(GLO)- Để nâng cao năng suất, chất lượng cũng như hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025.
Nhiều tiềm năng
Năm 2019, anh Nguyễn Đức Thêm (thôn 1, thị trấn Phú Hòa) đầu tư gần 1 tỷ đồng làm nhà lồng để trồng rau thủy canh trên diện tích 700 m2. Đây là mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với nhiều ưu điểm như: cây trồng không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, sâu bệnh; không dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng; kiểm soát dinh dưỡng theo công thức chuẩn quốc tế; tiết giảm nhân công, có thể sản xuất quanh năm và năng suất cao gấp khoảng 4 lần so với địa canh.
“Tôi trồng các loại rau xà lách, rau muống, cải cay, cà chua và dưa leo baby. Mỗi năm, tôi thu hoạch khoảng 13 tấn rau xanh, 4 tấn dưa leo và bán với giá 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận thu được hơn 400 triệu đồng/năm. Tôi dự định đầu tư thêm 3.000 m2 nhà lồng để trồng dưa lưới. Sau đó, tôi sẽ thành lập hợp tác xã sản xuất rau sạch và liên kết trong tiêu thụ sản phẩm”-anh Thêm chia sẻ.
Anh Nguyễn Đức Thêm (thôn 1, thị trấn Phú Hòa) trồng rau theo phương pháp thủy canh hoàn lưu trong nhà lồng. Ảnh: Lê Nam |
Trong khi đó, ông Phan Văn Nguyên (làng Ia Sik, xã Ia Nhin) thì đầu tư 2.000 m2 nhà lồng để trồng dưa lưới. Ông liên kết với Công ty TNHH Chánh Phong (tỉnh Bình Dương) tiêu thụ sản phẩm với giá 29.000 đồng/kg. “Sau khi trừ chi phí, tôi lãi gần 100 triệu đồng”-ông Nguyên cho hay.
Ngoài những mô hình sản xuất rau quả trong nhà lồng, nông dân huyện Chư Păh đang hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt tại gốc theo công nghệ WAISI trên cây cà phê, cây ăn quả và rau màu các loại; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu theo chuỗi giá trị; sản xuất và nuôi trồng đông trùng hạ thảo... Bên cạnh đó, người dân từng bước chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống sang hướng hàng hóa, xây dựng sản phẩm OCOP, gắn mã Code QR và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C...
Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao
Chư Păh hiện có 8.418 ha cà phê, 5.100 ha cao su, 2.750 ha bời lời, 145 ha hồ tiêu, 48 ha sầu riêng, 670 ha rau các loại, 200 ha chanh dây, 4.158 ha lúa... Toàn huyện có 14 công trình thủy lợi vừa và nhỏ với năng lực tưới 7.256,3 ha cây trồng các loại. Để nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản, hướng đến xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, huyện đã xây dựng Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025.
Mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại thị trấn Ia Ly. Ảnh: Lê Nam |
Theo ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh: Mục tiêu của Dự án là: Đến năm 2025, huyện xây dựng thành công các mô hình sản xuất rau, củ, quả sạch bằng công nghệ cao quy mô 4 ha tại các xã: Nghĩa Hưng, Ia Nhin, Nghĩa Hòa và thị trấn Phú Hòa; xây dựng mô hình sản xuất cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô khoảng 30 ha tại các xã: Hà Tây, Đak Tơ Ve, Ia Khươl, Hòa Phú, Nghĩa Hưng, Ia Phí và áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm đạt 200 ha.
Đồng thời, Dự án cũng hỗ trợ các hộ kinh doanh, hợp tác xã đầu tư công nghệ chế biến sâu và bảo quản nông sản đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, 4C, UTZ… nhằm từng bước hình thành chuỗi cung ứng bền vững kết nối sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm vào hệ thống siêu thị, nhà hàng tại các thị trường tiềm năng trong nước và xuất khẩu. Huyện khuyến khích và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân để thúc đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
“Do đó, thời gian tới, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết tập trung, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp bền vững, đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến xuất khẩu để tăng giá trị sản phẩm”-ông Sơn thông tin thêm.
LÊ NAM