Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Chư Păh ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xác định việc xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông là “chìa khóa” thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo đòn bẩy giảm nghèo nhanh, bền vững, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã ưu tiên nhiều nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông cho các xã vùng khó.

Những ngày này, trên tuyến đường từ xã Đak Tơ Ve đi xã Hà Tây, các nhà thầu đang khẩn trương hoàn thiện km cuối cùng, dự kiến hoàn thành trong tháng 4-2023. Tuyến đường có chiều dài 10 km, rộng 5,5 m, tổng kinh phí xây dựng là 31 tỷ đồng. Tuyến đường hoàn thành sẽ tạo tiền đề quan trọng mở rộng thông thương, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân 2 xã.

Tuyến đường từ xã Đak Tơ Ve đi xã Hà Tây được các nhà thầu dồn tổng lực để hoàn thiện km cuối cùng, dự kiến hoàn thành trong tháng 4-2023. Ảnh: Phạm Ngọc

Tuyến đường từ xã Đak Tơ Ve đi xã Hà Tây được các nhà thầu dồn tổng lực để hoàn thiện km cuối cùng, dự kiến hoàn thành trong tháng 4-2023. Ảnh: Phạm Ngọc

Tuyến đường này được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp. Mùa mưa năm 2022, nhiều đoạn bị sạt lở khiến người và phương tiện khi đi qua đoạn đường này rất lo lắng. Đặc biệt, có 2 vị trí bị sạt lở nghiêm trọng, một phần mặt đường bị nứt gãy khiến cho việc lưu thông đi lại của người dân tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Ông Ngaoh (làng Kon Sơ Lăng, xã Hà Tây) cho hay: Tình trạng sạt lở thường xuyên diễn ra trên tuyến đường khi vào mùa mưa. Có vị trí ăn sâu vào ruộng hoa màu của người dân cả chục mét. Riêng khu vườn của gia đình tôi đã bị sạt lở cuốn đi 50 cây cà phê. Vì vậy, thấy tuyến đường khởi công xây dựng, tôi cũng như bà con trong xã rất vui. Được Đảng, Nhà nước quan tâm, không chỉ tuyến đường quan trọng này mà đường liên thôn, đường ra khu sản xuất cũng được đầu tư đồng bộ giúp bà con có điều kiện mở rộng sản xuất.

Có nhà ở gần đoạn đường bị sạt lở, ông Nguyễn Văn Tám (làng Kon Sơ Lăl) cho biết: Vào mùa mưa lũ, chính quyền và người dân ở đây đã chủ động dùng cọc tre, đất đá chống sạt lở, bảo vệ tuyến đường. Nhưng do mưa lớn dồn dập, nước chảy không kịp nên gây ra sạt lở. Nay tuyến đường được đầu tư xây dựng bài bản, hệ thống cống thoát lũ được làm kiên cố. Mùa mưa đến sẽ không còn cảnh sạt lở như trước.

Ngoài tuyến đường liên xã Đak Tơ Ve-Hà Tây, tháng 3 năm nay, tuyến đường bê tông rộng 3 m, dài gần 7,3 km từ làng H’De (xã Đak Tơ Ve) đến làng Kon Sơ Lăng (xã Hà Tây) cũng đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Kinh phí xây dựng hơn 10 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Việc tuyến đường hoàn thành khiến người dân 2 làng rất phấn khởi.

Ông Lối (làng H’De) cho hay: Trước đây, tuyến đường này nhỏ hẹp, mùa nắng thì bụi mù trời, còn mùa mưa thì trơn trượt rất khó đi. Được Nhà nước quan tâm đầu tư làm đường bê tông kiên cố, dân làng chúng tôi mừng lắm. Từ nay, việc vận chuyển nông sản, khai thác mủ cao su của người dân sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Theo ông Trương Văn Toàn-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tây: Năm 2023, xã đã huy động nguồn lực từ các chương trình để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông. Nhất là sẽ hoàn thiện gần 800 m đường bê tông kết nối các làng, khu vực trọng điểm. Đáng chú ý, tuyến giao thông Đak Tơ Ve-Hà Tây có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông trên địa bàn xã.

“Tuyến đường này kết nối trung tâm xã với quốc lộ 19D liên thông với các đường nhánh từ các làng không những giúp cho việc đi lại, giao thương thuận lợi mà còn là đòn bẩy để địa phương phát triển kinh tế-xã hội”-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tây khẳng định.

Ngoài ra, tuyến đường từ xã Ia Ka đi xã Ia Phí có chiều dài 4,6 km, kinh phí đầu tư xây dựng 15 tỷ đồng cũng hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu tháng 3-2023. Để mở rộng tuyến đường, nhiều hộ dân sống dọc 2 bên đã tự nguyện di dời hàng rào, chặt bỏ cây trồng, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Chị Thunh (làng Mrông Ngó 3) cho biết: “Con đường này trước đây là đường đất. Khi xã thông báo huyện đầu tư kinh phí xây dựng con đường dân làng rất vui. Bà con tự nguyện di dời hàng rào, chặt bỏ cây trồng để thi công được thuận lợi. Gia đình tôi đã chặt bỏ 500 cây cà phê để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công”.

Tuyến đường từ xã Ia Ka đi xã Ia Phí được đầu tư xây dựng giúp việc đi lại, giao thương của người dân với các xã lân cận cũng như với trung tâm huyện thuận lợi hơn. Ảnh: Phạm Ngọc

Tuyến đường từ xã Ia Ka đi xã Ia Phí được đầu tư xây dựng giúp việc đi lại, giao thương của người dân với các xã lân cận cũng như với trung tâm huyện thuận lợi hơn. Ảnh: Phạm Ngọc

Chủ tịch UBND xã Ia Ka Phan Văn Thiện cho hay: “Tuyến đường hoàn thành giúp việc đi lại, giao thương của người dân với các xã lân cận cũng như với trung tâm huyện thuận lợi hơn. Việc tháo gỡ nút thắt về giao thông sẽ là cầu nối giúp kinh tế-xã hội của địa phương phát triển mọi mặt trong thời gian đến, góp phần hoàn thiện tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới”.

Trao đổi với P.V, ông Đặng Thái Huy-Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Păh-cho biết: Thời gian qua, huyện ưu tiên phân bổ vốn chương trình xây dựng nông thôn mới đối với các dự án đường giao thông nông thôn cho xã Ia Ka, Ia Phí, Đak Tơ Ve, Hà Tây nhằm giúp các địa phương này hoàn thiện các tuyến đường kết nối giữa các xã, huyện và các thôn, làng. Điều này không chỉ tạo điều kiện thúc đẩy giao thương trên địa bàn mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách các thôn, làng trong huyện.

Có thể bạn quan tâm