu thụ mạnh nhất lúc này là bán kẹo, đồ đóng hộp, trái cây, thực phẩm chế biến sẵn. Bà Nguyễn Thị Diệu Trinh-Tổ trưởng Tổ Marketing Siêu thị Co.opmart Pleiku cho biết: “Siêu thị đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa khoảng 110 tỷ đồng, bằng với mức dự trữ năm ngoái. Đến thời điểm này, doanh số đạt khoảng 94% kế hoạch. Trong 2 ngày 28 và 29, mỗi ngày siêu thị đón khoảng 4.000 lượt khách, doanh số bán hàng đạt khoảng 3 tỷ đồng/ngày. Năm nay, trái cây ngoại không đa dạng như năm ngoái, nhưng giá bán tại siêu thị tốt hơn giá thị trường nên thu hút khách rất đông. Ngược lại, mặt hàng bia lại tiêu thụ chậm”. Theo bà Diệu Trinh, nhìn chung, giá cả hàng hóa năm nay tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng khan hiếm bất kỳ mặt hàng nào. Ngày hôm nay, người dân đến mua sắm chủ yếu là trái cây, bánh mứt. Để phục vụ khách hàng mua sắm, siêu thị sẽ mở cửa bán tới 12 giờ trưa 30 Tết.

Tết năm nay các tiểu thương nhập bánh mứt ít nên đến 29 tháng Chạp cơ bản hàng đã vơi gần hết. Ảnh: Vũ Thảo
Tết năm nay các tiểu thương nhập bánh mứt ít nên đến 29 tháng Chạp cơ bản hàng đã vơi gần hết.
Ảnh: Vũ Thảo

Tại các chợ, không khí mua sắm Tết ngày 29 tháng Chạp đã nhộn nhịp hơn hôm trước rất nhiều. Bà Nguyễn Thị Diệu-một tiểu thương bán bánh mứt tại chợ nói: “Sức mua tuy chậm khoảng 1 tuần trước, nhưng 2 ngày qua, nhất là trong ngày 29 Tết người dân đến mua sắm rất đông nên lượng hàng dự kiến còn khoảng 300 ký trước đó đã được tiêu thụ gần hết. Vì mua bán ở chợ nên chủng loại hàng hóa tôi nhập cũng phù hợp với túi tiền của người dân lao động. Đến mấy ngày cận Tết họ mới bắt đầu mua sắm, chứ trước đó tình hình rất ảm đạm. Ngày hôm nay cơ bản hàng đã cạn, bán thêm sáng ngày mai nữa hy vọng sẽ hết”.

Chị Thân Thị Thu Thủy (bìa phải)-tiêu thương chợ Chí Công (thôn Hiệp An, xã Tân An, huyện Đak Pơ) tất bật tính tiền hàng cho khách. Ảnh: Ngọc Minh
Chị Thân Thị Thu Thủy (bìa phải)-tiêu thương chợ Chí Công (thôn Hiệp An, xã Tân An, huyện Đak Pơ) tất bật tính tiền hàng cho khách. Ảnh: Ngọc Minh

Tại hầu hết các chợ truyền thống, trung tâm thương mại khu vực phía Đông tỉnh đều rộn ràng, sôi động, tấp nập người mua bán. Chị Thân Thị Thu Thủy-tiểu thương chợ Chí Công (thôn Hiệp An, xã Tân An, huyện Đak Pơ) xởi lởi cho biết: Những ngày cận Tết, sức mua bánh kẹo, mứt tăng khoảng 20% so với ngày thường, nhưng so với cùng thời điểm năm trước sức mua sụt giảm. “Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, từ đầu tháng Chạp tôi đã nhập các loại bánh, kẹo. Mọi năm bán đến chiều 29 Tết là hết hàng thì năm nay đến 29 chỉ mới bán được 70% lượng hàng hóa. Tôi cố gắng bán đến trưa 30 Tết, sau đó về dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón năm mới. Hy vọng năm Giáp Thìn 2024 việc kinh doanh, buôn bán thuận lợi hơn”-chị Thủy bộc bạch.

Năm nay, hàng trái cây ngoại nhập không đa dạng bằng năm ngoái. Ảnh: Vũ Thảo
Năm nay, hàng trái cây ngoại nhập không đa dạng bằng năm ngoái. Ảnh: Vũ Thảo

Theo ghi nhận, giá bán mặt hàng trái cây, thịt cá, rau củ quả chỉ tăng nhẹ. Chị Nguyễn Thị Lê-tiểu thương bán tại Trung tâm thương mại Pleiku cho biết: “Thời điểm này, giá trái cây tăng nhưng được nhận định là tăng ít hơn mọi năm. Các loại trái cây như thanh long, mãng cầu, hay trái cây nhập như táo Envy, cam Úc, quýt Úc giá tăng 10-20 ngàn đồng/kg so với cách đây vài ngày khi nhu cầu mua trái cây để cúng tăng mạnh. Dự báo sức mua giảm nên tôi bán hết đến đâu nhập đến đó, lấy mỗi loại một vài thùng chứ không mạnh tay như trước. Đến chiều 29 Tết cơ bản hàng đã hết, tôi cũng ráng bán thêm sáng 30 rồi nghỉ”.

Còn bà Phạm Thị Phước tiểu thương bán trái cây ở chợ đêm Pleiku chia sẻ: Năm nay giá các loại trái cây từ 22 tháng Chạp đã bắt đầu tăng, nhưng chỉ tăng nhẹ, và trong mấy ngày cuối chỉ tăng 10-20 ngàn đồng/kg. Mức giá này được xem là tăng ít so với mọi năm. “Tết năm nay tôi bán cũng rất chậm, mấy nay trung bình mỗi ngày tôi bán hơn 100 kg các loại. Hàng bây giờ còn rất ít, khả năng bán hết trong hôm nay rồi nghỉ Tết”-bà Phước nói.

Chợ Chí Công (thôn Hiệp An, xã Tân An, huyện Đak Pơ) tấp nập người mua bán. Ảnh: Ngọc Minh
Chợ Chí Công (thôn Hiệp An, xã Tân An, huyện Đak Pơ) tấp nập người mua bán.
Ảnh: Ngọc Minh

Thị trường ổn định, không có sự khan hàng tăng giá đột biến

Trong ngày 29 Tết, dòng người đổ về các chợ, siêu thị, cửa hàng mua sắm rất đông. Đa số người dân đi mua sắm thịt cá, rau củ quả, hoa tươi về để chuẩn bị cho mâm cúng rước ông bà trong ngày 30 Tết. Bà Trần Thị Lệ Thư (phường Ia Kring, TP. Pleiku) chia sẻ: “Trưa 29 Tết, tôi đi chợ thấy các mặt hàng từ trái cây, thịt gà, cá đều tăng giá; riêng chỉ có thịt heo, hoa tươi, rau củ là không tăng. Đây có lẽ là điều hiếm thấy trong mỗi dịp Tết, bởi so ra giá thực phẩm ngày Tết mà chỉ tăng 5-10 ngàn đồng/kg thì khá là thấp so với mọi năm. Giờ chợ bán lại từ mùng 2 Tết nên không phải mua dự trữ nhiều như ngày trước, cùng với đó tôi cũng sắm ít đi vì nhu cầu tiêu dùng cũng giảm”.

Giá thịt heo năm nay tương đối ổn định trong dịp Tết. Ảnh: Vũ Thảo
Giá thịt heo năm nay tương đối ổn định trong dịp Tết. Ảnh: Vũ Thảo

Theo ghi nhận của P.V, giá cả hàng hoá trên thị trường cơ bản giữ ổn định, không có sự tăng giá đột biến trong những ngày cận Tết. Giá bán các loại thực phẩm tươi sống tăng 5-20 ngàn đồng/kg. Ví dụ như thịt nạc heo có giá 110 ngàn đồng/kg, sườn non 130-150 ngàn đồng/kg, ba chỉ 110-130 ngàn đồng/kg; thịt bò 150-280 ngàn đồng/kg tuỳ loại; tôm sú 280-450 ngàn đồng/kg tuỳ loại; gà ta 140-165 ngàn đồng/kg tuỳ loại; trái cây như thanh Long là 50 ngàn đồng/kg, xoài cát chu 60 ngàn đồng/kg, mãng cầu 60-100 ngàn đồng/kg, quýt Úc 80-90 ngàn đồng/kg, bưởi da xanh 60 ngàn đồng/kg, táo 80-250 ngàn đồng/kg; hoa cúc 20-80 ngàn đồng/bó, lay ơn 30-80 ngàn đồng/bó, hoa ly 120-300 ngàn đồng/bó… Các mặt hàng bánh mứt, đồ ăn chế biến sẵn như nem chả, củ kiệu, bánh chưng, bánh tét trong ngày 29 Tết còn được một số nơi giảm giá để thu hút người mua. Bên cạnh đó, hoa tươi, cây cảnh giá cũng mềm hơn năm trước, nhiều nơi còn được người bán hạ giá đáng kể.

Các nhà vườn tranh thủ đem hoa lay ơn ra chợ bán trong ngày 29 Tết. Ảnh: Vũ Thảo
Các nhà vườn tranh thủ đem hoa lay ơn ra chợ bán trong ngày 29 Tết. Ảnh: Vũ Thảo

Chị Mai Diệp Uyên-bán hoa tươi đường Hoàng Văn Thụ (TP. Pleiku) cho hay, lay ơn đang có giá 35-80 ngàn đồng/bó, huệ 170 ngàn đồng/bó, hoa ly 120-250 ngàn đồng/bó, thanh liễu 100-120 ngàn đồng/bó… Năm nay, ngoài lay ơn là giá thấp, các loại hoa khác giá cũng bằng như năm ngoái. Từ trưa 29 Tết các nhà vườn đã báo hoa lay ơn loại to đẹp đã gần hết hàng, nên khách cũng nắm được do đó tranh thủ mua.

Hoa lay ơn đang có giá 30-80 ngàn đồng/bó. Ảnh: Vũ Thảo
Hoa lay ơn đang có giá 30-80 ngàn đồng/bó. Ảnh: Vũ Thảo

Theo bà Đỗ Thị Liên (thôn Chí Công, xã Cư An, huyện Đak Pơ), năm nay hoa vừa rẻ vừa đẹp, đa dạng chủng loại màu sắc, các bà nội trợ thỏa sức lựa chọn để thờ cúng gia tiên, trang hoàng nhà cửa. Nếu như năm trước bó hoa lay ơn có giá 70-120 ngàn đồng/bó, nay là 50-100 ngàn đồng/bó; cúc cành năm ngoái 5-10 ngàn đồng/cành, năm nay 3-8 ngàn đồng/cành; hoa ly năm ngoái 250-350 ngàn đồng/bó, nay xuống 200-300 ngàn đồng/bó.

Tại chợ An Khê (thị xã An Khê) hàng Tết được các tiểu thương, người trồng trọt, sản xuất bày bán la liệt từ các tuyến đường xung quanh vào đến bên trong chợ với đủ loại hàng hóa từ gạo nếp, lá dong, dưa hành, buồng chuối, buồng cau đến bánh, mứt, kẹo, cá, thịt... phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tất bật tính tiền, giao hàng cho khách, bà Hoàng Thị Nga-tiểu thương (chợ An Khê, thị xã An Khê) cho hay: Từ ngày 22 tháng Chạp đến nay bà phải huy động chồng, con phụ bán hàng. Các mặt hàng như: gạo nếp, đậu xanh, miến, vàng mã, dầu ăn, nước mắm, muối, bột ngọt là bán chạy nhất. Ví dụ, ngày 26 Tết bà bán được gần 60 kg gạo nếp tẻ, nếp cái hoa vàng, 15 kg đậu xanh, 7 kg miến rong, 10 lít dầu ăn… “Các mặt hàng này đều tăng giá, nhưng không đáng kể so với ngày thường. Ngày 28, 29 Tết, một số mặt hàng kể trên có xu hướng tiêu thụ chậm lại, nhưng tôi vẫn mở cửa bán hàng đến chiều 30 Tết, kiếm thêm thu nhập”-bà Nga thong thả nói.

Tại chợ An Khê (thị xã An Khê) hàng Tết được các tiểu thương, người sản xuất bày bán la liệt. Ảnh: Ngọc Minh
Tại chợ An Khê (thị xã An Khê) hàng Tết được các tiểu thương, người sản xuất bày bán la liệt.
Ảnh: Ngọc Minh

Đi chợ mua đồ cúng tất niên, chị Phạm Thị Bích Hoa (tổ 1, phường An Bình, thị xã An Khê) cho biết: Chiều 29 Tết gia đình cúng tất niên. Chị chủ động đi chợ buổi sáng để mua được những thực phẩm, rau củ tươi ngon và có thời gian sơ chế, chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên tươm tất, đủ đầy hơn. “Tôi thấy hàng hóa dồi dào, đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã và không có hiện tượng sốt giá hay giá “leo thang” đột biến. Tùy loại mà gà ta có giá 100-120 ngàn đồng/kg, thịt bò 180-250 ngàn đồng/kg, thịt, xương heo 80-100 ngàn đồng/kg; nem, chả 100-120 đồng/cây nửa ký. Các loại rau củ quả cũng ổn định. Tôi đi chợ hôm nay chỉ mua thêm thực phẩm cần thiết, sử dụng ngày 30 và mùng 1 Tết, vì mùng 2 chợ bán lại, khi ấy mua rau củ quả, thực phẩm tươi ngon, không tích trữ thực phẩm như trước”-chị Hoa chia sẻ.

Vũ Thảo-Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm