Kinh tế

Giá cả thị trường

Chủ động ứng phó rào cản thương mại

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Từ đầu năm đến nay, hàng loạt thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) đối với nhiều nhóm hàng. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp thì vấn đề này không đáng lo ngại.
Không gian triển lãm quốc tế ngành công nghiệp chế biến gỗ 2024 tại quận 7, TPHCM ngày 6-3-2024. Ảnh: Hoàng Hùng
Không gian triển lãm quốc tế ngành công nghiệp chế biến gỗ 2024 tại quận 7, TPHCM ngày 6-3-2024. Ảnh: Hoàng Hùng

Liên tục điều tra

Thông tin từ Cục PVTM (Bộ Công thương), ngay trong 2 tháng đầu năm nay, bộ liên tiếp nhận thông báo về điều tra PVTM với nhiều nhóm hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Canada điều tra 8 vụ đối với các mặt hàng thép, trong đó có 5 vụ chống bán phá giá, 2 vụ chống trợ cấp và 1 vụ tự vệ. Hiện các doanh nghiệp Canada đang tiếp tục thu thập chứng cứ để mở rộng điều tra PVTM đối với một số nhóm hàng thép, đặc biệt là mặt hàng dây thép.

Tương tự, tại thị trường Hoa Kỳ, chính phủ nước này vừa đưa ra thông báo tiếp tục điều tra hành vi lẩn tránh thuế PVTM đối với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Hay như Tổng vụ PVTM Ấn Độ tiếp nhận đơn kiện từ Tập đoàn Borosil Renewable Limited khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với mặt hàng kính cường lực tráng và không tráng từ Việt Nam (sản phẩm này được sử dụng như một bộ phận của các tấm pin năng lượng mặt trời và trong các ứng dụng nhiệt năng lượng mặt trời). Chưa hết, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ thông báo gia hạn áp dụng thuế tự vệ đối với sản phẩm bàn chải đánh răng nhập khẩu từ Việt Nam kể từ ngày 3-2.

Lý giải vấn đề trên, các chuyên gia cho rằng, sự tăng trưởng mạnh mẽ kim ngạch xuất khẩu trong những năm gần đây đã khiến nhiều nước gia tăng điều tra PVTM. Đơn cử, tại thị trường Canada, nếu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thép là 10 triệu USD đã tăng gấp đôi lên 21 triệu USD trong năm 2021 và tiếp tục tăng 40 triệu USD trong năm 2022. Đây là nguyên nhân khiến cho Canada gia tăng vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp PVTM đối với sản phẩm dây thép của Việt Nam. Hay như việc Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế PVTM đối với bàn chải đánh răng của Việt Nam là do nước ta có lượng nhập khẩu rất lớn...

“Hiện 5 nhóm ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam bị đưa vào diện tăng cường điều tra PVTM là nhóm kim loại và các sản phẩm kim loại, ngành cao su và chất dẻo, ngành hóa chất, ngành vật liệu xây dựng, ngành gỗ. Tính chung cho đến nay, Việt Nam đang phải đối mặt với gần 300 vụ việc PVTM do các nước khởi kiện”, ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công thương) nhấn mạnh.

Bật chế độ cảnh báo từ xa

Bà Lê Trần An Bình, Giám đốc điều hành Công ty Interwood, cho biết, 5 năm trước doanh nghiệp chưa quen với “cuộc chơi” nên còn bị động, nhưng hiện nay tình trạng đã được cải thiện. Doanh nghiệp đã thiết lập Phòng Pháp chế để chủ động hồ sơ chứng từ. Hàng năm, khi cơ quan chức năng của các thị trường xuất khẩu gửi câu hỏi để kiểm tra về vấn đề PVTM, doanh nghiệp cung cấp thông tin nhanh và đầy đủ nhất có thể. Nhìn chung, nếu doanh nghiệp có nhà máy, quy trình sản xuất đầy đủ thì không có gì đáng ngại.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều vụ kiện PVTM đã được chấm dứt điều tra sau khi doanh nghiệp Việt Nam phản hồi. Đơn cử như Australia chấm dứt điều tra chống bán phá giá với sản phẩm amoni nitrat, nhôm định hình. Tương tự, Philippines bỏ gia hạn biện pháp tự vệ với hạt nhựa HDPE và xi măng. Hoa Kỳ sơ bộ kết luận Việt Nam không lẩn tránh thuế đối với sản phẩm pin mặt trời. Và Ấn Độ dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá với thép mạ hợp kim nhôm kẽm của Việt Nam…

Ở góc độ khác, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, việc chính phủ các nước khởi xướng điều tra PVTM xuất phát từ đơn kiện của các doanh nghiệp trong nước đối với doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu cụ thể. Do vậy, nếu các doanh nghiệp xuất khẩu không chứng minh được thì chính doanh nghiệp đó sẽ bị áp thuế PVTM. Điều này cũng công bằng hơn cho những doanh nghiệp sản xuất chân chính. Tuy nhiên, các thành viên hiệp hội ngành nghề nói chung cần hỗ trợ nhau trong việc chủ động hồ sơ pháp lý, kịp thời cung cấp thông tin cho hội, cơ quan chức năng để phản hồi nhanh khi các nước có yêu cầu. Ngược lại, doanh nghiệp cũng cần các cơ quan chức năng thông tin, dự báo từ xa những nhóm, ngành hàng có nguy cơ bị điều tra PVTM để doanh nghiệp chủ động ứng phó.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng: Bù sức mua bằng giải pháp mở rộng thị trường

Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 59,3 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, ước đạt 17,4 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Nhật Bản ước tăng 19,6%; EU ước tăng 14,2%, Trung Quốc ước tăng 7,7%...

Như vậy, sự khởi đầu thuận lợi trong 2 tháng đầu năm với việc các đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho xuất khẩu hàng hóa trong năm 2024. Tuy nhiên, cùng với nỗ lực từ chính phủ và bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp cần chú trọng vào nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị thương hiệu. Qua đó duy trì và chiếm lĩnh một số thị trường lớn cũng như mở rộng sự hiện diện thương hiệu Việt Nam đến 160 quốc gia và vùng lãnh thổ.

----------------------------

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị: Gấp rút củng cố hành lang pháp lý

Bộ NN-PTNT đang gấp rút rà soát, xây dựng và sửa đổi, bổ sung một loạt các chính sách liên quan, tạo hành lang pháp lý về kiểm soát nguồn nguyên liệu gỗ bất hợp pháp, đảm bảo chỉ có gỗ hợp pháp được đi vào chuỗi cung ứng. Đặc biệt là thúc đẩy nhanh việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và mã số rừng trồng. Đây là cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn hóa xuất xứ nguồn gốc nguyên liệu sản xuất, xóa bỏ rào cản kỹ thuật xanh mà nhiều thị trường xuất khẩu đặt ra.

Có thể bạn quan tâm