Bạn đọc

Chư Păh: Hơn 2.500 lượt hộ dân vay vốn tín dụng chính sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-  Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) vừa sơ kết công tác 9 tháng và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023.

Dự hội nghị có ông Nguyễn Ngọc Thanh-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện; lãnh đạo các phòng chuyên môn của UBND huyện và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn.

Toàn huyện hiện có 217 tổ tiết kiệm và vay vốn tại 109 thôn, làng, tổ dân phố. Tính đến ngày 30-9-2023, tổng nguồn vốn Phòng Giao dịch NHCSXH huyện quản lý là 457,158 tỷ đồng, với 10.125 khách hàng vay vốn; tăng 42,091 tỷ đồng so với năm 2022. Trong đó, nguồn vốn Trung ương 391,850 tỷ đồng, tăng 36,495 tỷ đồng; chiếm tỷ trọng 85,7% tổng nguồn vốn; nguồn vốn huy động tại địa phương là 47,581 tỷ đồng, tăng 2,936 tỷ đồng; đạt 58,7% kế hoạch; chiếm tỷ trọng 10,4% tổng nguồn vốn.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: H.P
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: H.P

Trong 9 tháng Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã giải ngân 96,173 tỷ đồng, với 2.501 lượt khách hàng được vay vốn, tập trung chủ yếu vào chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác... Doanh số thu nợ đạt 57,018 tỷ đồng, trong đó tập trung ở một số chương trình tín dụng như: cho vay hộ cận nghèo 16,843 tỷ đồng, cho vay hộ nghèo 10,618 tỷ đồng, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 7,615 tỷ đồng, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 6,758 tỷ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo 6,069 tỷ đồng.

Hoạt động ủy thác thông qua các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục được triển khai thực hiện tốt thông qua 4 Hội, đoàn thể với 217 tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo an toàn, hiệu quả, kịp thời. Đến ngày 30-9, dư nợ ủy thác là 409,523 tỷ đồng, với 10.125 hộ dư nợ; chiếm 99,9% tổng dư nợ của NHCSXH huyện.

Hội nghị đã dành thời gian thảo luận về những mặt tồn tại, cũng như khó khăn trong công tác tín dụng chính sách như: Việc huy động tiền gửi tiết kiệm dân cư chưa hiệu quả, giảm 173 triệu đồng so với đầu năm; số hộ vay bỏ đi khỏi địa phương không tìm được địa chỉ (11 hộ với số tiền 369 triệu đồng). Một số xã chưa phê duyệt hộ có mức sống trung bình (Chư Đang Ya, Đak Tơ Ver, Hà Tây, Ia Phí) đã ảnh hưởng đến việc rà soát đối tượng để giải ngân chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Danh sách đối tượng thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/NĐ-CP của Chính phủ chưa được phê duyệt kịp thời, tiến độ giải ngân chậm...

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Thanh-Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị các thành viên Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định, sử dụng nguồn vốn vay của khách hàng. Bên cạnh đó, hỗ trợ, hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai các chương trình tín dụng chính sách; rà soát nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, hộ chưa vay vốn để giúp họ tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và trả nợ đúng hạn theo quy định để từ đó phát huy hiệu quả nguồn vốn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Có thể bạn quan tâm