(GLO)- Năm 2021, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) gặp rất nhiều khó khăn, thử thách do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thiên tai tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, bằng sự đoàn kết thống nhất cao của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của Nhân dân, huyện đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Nhiều chỉ tiêu vượt cao
Theo ông Vũ Đình Hạnh-Chủ tịch UBND huyện, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) và Nghị quyết HĐND huyện nhiệm kỳ 2021-2026 đề ra. Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện kịp thời các chương trình hành động, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh.
Đời sống người dân huyện Chư Prông ngày càng được nâng cao nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp. Ảnh: Nhật Hào |
Trong số 22 chỉ tiêu về kinh tế-xã hội năm 2021, huyện có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tổng giá trị sản xuất của huyện năm 2021 (theo giá so năm sánh 2010) là 7.679,4 tỷ đồng, đạt 101,13% kế hoạch, tăng 9,7% so với năm 2020. Trong đó, giá trị sản xuất ngành nông-lâm nghiệp là 4.141 tỷ đồng, đạt 101,3% kế hoạch, tăng 4,93% so với năm 2020; ngành công nghiệp-xây dựng là 1.617,4 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch, tăng hơn 17%; ngành dịch vụ là 1.921 tỷ đồng, đạt hơn 100% kế hoạch, tăng 14,9%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 45 triệu đồng.
Đặc biệt, công tác thu ngân sách của huyện năm nay đạt kết quả rất đáng mừng. Ông Nguyễn Văn Ân-Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch-cho biết: “Nhờ tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý nhà nước về ngân sách, đẩy mạnh triển khai các nguồn thu trên địa bàn, gắn khai thác với nuôi dưỡng nguồn thu nên tổng thu ngân sách là 100,7 tỷ đồng, đạt 172,96% dự toán tỉnh giao, đạt 145,48% Nghị quyết HĐND huyện giao, tăng 27% so với năm 2020. Trong đó, thu cân đối 72,6 tỷ đồng, đạt 161% dự toán tỉnh giao, đạt 129% Nghị quyết HĐND huyện giao và tăng 37% so với năm 2020”.
Công tác xúc tiến đầu tư cũng là điểm nhấn trong thực hiện nhiệm vụ năm 2021. Tính đến thời điểm này, huyện đã thu hút được 85 dự án, tiểu dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 105.609 tỷ đồng, trong đó có 30 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 13.228 tỷ đồng; 9 dự án được UBND tỉnh đồng ý chủ trương khảo sát, nghiên cứu, đề xuất dự án và đang hoàn tất các thủ tục đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 750,5 tỷ đồng; 46 dự án được các nhà đầu tư quan tâm lập thủ tục đầu tư với tổng vốn 91.531 tỷ đồng. Ủy ban nhân dân huyện cũng đã đề xuất danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 với 23 dự án, trong đó có 13 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng-công nghiệp, 10 dự án thuộc lĩnh vực thương mại-văn hóa-du lịch.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, 19 xã đạt tổng cộng 260 tiêu chí theo bộ tiêu chí mới, bình quân mỗi xã đạt 13,68 tiêu chí. Huyện đã có 7/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đang tiếp tục phấn đấu đạt các tiêu chí nâng cao. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế tiếp tục có bước phát triển. Các vấn đề bức xúc xã hội, đơn thư khiếu nại, tố cáo được quan tâm giải quyết. Kỷ cương, hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước từng bước được nâng lên. Quốc phòng-an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Giữ vững “vùng xanh” để phát triển kinh tế-xã hội
Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết thêm: Năm 2022 vẫn sẽ có những yếu tố thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Do đó, huyện tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII và Nghị quyết của HĐND huyện. Đặc biệt, huyện sẽ tận dụng những thành tựu đã đạt được trong năm 2021 và xu hướng chuyển dịch đầu tư, thương mại, du lịch... để vươn lên mạnh mẽ, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022.
Huyện Chư Prông chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư. Ảnh: Hà Duy |
Theo đó, năm 2021, huyện đã triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực trong phòng-chống dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, huyện đã thành lập 4 chốt kiểm soát; 6 chốt lưu động biên giới kiểm soát yếu tố dịch tễ người ra vào địa bàn huyện; kích hoạt 211 tổ Covid cộng đồng tại các xã, thị trấn; đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 theo quy định; kích hoạt đưa vào hoạt động 5 khu cách ly tập trung; chuyển công năng Trung tâm Y tế huyện thành Bệnh viện điều trị Covid-19 (cơ sở 6). Huyện cũng đã triển khai thực hiện chi trả xong 111/138 triệu đồng cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Để giữ vững “vùng xanh”, huyện tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị, xác định cấp xã là “pháo đài”, mỗi người dân là một chiến sĩ với 8 nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao; phát huy vai trò của tổ Covid cộng đồng với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để giám sát chặt chẽ và kịp thời phát hiện những trường hợp có nguy cơ với dịch bệnh nhằm kịp thời triển khai biện pháp phòng-chống dịch theo quy định; kiểm soát chặt chẽ các trường hợp cách ly tại nhà, đảm bảo đúng quy định phòng-chống dịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị, mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tập trung giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường công tác tuyên truyền giảm nghèo đến với mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp dân cư, đặc biệt là người nghèo, người dân tộc thiểu số nhằm làm chuyển biến nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững. Huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 15,26% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025). Ngoài ra, huyện tiếp tục thực hiện các chính sách giải quyết việc làm, nâng cao tỷ lệ và chất lượng lao động qua đào tạo gắn với giải quyết việc làm; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác tuyển sinh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 49%, giải quyết việc làm cho 2.680 lao động.
Một góc thị trấn Chư Prông. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Đối với việc triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, năm 2022, huyện tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2021-2025. Theo ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, huyện sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, chú trọng phát triển một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực; hình thành các vùng sản xuất rau hàng hóa tập trung quy mô lớn; phát triển diện tích cây ăn quả có lợi thế cạnh tranh; mở rộng diện tích lúa nước sau khi công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr đi vào hoạt động; xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng... Cùng với đó, huyện tăng cường quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, nhất là các sản phẩm OCOP.
“Chư Prông là huyện nghèo ở khu vực biên giới, nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Vì vậy, năm 2022, huyện sẽ tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư. Đối với đầu tư công, huyện ưu tiên cho các công trình, dự án hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2022, bố trí vốn đầu tư phát triển cho các công trình, dự án quan trọng, thiết yếu thuộc các ngành, lĩnh vực để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mục tiêu đã nêu trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025). Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường quan trọng phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, huyện cũng sẽ tăng cường đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, an ninh biên giới và thực hiện tốt công tác quốc phòng-quân sự địa phương”-Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm.
HÀ DUY - NHẬT HÀO