Kinh tế

Nông nghiệp

Chư Prông mở rộng diện tích cây ăn quả phục vụ xuất khẩu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và bà con nông dân huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) trồng cây ăn quả theo các tiêu chuẩn gắn với xây dựng mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu.

Đây là hướng đi đúng đắn, phù hợp nhằm nâng cao giá trị sản xuất và đảm bảo đầu ra sản phẩm.

Sản phẩm chuối của Công ty cổ phần Nông nghiệp An Thịnh Farm có đầu ra ổn định hơn sau khi được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: H.T

Đưa chúng tôi tham quan khu vực trồng chuối già Nam Mỹ rộng 140 ha, ông Lê Hữu Tín-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp An Thịnh Farm (xã Ia Phìn) cho biết: Công ty đi vào hoạt động từ năm 2021. Trước đây, sản phẩm chuối của Công ty chủ yếu bán cho các doanh nghiệp nhỏ và xuất khẩu sang Trung Quốc. Sau khi được cấp mã số vùng trồng, đầu ra sản phẩm của Công ty thuận lợi hơn.

Hiện sản phẩm của Công ty đã xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... “Để được cấp mã số vùng trồng, Công ty trồng chuối theo tiêu chuẩn GlobalGAP, chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Nhờ đó, năng suất trung bình đạt 40-50 tấn/ha, sản phẩm đạt chất lượng cao. Đặc biệt, từ khi được cấp mã số vùng trồng, sản phẩm chuối của Công ty bán ra thị trường có giá cao hơn 10-15% so với trước”-ông Tín khẳng định.

Để tạo thuận lợi cho đầu ra sản phẩm, HTX Sầu riêng hữu cơ Ia Phìn cũng đã xây dựng 2 mã số vùng trồng cho 70 ha sầu riêng của các thành viên. Ông Lê Danh Lăng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX-cho hay: Hợp tác xã có 61 thành viên canh tác 220 ha sầu riêng, trong đó có 70 ha kinh doanh và 150 ha đang trong giai đoạn kiến thiết.

Để được cấp mã số vùng trồng, các thành viên tuân thủ quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ. Cụ thể, các thành viên chủ yếu sử dụng phân bò ủ với chế phẩm sinh học hoặc sử dụng các loại phân hữu cơ mua từ các cửa hàng uy tín để bón cho cây sầu riêng. Đồng thời, sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Đến tháng 7-2023, toàn bộ 70 ha sầu riêng kinh doanh của HTX đã được cấp mã số vùng trồng.

Ông Lăng và người dân thăm vườn sầu riêng của gia đình. Ảnh: H.T

“Hiện tại, vườn sầu riêng của các thành viên HTX phát triển tốt, ít bị sâu bệnh gây hại. Năm 2024, dù thời tiết bất lợi nhưng năng suất sầu riêng vẫn đạt 15 tấn/ha. Đặc biệt, sản phẩm sầu riêng được nhiều đơn vị ở miền Tây Nam Bộ và Đắk Lắk thu mua để xuất khẩu với giá trung bình gần 70 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận đạt gần 800 triệu đồng/ha”-ông Lăng thông tin.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lập-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Minh Phát Farms (thị trấn Chư Prông) cho hay: Hợp tác xã hiện có 25 thành viên canh tác 37 ha sầu riêng. Thời gian qua, HTX đã vận động các thành viên và người dân trong khu vực lân cận trồng sầu riêng theo hướng VietGAP. Đặc biệt, năm 2024, HTX ký kết hợp tác xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc với HTX Nông nghiệp xanh Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk). Hiện nay, HTX đã làm thủ tục để được cấp mã số vùng trồng cho 30 ha sầu riêng.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông-thông tin: Toàn huyện có 3.274 ha cây ăn quả, tăng hơn 1.273 ha so với năm 2020. Các loại cây ăn quả được trồng chủ yếu gồm: sầu riêng 1.200 ha, bơ 669 ha, chanh dây 600 ha, chuối 350 ha... Sản lượng trái cây năm 2024 đạt gần 74 ngàn tấn, tăng hơn 34 ngàn tấn so với năm 2020.

Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng được 32 mã số vùng trồng với diện tích hơn 1.379 ha. Trong đó có 12 mã số vùng trồng chanh dây, 8 mã số vùng trồng sầu riêng, 4 mã số vùng trồng chuối, 3 mã số vùng trồng xoài, 3 mã số vùng trồng mít Thái, 1 mã số vùng trồng thanh long và 1 mã số vùng trồng dưa hấu. Việc sản xuất theo các tiêu chuẩn và xây dựng mã số vùng trồng đã mở ra cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn huyện.

“Năm 2025, huyện sẽ mở rộng diện tích cây ăn quả lên 3.908 ha với các cây trồng chủ lực như: sầu riêng, chuối, chanh dây, bơ, xoài, mít, nhãn... Để nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện tiếp tục phối hợp tổ chức các hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và vận động doanh nghiệp, người dân áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn gắn với đăng ký mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói để tạo thuận lợi cho đầu ra sản phẩm.

Ngoài ra, huyện khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước thích ứng với biến đổi khí hậu để giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm