Kinh tế

Nông nghiệp

Chư Prông hỗ trợ nông dân sản xuất bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với nhiều giải pháp thiết thực như hỗ trợ cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã và đang từng bước giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập để ổn định kinh tế gia đình.
Hiệu quả từ việc hỗ trợ tái canh cà phê
Gia đình ông Trần Cao Bình (thôn Tân Lạc, xã Bình Giáo) có hơn 1 ha cà phê trồng từ năm 1995 đã già cỗi, cho năng suất thấp. Những năm gần đây, được huyện hỗ trợ cây giống, ông đã tái canh toàn bộ diện tích cà phê này. Ông chia sẻ: “Năm 2018 và 2019, tôi được huyện hỗ trợ 1 ngàn cây giống cà phê để tái canh. Cùng với đó, tôi được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên vườn cây phát triển tốt. Đến cuối năm 2021, 600 cây tái canh năm 2018 đã cho thu bói được 4,5 tấn quả tươi. Vài năm nữa, toàn bộ diện tích cà phê đều cho thu hoạch, gia đình sẽ có nguồn thu cao hơn”. 
Nói về hiệu quả tái canh cà phê trên địa bàn, ông Bùi Kim Dũng-Trưởng thôn Tân Lạc-cho biết, từ nhu cầu của người dân, trung bình mỗi năm, thôn được hỗ trợ 9-10 ngàn cây cà phê giống để tái canh trên những diện tích già cỗi hoặc bị bệnh, cho năng suất thấp. Đến nay, một số diện tích tái canh đã cho thu hoạch với năng suất trên 2,5 tấn nhân/ha. “Được sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp huyện và xã, người dân đã biết áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào chăm sóc vườn cây. Do đó, chúng tôi tin tưởng trong những năm tới, diện tích này sẽ cho năng suất cao hơn nhiều so với trước”-ông Dũng nói.
Bên cạnh hỗ trợ cây giống, huyện Chư Prông còn phổ biến kiến thức về kỹ thuật chăm sóc cây cà phê cho nông dân nhằm tăng năng suất. Ảnh: Hà Duy
Bên cạnh hỗ trợ cây giống, huyện Chư Prông còn phổ biến kiến thức về kỹ thuật chăm sóc cây cà phê cho nông dân nhằm tăng năng suất. Ảnh: Hà Duy
Bà Phạm Thị Linh-cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Bình Giáo-cho hay: Toàn xã có hơn 1 ngàn ha cà phê, trong đó, nhiều diện tích trồng từ trước năm 2000 đã già cỗi. Từ năm 2017 đến nay, được huyện hỗ trợ cây giống, người dân trong xã đã mạnh dạn tái canh cà phê để cải thiện năng suất. Đến nay, toàn xã có 75,7 ha cà phê được tái canh. Một số diện tích đã cho thu bói, số khác đang phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất cao.
Tương tự, nhờ được hỗ trợ cây giống, đến nay, xã Ia Boòng đã tái canh được gần 60 ha cà phê. Bà Nguyễn Thị Hải-cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã-thông tin: Toàn xã có 679 ha cà phê, nhu cầu tái canh vườn cây già cỗi của người dân còn cao. Do đó, hàng năm, xã đều lập danh sách các hộ có nhu cầu tái canh để đề nghị huyện hỗ trợ giống. Đồng thời, xã phối hợp với ngành Nông nghiệp huyện hỗ trợ kỹ thuật giúp người dân áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Đến nay, toàn bộ diện tích cà phê tái canh đều phát triển tốt, một số đã cho thu hoạch với năng suất khoảng 3-3,4 tấn nhân/ha.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông-cho biết: Từ năm 2016 đến nay, huyện đã cấp gần 1,7 triệu cây giống cà phê cho người dân tái canh. Ngoài ra, hàng năm, UBND huyện còn phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên triển khai cho người dân đăng ký tái canh cà phê thuộc chương trình trợ giá của Netslé với số lượng 4,4 triệu cây giống. Nhờ đó, tính từ năm 2017 đến nay, toàn huyện đã tái canh được hơn 2.303 ha cà phê. Nhiều diện tích trồng từ năm 2017 và 2018 đã cho thu bói với năng suất bình quân đạt 3,3 tấn nhân/ha. “Với việc sử dụng giống cà phê mới có chất lượng cao, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, năng suất cà phê sẽ tăng dần theo từng năm. Đặc biệt, khi cà phê đến năm thứ 7 sẽ cho năng suất đạt cao gấp nhiều lần so với thời điểm chưa tái canh”-ông Luyến khẳng định. 
Thay đổi tư duy sản xuất 
Bên cạnh chương trình tái canh cà phê, huyện Chư Prông còn hỗ trợ các giống lúa chất lượng cao để người dân thay thế các giống lúa địa phương đã thoái hóa; đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng mới nhằm giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất. Đang làm cỏ cho 3 sào lúa của gia đình, anh Rơ Châm In (làng Kành, xã Bình Giáo) cho biết, diện tích lúa này trồng được thời gian ngắn nhưng nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên phát triển rất tốt. “Năm nào tôi và các hộ dân trong làng cũng được huyện hỗ trợ lúa giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên cây lúa phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, cho năng suất cao. Riêng vụ Đông Xuân 2020-2021, tôi thu được 2 tấn thóc, tương đương với gần 7 tạ/sào. Năm nay, lúa phát triển tốt, tôi nghĩ năng suất sẽ cao hơn”-anh In tin tưởng.
Bên cạnh, huyện còn hỗ trợ về giống điều cao sản, hồ tiêu, cây ăn quả để tạo điều kiện cho người dân trong việc tái canh, cải tạo vườn tạp hoặc trồng xen, trồng thay thế các diện tích hồ tiêu bị chết. Tính từ năm 2016 đến nay, huyện đã hỗ trợ trên 316 tấn lúa giống, hơn 62 ngàn cây ăn quả các loại cùng hàng trăm ngàn cây điều, dây giống hồ tiêu cho người dân. Bà Kpuih Bé (xã Ia Kly) cho hay: Trước đây, vườn nhà mình trồng hồ tiêu nhưng do dịch bệnh nên bị chết hết. Đang loay hoay tìm kiếm cây trồng thay thế thì năm 2016, mình được huyện hỗ trợ phân bón, giống bơ, mít và sầu riêng để trồng xen vào vườn cây. Hiện các cây trồng phát triển rất tốt và đã cho thu hoạch nên gia đình cũng có thêm nguồn thu khá.
Ruộng lúa tươi tốt của anh Rơ Châm In (làng Kành, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông). Ảnh: Hà Duy
Ruộng lúa tươi tốt của anh Rơ Châm In (làng Kành, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông). Ảnh: Hà Duy
Ngoài hỗ trợ cây giống, ngành Nông nghiệp huyện còn phối hợp tổ chức 146 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho hơn 5.700 lượt người dân tham dự; hỗ trợ gần 125 tấn phân bón cho 1.045 hộ có diện tích cà phê bị thiệt hại do hạn hán vụ Đông Xuân 2019-2020. Cùng với đó, đoàn liên ngành của huyện cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kiểm soát chất lượng cây giống và phân bón trên địa bàn. 
“Những năm gần đây, huyện triển khai gần 30 mô hình sản xuất nhằm nhân rộng, giúp người dân từng bước thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, hướng dẫn người dân chuyển đổi các diện tích cây trồng bị hạn, kém hiệu quả sang trồng các loại cây chịu hạn tốt, cho năng suất cao. Đến nay, tổng diện tích cây trồng các loại trên địa bàn huyện khoảng 75.000 ha, gồm cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, lúa nước… Năng suất bình quân cà phê đạt 3,1-4,2 tấn nhân/ha; hồ tiêu khô đạt 3,8 tấn/ha; điều đạt khoảng 1,3 tấn/ha; lúa khoảng 6,5 tấn/ha”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin.
Hướng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chư Prông đã xây dựng Nghị quyết đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh chương trình tái canh cà phê bằng các giống đã được công nhận có năng suất, chất lượng cao. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, thực hiện tái canh 1.500 ha cà phê già cỗi, năng suất kém; định hướng giai đoạn 2026-2030 tái canh khoảng 2.000 ha. Đồng thời, mở rộng diện tích lúa nước sau khi công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr đi vào hoạt động, phấn đấu đến năm 2025, 100% diện tích lúa nước sử dụng các giống mới để sản xuất; phát triển diện tích cây ăn quả có lợi thế cạnh tranh; phát triển cây điều trên các diện tích phù hợp và chuyển đổi từ các diện tích trồng mì, bắp, cao su kém hiệu quả; từng bước quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất hồ tiêu bền vững…
Để đạt mục tiêu đề ra, theo ông Nguyễn Văn Luyến, thời gian tới, huyện chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững bằng các giải pháp mang tính căn cơ như: Tích cực hỗ trợ cây-con giống, triển khai các mô hình điểm về sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, đặc biệt là ưu tiên đầu tư ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ cho phát triển sản xuất các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, rau, hoa, mía, lúa…
“Thời gian tới, huyện cũng sẽ kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất ứng dụng công nghệ cao tham gia ký hợp đồng liên kết các sản phẩm chủ lực của địa phương để hợp tác chuyển giao kỹ thuật, kỹ năng quản trị sản xuất; tranh thủ tối đa các nguồn vốn hỗ trợ để triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình, dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên các cây trồng chủ lực của huyện giai đoạn 2021-2025, giúp người dân có đầu ra ổn định cho sản phẩm; tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương và tổ chức, cá nhân đẩy mạnh việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, mã số cơ sở chế biến sản phẩm đối với các nông sản hàng hóa có tiềm năng, lợi thế của huyện”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin thêm.
HÀ DUY - NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm