TN - Đất & Người

Chủ động ứng phó khô hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tháng 3 là thời điểm nhiều vùng tại Tây Nguyên phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt và phục vụ tưới tiêu. Các địa phương đang phải triển khai nhiều giải pháp ứng phó với nguy cơ khô hạn - được dự báo sẽ còn căng thẳng.

Người dân thôn Phú Ao, xã Tà Hine, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) kéo ống lên đồi cao đưa nước về tưới cà phê.



Ngày đêm kéo nước tưới cây


Đang vất vả kéo hàng chục đường ống nước lên đồi cao để đấu nối phục vụ đợt tưới cà phê tiếp theo, anh Trần Ka Ra, thôn Phú Ao, xã Tà Hine, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cho biết, năm qua gia đình anh đã đầu tư hơn 20 ống dẫn nước, mỗi ống dài 50m, kéo nước từ hồ Đại Ninh lên vườn cà phê.

“Một vườn cà phê phải dùng 14 ống, vườn kia dùng tới 21 ống nước mới đưa nước lên vườn được. Chi phí mỗi ống hết 1,4 triệu đồng, chưa kể máy bơm và tiền điện mỗi lần tưới nước. Nếu nhà nào không có thì phải thuê ống tưới với giá 500.000 đồng/lần. Tốn kém nhưng chúng tôi cũng phải cố vì toàn cây trồng dài ngày, không chăm sóc là thiệt hại cho những mùa sau”, anh Ka Ra cho biết.

Cách đó một ngọn đồi, gia đình ông Ya Ra (thôn Phú Ao) còn vất vả hơn khi phải dùng tới 32 ống nước (loại 50m/ống) mới đưa được nước từ lòng hồ lên vườn cà phê và hồ tiêu đang “khát”.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Trọng, với tình hình thời tiết nắng nóng như hiện nay, dự báo đến cuối tháng 3 nếu trên địa bàn chưa có mưa thì khô hạn có thể xảy ra cục bộ tại các khu vực thuộc địa bàn 5 xã vùng Loan (Tà Hine, Đà Loan, Ninh Loan, Tà Năng, Đa Quyn) và các xã Ninh Gia, Phú Hội, Liên Hiệp, N’Thôl Hạ... do nguồn nước các khe suối bị cạn kiệt, công trình hồ chứa thủy lợi nhỏ, hạn chế.


Còn tại tỉnh Gia Lai, những ngày này trời nắng như đổ lửa khiến nhiều cánh đồng khô khốc, con suối cạn khô, mạch nước ngầm tụt giảm. Ghi nhận tại hồ Bàu Nai (thôn Ia Mua, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) dù nước chỉ còn tụ dưới đáy sâu nhưng có tới 8 chiếc máy bơm đang vươn vòi xuống hút nước tưới cho các vườn cây.

Ông Nguyễn Khắc Liệu (thôn Bình An, xã Bàu Cạn), một hộ dân có máy bơm đặt tại hồ Bàu Nai, thở dài: “Lo sợ hồ hết nước, tôi lấy máy bơm công suất 11MW ra bơm nước tưới đợt 2 cho vườn cà phê 1.000 cây. Tưới ngày không đủ, gia đình phải tranh thủ tưới đêm. Tình hình khô hạn thế này, nếu sắp tới trời không mưa thì chừng 10 ngày hồ Bàu Nai có thể sẽ cạn, như thế dân sẽ không có nước tưới đợt 3 cho cà phê”.

Có mặt tại suối Pết chảy qua xã Ayun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) vào buổi trưa, hơn 30 người dân đủ già trẻ, lớn bé trong xã kéo ra tắm giặt, xếp hàng lấy nước uống. Nơi đây vào mùa mưa đầy ắp nước, còn mùa khô, đang cạn dần, nước chảy ở mương chính, còn hai bên khô cạn, chỉ còn bùn. Con suối này cũng là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân xã Ayun. Em Đen (19 tuổi, xã Ayun) cho biết do giếng không đủ nên hàng ngày phải ra suối tắm giặt và lấy nước về uống.

Chủ động ứng phó

Theo ông Nguyễn Long Khánh, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, nhiều khu vực trên địa bàn đã gặp khó về nước tưới. Những nơi xa nguồn nước tưới như xã Chư Đôn, Ia Blứ, ngành chức năng phải can thiệp bằng cách điều tiết nước mới về được. Ngay từ cuối năm 2017, huyện đã ban hành kế hoạch chống hạn, chỉ đạo các xã thành lập tổ điều tưới nước. Những xã có công trình thủy lợi do xí nghiệp thủy nông quản lý thì phối hợp với xí nghiệp để điều tiết nước tưới cho bà con. Với những công trình do xã quản lý thì thành lập các tổ điều tiết nước theo từng khu vực, gắn với công trình thủy lợi để điều tiết nước, hướng dẫn người dân sử dụng nước hiệu quả, tránh tình trạng tranh chấp nước tưới giữa các hộ dân trong vùng sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Gia Lai, cho biết để triển khai công tác sản xuất vụ đông xuân, Sở NN-PTNT tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các chủ đập, địa phương: Tích nước, lập kế hoạch điều tiết cho từng công trình; vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí; tuyên truyền dân sử dụng thiết bị tưới tiết kiệm nước như công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun dưới gốc. Đối với những vùng hay xảy ra hạn cuối vụ thì khuyến khích dân chuyển lịch gieo trồng sớm hơn; nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy.    

Tại Lâm Đồng, hiện nay mực nước tại các hồ thủy lợi lớn trên địa bàn đang thấp hơn mực nước dâng trung bình 1-3m, nhất là các hồ chứa lớn có dung tích trên 3 triệu m3 (hoặc chiều cao từ mặt nền đến đỉnh đập hơn 15m). Cụ thể như mực nước hồ Tuyền Lâm (dung tích 2,78 triệu m3, chiều cao thân đập 32,8m) phục vụ tưới tiêu cho hơn 2.400ha cây trồng đang có mực nước dâng thấp hơn trung bình 1,2m; hồ Ma Đanh thấp hơn 2,15m, hồ Bo Ka Ba Nơ thấp hơn 2,8m, hồ Phước Trung thấp hơn 3,25m, hồ Đắc Lô thấp hơn 2,67m...

Ông Nguyễn Văn Huề-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Năm nay tình hình hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh phần nào bớt căng thẳng hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, nếu tình trạng nắng nóng tiếp tục kéo dài thì sinh hoạt của người dân và sản xuất nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Hiện nay các địa phương đã có nhiều phương án tích trữ nước, sử dụng nguồn nước hợp lý, nhất là các hồ thủy lợi lớn”.

Trong đợt thu thập khảo sát số liệu quản lý tài nguyên nước khu vực Tây Nguyên mới đây, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam phân tích, hiện nay, tỉnh Đắk Lắk hứng chịu sự thiếu hụt nước mặt và nước ngầm nghiêm trọng nhất với tổng số lượng nước thiếu hụt là 362 triệu m³/năm, trong đó có 6 huyện đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng (hơn 25 triệu m³/năm).

Tỉnh Lâm Đồng có 2 huyện thiếu nước mặt nghiêm trọng trong năm. Để khắc phục tình trạng này, các địa phương cần phải có các biện pháp tăng cường khả năng cung cấp nước (thông qua phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ tưới tiêu) và giảm nhu cầu nước, đặc biệt là nhu cầu nước tưới. Cần cân nhắc phát triển song song các dự án phi công trình và giám sát sử dụng hiệu quả tài nguyên nước tại địa phương dựa vào cộng đồng.

Đoàn Kiên - Hữu Phúc (sggp)

Có thể bạn quan tâm