Điểm đến Gia Lai

Chư Prông phát triển gắn với giảm nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp và triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ huyện Chư Prông chỉ đạo triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025.
 


Chú trọng phát triển nông nghiệp

Xác định nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế nên ngay đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Prông đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cơ cấu cây trồng để từng bước hình thành những vùng chuyên canh.

Theo đó, huyện chủ trương phát triển hợp lý diện tích cây ngắn ngày, trong đó chú trọng giống bắp lai, mì cao sản; khai thác hiệu quả diện tích có thể trồng các loại cây ăn quả theo vùng; phát triển cây rau màu, cây ăn quả, cây dược liệu gắn với thị trường... Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 4.000 ha cây ăn quả và trên 1.000 ha cây dược liệu.

Mô hình trồng xen cây dược liệu trong diện tích hồ tiêu bị chết của nông dân huyện Chư Prông cho hiệu quả cao. Ảnh: Anh Huy


Vài năm trở lại đây, nhiều nông dân xã Ia Piơr tiến hành trồng thử nghiệm cây ăn quả trên diện tích đất trồng cây ngắn ngày, cây điều kém năng suất và mang lại hiệu quả bước đầu. Ông Nguyễn Viết Tất-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Piơr-cho hay: Toàn xã hiện có gần 30 mô hình trồng cây ăn quả với diện tích khoảng 55 ha, chủ yếu là trồng  na, xoài, mít Thái, bưởi da xanh, nhãn, ổi… Nhiều diện tích đã cho thu hoạch, được thị trường đón nhận và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.

“Ngoài 2 nông hội trồng lúa và trồng điều thì xã cũng đã thành lập 1 tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả với 12 thành viên tham gia. Đối với một số cây trồng mang lại hiệu quả thì xã sẽ mở rộng thêm diện tích trong thời gian tới”-ông Tất thông tin.

Với cây công nghiệp dài ngày, huyện khuyến cáo người dân không nên mở rộng thêm diện tích. Theo Bí thư Huyện ủy Đinh Văn Dũng, diện tích cà phê cần ổn định và tập trung tái canh, sử dụng các giống năng suất cao, chất lượng tốt và xây dựng các mô hình tưới nước tiết kiệm. Đồng thời, khuyến cáo người dân không chuyển đổi diện tích cây cao su sang cây trồng khác; không mở rộng diện tích cây hồ tiêu.

Còn ông Trần Quyết Thắng-Chủ tịch UBND xã Ia Băng thì chia sẻ: Tổng diện tích cà phê trên địa bàn xã là 1.010 ha. Trong 2 năm qua, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân chủ động tái canh 43,2 ha cà phê già cỗi, đồng thời áp dụng hình thức tưới nước tiết kiệm. Đến nay, có khoảng 35% trong tổng số hộ đã áp dụng hệ thống tưới phun mưa. Theo kế hoạch, năm 2021, xã sẽ tái canh 10,9 ha cà phê.

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,5%/năm

Cùng với chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Theo thống kê, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 4,39% và tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số dưới 8%. Chỉ tiêu đặt ra là phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,5%/năm và đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện dưới 3%, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số dưới 5%.

Để từng bước hoàn thành mục tiêu đề ra, theo Bí thư Huyện ủy Chư Prông, thời gian tới, huyện ưu tiên nguồn lực cho công tác giảm nghèo. Hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế, huyện sẽ giao chỉ tiêu cho từng xã, thị trấn. Cùng với đó, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động dân tộc thiểu số; vận động người dân vào làm việc tại các doanh nghiệp; kêu gọi các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện tham gia xóa nhà dột nát, hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn...

“Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đã đầu tư vào địa bàn. Do đó, mục tiêu giải quyết việc làm cho 2.500 lao động mỗi năm là hoàn toàn có thể thực hiện được”-Bí thư Huyện ủy Chư Prông thông tin.

Xã Ia Mơr được xem là địa phương làm tốt công tác giảm nghèo năm 2020. Ông Ngô Ngọc Tiến-Chủ tịch UBND xã Ia Mơr-cho biết: Năm qua, xã đã xóa được 16 hộ nghèo, trong khi chỉ tiêu đặt ra là 7 hộ, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 8,25% (năm 2019) xuống còn 6%.

Để tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo, UBND xã phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đoàn thể; phối hợp mở các lớp dạy nghề ngắn hạn và khuyến khích người dân tham gia. Cùng với đó là vận động người dân mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; tận dụng nguồn nước ở hồ thủy lợi Ia Mơr để tưới cho cây trồng.

Mặt khác, xã cũng xây dựng kế hoạch giao khoán bảo vệ rừng để người dân vừa có thu nhập, vừa nâng cao hơn nữa trách nhiệm bảo vệ rừng; phối hợp với các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn chung tay cùng địa phương giúp dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
 

 ANH HUY

Có thể bạn quan tâm