Kinh tế

Nông nghiệp

Chư Păh: Trồng cây phân tán mang lại nhiều lợi ích

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần tăng độ che phủ rừng, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh công tác trồng rừng phân tán kết hợp bảo vệ cây nông nghiệp và trồng cây xanh trong khuôn viên trường học, nhà văn hóa, dọc các tuyến đường giao thông.
Năm 2021, huyện Chư Păh đã trồng được 82.000 cây phân tán các loại, đạt 164% kế hoạch. Trong đó, huyện xuất kinh phí mua 11.000 cây giống hỗ trợ cho người dân; người dân tự trồng 49.000 cây; Agribank Gia Lai hỗ trợ 21.810 cây. Đặc biệt, khi cây mắc ca được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là cây lâm nghiệp, huyện đã xuất kinh phí hỗ trợ cho các xã, thị trấn mua cây giống cung cấp cho người dân trồng tại khu vực đầu bờ nương rẫy để bảo vệ cây nông nghiệp, tạo thêm nguồn thu nhập sau này.
Anh Trin (làng Tuêk, xã Đak Tơ Ve) cho biết: “Gia đình có hơn 2 sào cà phê. Khi UBND xã thông báo hỗ trợ cây mắc ca để trồng ở bờ vườn, tôi đã đăng ký ngay. Cây mắc ca trồng ngoài bờ không chỉ có tác dụng bảo vệ vườn cà phê mà sau 5-7 năm là có thêm nguồn thu từ quả”. Còn anh Dinh (cùng làng) thì cho hay: “Gia đình tôi được UBND xã hỗ trợ cây mắc ca trồng dọc theo bờ rẫy cà phê. Cây mắc ca rất thích hợp với khí hậu, đất đai ở đây”.  
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh kiểm tra sự phát triển của cây mắc ca trồng tại xã Đak Tơ Ver. Ảnh: K.N
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh kiểm tra sự phát triển của cây mắc ca trồng tại xã Đak Tơ Ve. Ảnh: K.N
Ông Nguyễn Trung Huy-công chức Địa chính-Nông nghiệp xã Đak Tơ Ve-cho biết: Năm 2021, thực hiện kế hoạch trồng rừng phân tán của huyện, UBND xã đã tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động các hộ có nhu cầu đăng ký. Theo đó, UBND xã đã hỗ trợ 740 cây mắc ca cho 20 hộ dân để trồng ở bờ lô cà phê. Ngoài ra, Đoàn Thanh niên trồng 1.000 cây bò ma tại khu vực Nghĩa trang xã, Nhà văn hóa và các tuyến đường giao thông. Từ nguồn xã hội hóa, người dân trồng được 2.850 cây bò ma tại các khu vực sản xuất ở làng Tuêk, làng Mor và đường giao thông nội làng Krăh, làng Om và làng Hde. “Năm nay, từ nguồn kinh phí huyện hỗ trợ, UBND xã tiếp tục mua 900 cây mắc ca để cấp cho người dân trồng cây phân tán. Ngoài ra, từ các nguồn xã hội hóa, xã sẽ vận động người dân trồng khoảng 5.200 cây bò ma, dổi và một số loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương”-ông Huy thông tin thêm.   
Còn ông Nguyễn Văn Nội-Chủ tịch UBND xã Chư Đang Ya-cho rằng: Trước đây, việc trồng cây phân tán chủ yếu làm bóng mát và nâng cao độ che phủ vào đất của người dân nên bà con không mặn mà. Từ năm 2021, huyện có chủ trương trồng cây mắc ca vừa là cây phân tán, vừa có giá trị kinh tế nên người dân tích cực tham gia. Trồng cây mắc ca ở đầu bờ lô cà phê, bờ vườn vừa có tác dụng làm cây che bóng, chắn gió vừa giúp người dân sẽ có thêm nguồn thu nhập. Năm nay, từ nguồn kinh phí huyện, UBND xã tiếp tục hỗ trợ người dân 1.000 cây mắc ca trồng cây phân tán.
Ông Đỗ Văn Phước-cán bộ Phòng nông nghiệp và PTNT kiểm tra cây giống mắc ca trước khi cấp cho các xã, thị trấn. Ảnh: Lê Nam
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT kiểm tra cây giống mắc ca trước khi cấp cho các xã, thị trấn. Ảnh: Lê Nam
Trao đổi với P.V, ông Trần Đắc Thắng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh-thông tin: Từ năm 2021, huyện bắt đầu đưa cây mắc ca vào trồng rừng phân tán. Cây mắc ca thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, ít sâu bệnh, chịu hạn tốt vừa làm cây che bóng cho cà phê, vừa cho thu quả giúp người dân có thêm thu nhập. “Theo kế hoạch, năm 2022, huyện trồng 85.000 cây gồm: 13.334 cây mắc ca; 71.666 cây bò ma, dổi (lấy hạt) và một số loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của các xã, thị trấn thuộc danh mục loại cây trồng lâm nghiệp tại Thông tư số 30/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT với tổng kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng (ngân sách huyện 800 triệu đồng, còn lại nguồn vốn xã hội hóa). Hiện các địa phương đang tiến hành cấp cây giống cho người dân để triển khai trồng cho kịp thời vụ”-ông Thắng cho biết thêm.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm