Kinh tế

Nông nghiệp

Chư Prông: Lúa, mì thiệt hại do mưa nhiều

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mưa liên tiếp trong thời gian dài khiến nhiều diện tích mì, lúa trên địa bàn huyện Chư Prông (Gia Lai) bị úng, nhiễm sâu bệnh và kém phát triển. Thời tiết bất lợi cũng khiến việc phun thuốc bảo vệ thực vật gặp khó khăn.
Mì chết úng, không tạo củ         
Từ giữa tháng 7 đến nay, 3 ha mì của gia đình anh Nguyễn Văn Huy (thôn Yên Hưng, xã Ia Piơr) bị vàng rồi thối lá do nằm ở vị trí đất trũng, đọng nước. “Một nửa diện tích mì kém phát triển và chết úng. Các đám trên mô đất cao cây lá tươi tốt nhưng nhổ lên chỉ thấy rễ mọc thành từng chùm, không có củ”-anh Huy chán nản.
 Người dân xã Ia Lâu thăm ruộng lúa đang bị nhiễm bệnh vàng xoắn lá. Ảnh: L.H
Người dân xã Ia Lâu thăm ruộng lúa đang bị nhiễm bệnh vàng xoắn lá. Ảnh: L.H
Toàn xã Ia Piơr hiện có trên 700 ha mì. Mặc dù mới bước vào giai đoạn giữa mùa mưa nhưng đã có đến 30% diện tích mì bị chết do thối úng, số còn lại kém phát triển. Đáng nói, vì năm trước mì được mùa, được giá nên năm nay diện tích mì tại Ia Piơr tăng gần gấp đôi. “Với tình hình này, năng suất mì dự kiến sẽ giảm khá mạnh”-ông Bùi Văn Phụng-Chủ tịch UBND xã Ia Piơr-nhận định. Tương tự, tại xã Ia Lâu đã có đến 30-40% trong số 698 ha mì bị thối úng. Thậm chí ngay cả những diện tích trồng trên các triền đồi có độ dốc lớn, dễ thoát nước thì cây mì vẫn chủ yếu ra rễ sợi, tỷ lệ tạo củ rất thấp.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông, năm nay, toàn huyện trồng khoảng 5.150 ha mì, tập trung tại các xã: Ia Lâu, Ia Piơr, Ia Ga, Ia Mơr, Ia Pia… “Nguyên nhân khiến cây mì bị chết và kém phát triển là do mưa quá nhiều. Còn những cây mì thân lá vẫn phát triển bình thường nhưng bộ rễ không tạo củ là do không đủ lượng ánh nắng cần thiết”-ông Lê Quang Nhân Trí-chuyên viên Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết.
Nhiều loại sâu bệnh hại lúa
Mưa nhiều cũng khiến nhiều diện tích lúa tại huyện Chư Prông bị rầy nâu, vàng xoắn lá, đạo ôn... Tại xã Ia Lâu, trong tổng số 530 ha lúa nước và 93 ha lúa cạn đã có đến khoảng 10% diện tích bị nhiễm các loại bệnh.
Chị Bùi Thị Minh (thôn Phố Hiến, xã Ia Lâu) trồng 2 ha lúa vụ mùa gồm các giống Ma Lâm, Tám thơm… Từ cuối tháng 7, chị Minh phát hiện lúa có biểu hiện vàng lá và rầy nâu rất nhiều. Chị đã tìm mua một số loại thuốc để phun diệt trừ song không hiệu quả do thuốc phun xong bị rửa trôi hết. Gia đình chị Hoàng Thị Lược (làng Tu, xã Ia Lâu) cũng có 4 sào lúa lâm vào tình cảnh tương tự. “Sau khi bón phân đợt 1 được một tuần, lúa bắt đầu đẻ nhánh cũng là lúc bị nhiễm bệnh. Ngọn lúa bị thối héo, lá vàng úa, rễ nổi u sần”-chị Lược buồn bã nói. Cá biệt, hộ ông Trịnh Xuân Đồng (làng Đút, xã Ia Lâu) có 4 sào lúa đều bị nhiễm bệnh. “Vừa qua, cán bộ xã đã kiểm tra tình hình đồng thời khuyến cáo bà con nên thường xuyên thăm đồng để có hướng xử lý sớm, tránh lây lan. Về lâu dài, chúng tôi tuyên truyền bà con ưu tiên sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, phân hữu cơ để cải tạo đất”-ông Nguyễn Đức Tuyên, Chủ tịch UBND xã Ia Lâu-cho biết.
Trao đổi với P.V, ông Trần Văn Phòng-Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Chư Prông khuyến cáo người dân không nên quá lạm dụng phân đạm nhằm hạn chế sự phát sinh, gây hại của bệnh đạo ôn. Bên cạnh đó, bà con nên áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp, chỉ sử dụng thuốc hóa học khi sâu ở mật độ cao và có thể dùng một số thuốc để xử lý như: Padan, Sattrungdan, Antach… Với bệnh đạo ôn lá thì nên sử dụng một số thuốc như: Fuzin, Fujione, Kasai, New Hinosan…
Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm